Chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn tập môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Văn Khuê, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, TP Cần thơ cho rằng, giáo viên cần dạy đủ, dạy đúng nội dung chương trình Ngữ văn 12 theo kế hoạch đã đề ra.
Trong quá trình dạy bài mới, cần dành thời lượng phù hợp để củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ thuật làm bài cho học sinh, bao gồm cách làm phần đọc hiểu, cách làm câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học.
Khi ôn thi, giáo viên cần bám sát đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đề tham khảo năm 2023 và bám sát nội dung chương trình Ngữ văn 12. Cùng với đó, hướng dẫn học sinh chia các tác phẩm văn học theo thể loại. Mỗi tác phẩm cần cô đọng nội dung trọng tâm, ra đề cho học sinh thực hành.
“Thầy cô cũng cần tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, bổ sung tài liệu ôn thi cho phù hợp, với tinh thần: Tài liệu phải đầy đủ, bao quát, đúng trọng tâm, không dàn trải, ôm đồm. Sử dụng đa dạng nhiều phương pháp dạy học, nhiều biện pháp giáo dục nhằm hấp dẫn học sinh, tiếp thêm động lực để học sinh có hứng thú học tập…”, thầy Nguyễn Văn Khuê lưu ý thêm.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, cô Đinh Thị Thuỷ, Trường THPT Phenikaa (Hà Nội) lại chú trọng vào việc giúp học sinh biết, hiểu rõ cấu trúc đề, kĩ năng thực hiện từng yêu cầu của đề (cụ thể, khoa học, sáng rõ). Đồng thời, hệ thống hóa các đơn vị kiến thức theo chủ đề/bài học. Khảo sát chất lượng học sinh qua các bài tập (theo cấu trúc đề thi) để có hướng dạy/ôn tập theo trình độ, năng lực, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm hạn chế của học sinh.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại. |
Cô Ngô Kim Đồng, Trường THPT Bình Minh (Vĩnh Long) thì nhấn mạnh việc giáo viên cần hệ thống lại các dạng câu hỏi và chỉ ra hướng giải quyết đối với từng dạng câu hỏi đọc hiểu. Cùng với đó, rèn luyện cho học sinh các kĩ năng giải quyết vấn đề đọc hiểu với đa dạng các thể loại ( thơ, văn xuôi, văn bản nhật dụng,...) thông qua việc thực hành làm các bài tập thường xuyên trên lớp.
Lưu ý cụ thể đối với phần làm văn, đối với yêu cầu viết 1 đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ), giáo viên cần cung cấp lại mô hình viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh và giúp các em thuộc mô hình đó. Đồng thời thường xuyên rèn luyện kĩ năng viết 1 đoạn văn nghị luận xã hội với 2 dạng về vấn đề và dạng về ý nghĩa.
Trong quá trình viết đoạn văn, giáo viên hướng dẫn học sinh cách chấm và cho học sinh tự chấm, chấm chéo lẫn nhau để các em tự đánh giá được năng lực, kĩ năng của bản thân cũng như học hỏi lẫn nhau.
Đối với viết 1 bài văn nghị luận văn học về một đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi, có kèm theo yêu cầu phụ: Giáo viên cung cấp lại mô hình cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ/đoạn trích văn xuôi, có kèm theo yêu cầu phụ cho học sinh, giúp các em thuộc mô hình đó.
Hệ thống lại kiến thức của từng bài qua việc vẽ sơ đồ tư duy và yêu cầu học sinh thuộc những phần cơ bản như tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, nghệ thuật, ý nghĩa văn bản và hệ thống các luận điểm của từng bài.
Giáo viên cũng cần tập trung hướng dẫn học sinh thực hành lập dàn bài trên các đề cụ thể, viết các đoạn văn nghị luận văn học (đoạn mở bài, đoạn đánh giá chung, đoạn nhận xét theo yêu cầu phụ, đoạn kết bài, các đoạn viết theo luận điểm,...) để rèn luyện các kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh.
Lưu ý học sinh, cô Đinh Thị Thuỷ, Trường THPT Phenikaa nhấn mạnh: Học sinh cần chủ động ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng cách: Sơ đồ hóa, ghi giấy note kiến thức quan trọng, tham khảo tư liệu để có kiến thức ở mức nâng cao, có chiều sâu (nhằm đạt điểm tối đa, nhất là phần nghị luận văn học).
Học sinh cũng cần thành thạo các kĩ năng thực hiện yêu cầu của từng phần/từng câu trong đề thi. Học/ôn trong tâm thế chủ động, tĩnh tâm, học sâu, học kĩ, có mở rộng, phản biện để bài làm có chất lượng, thể hiện tư duy sắc sảo, mang dấu ấn cá nhân.