4 lưu ý ôn thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Theo đề tham khảo, đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn ổn định 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội (NLXH) và nghị luận văn học (NLVH).

4 lưu ý ôn thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Một trăm ngày để các sĩ tử 2005 chinh phục môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực và tư duy nếu thực hiện hiệu quả những bí quyết sau.

1. Rèn kỹ năng viết đoạn văn 5-7 dòng

Đề Ngữ văn minh họa 2023. Ảnh chụp màn hình

Đề Ngữ văn minh họa 2023. Ảnh chụp màn hình

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) đề thi Tốt nghiệp năm 2023 giữ ổn định như năm 2022, một số nội dung tăng cường tính thực tiễn từng bước tiệm cận định hướng đánh giá năng lực của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Kiểm tra tri thức tiếng Việt chỉ còn 1 câu, 3 câu kiểm tra năng lực đọc hiểu và diễn đạt văn bản.

Trong phần Đọc hiểu của đề minh họa Ngữ văn 2023, mức độ thông hiểu ở câu 2 và 3 và vận dụng cao ở câu 4 đòi hỏi học sinh bộc lộ năng lực đọc hiểu văn bản thơ tự do trả lời câu hỏi: ngữ liệu/đoạn trích nêu lên vấn đề gì? Đặc sắc nghệ thuật là gì? (không cần phân tích, lí giải tại sao).

Năng lực đọc hiểu cơ bản sẽ giúp người đọc, người học trả lời câu hỏi: văn bản viết về ai, nêu vấn đề gì và như thế nào. Những cách hỏi này đã có trong đề thi tư duy và đánh giá năng lực mấy năm qua. Học sinh cần ôn tập và vận dụng trả lời câu hỏi khi đọc bất cứ văn bản nào.

Hãy rèn kỹ năng viết đoạn ngắn 5-7 dòng và dùng từ, diễn đạt trình bày ý hiểu của mình đúng trọng tâm câu hỏi 2, 3, 4 vận dụng của phần Đọc hiểu.

2. Đoạn văn 200 chữ cần viết trúng vấn đề và ngắn gọn

Thí sinh sẽ bày tỏ hiểu biết và thái độ, cảm xúc về vấn đề gợi ra từ ngữ liệu đọc hiểu của đề bài. Vấn đề đảm bảo yêu cầu mới và phù hợp đối tượng học sinh các vùng miền và thời gian làm bài chừng 30 phút trong 1 trang giấy (khoảng 200 chữ). Giám khảo nhiều năm chấm Ngữ văn cho biết, kỹ năng viết đoạn văn của thí sinh rất yếu, giám khảo không hiểu thí sinh viết gì và viết để làm gì đoạn văn dài vài trang giấy? Viết trúng vấn đề và hàm súc, đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận xã hội là việc các em cần rèn tập nhiều mới đạt.

Có thể yêu cầu về hình thức của đoạn văn (0,75/2 điểm) thi tốt nghiệp gần đây chưa được coi trọng cho nên một số giáo viên Ngữ văn vẫn yêu cầu học sinh viết đoạn văn dài và phân tích dẫn chứng phải thuyết phục. Về nội dung nghị luận (1,25/2 điểm), đoạn văn yêu cầu thí sinh trình bày ý hiểu và thái độ về một khía cạnh của vấn đề. Câu 1, phần Tự luận, đề minh họa 2023, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần vượt khó - ý nghĩa, giá trị về tinh thần và vật chất (sức mạnh) cho mỗi người khi dám vượt lên khó khăn và những thiệt hại, mất mát khi lùi bước trước khó khăn. Khó khăn cho ta thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin để vượt thử thách, kiếm tìm hạnh phúc và ngược lại. Từ đó nêu bài học trước khó khăn…

Để viết đoạn nhanh, đúng và trúng vấn đề, thí sinh nhất thiết cần đọc kỹ đề bài để hiểu đúng yêu cầu, lập dàn ý và viết theo dàn ý. Cấu trúc của đoạn văn gồm có câu chủ đề, câu giải thích, nêu ngắn gọn một vài biểu hiện và bàn luận về vấn đề, liên hệ nhận thức và hành động. Đoạn văn trình bày theo các diễn dịch, quy nạp, tổng –phân- hợp là dễ viết nhất.

Bài văn nghị luận xã hội 600 chữ thì cần phân tích dẫn chứng chứng minh, còn đoạn văn 200 chữ nêu khái quát dẫn chứng để đảm bảo tính toàn diện vấn đề.

3. Nghị luận văn học nên viết thế nào

Đề Ngữ văn tốt nghiệp 2023 vẫn kiểm tra hiểu biết và kỹ năng văn học với 2 yêu cầu như năm 2022 là nêu cảm nhận về một đoạn trích và nêu nhận xét về một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật. Yêu cầu nhận xét (0,5 điểm) dùng phân hóa điểm giỏi.

Thay vì phải học thuộc và viết theo văn mẫu vài trang, học sinh hãy đọc lại các bài quan trọng, tự trả lời câu hỏi trong phần Hướng dẫn chuẩn bị bài, tập nói hoặc viết thành đoạn văn, tự đối chiếu. Đọc nhiều lần đoạn trích, giảng giải nghĩa sự việc, nghĩa sự vật và nghĩa tình thái của câu chữ, nghĩa gốc, nghĩa chuyển của chi tiết, hình ảnh thơ… Xác định các biện pháp nghệ thuật được sử dụng như từ láy, tu từ, …thể hiện nội dung. Giám khảo rất trân quý những bài tự viết, nêu cách hiểu, cách kiến giải hàm súc và sáng tạo của thí sinh.

Thực tế, giám khảo Ngữ văn luôn ngại chấm bài thi viết 2-3 tờ giấy trang nào cũng kín đặc chữ, viết đủ chuyện trên trời dưới đất, trong khi đề chỉ hỏi cảm nhận về chục câu thơ hay một đoạn văn xuôi khoảng 300 chữ…Các thí sinh có biết, theo Hướng dẫn chấm, nội dung bài dù viết tốt như thầy cô cũng không chấm quá 3,5/5 điểm, còn 1,5/5 điểm dành cho hình thức của bài nghị luận. Người viết nhiều năm làm thi và ôn thi luôn nhắc trò hãy viết những gì em hiểu, diễn đạt đúng và lựa chọn từ ngữ chuẩn xác để viết trọn trong 1 tờ giấy thi hoặc 2 tờ với em khá giỏi.

Việc so sánh, mở rộng hay trích dẫn ý kiến của các nhà phê bình trong tài liệu, văn mẫu - những câu chữ của người ta - làm cho bài thi dài lê thê và sáo rỗng. Điểm giỏi có phải của năng lực và hiểu biết Ngữ văn của học trò 18 tuổi vẫn học quá nhiều môn quan trọng hiện nay?

Mục tiêu của Chương trình Ngữ văn 2018 sẽ loại bỏ văn mẫu học thuộc, nhớ nhiều và viết dài lê thê, sáo rỗng. Bài nghị luận Chương trình 2018 yêu cầu viết khoảng 500 chữ sẽ làm phá sản tư duy văn dài, chữ nhiều hiện nay.

4. Học hiểu: phương pháp học thông thái

Thời gian thi vào cuối tháng 6/2023 vẫn đủ để học sinh tăng cường ôn luyện. Năm 2023, nhiều em chọn thi đánh giá năng lực và tư duy tìm thêm cơ hội vào đại học. Điểm thi Ngữ văn nói riêng khá cao (điểm trung bình cả nước trên 6,5) không hẳn do đề dễ. Hàng trăm giờ ôn tập đọc chép hay lệ thuộc tài liệu tốn nhiều thời gian, hiệu quả thấp và thêm mệt mỏi. Đề Ngữ văn thi tốt nghiệp kiểm tra năng lực văn học và tiếng Việt cơ bản của thí sinh qua một đoạn trích tác phẩm thơ hoặc truyện học ở lớp 12.

Tự ôn tập theo hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa là cách tốt nhất. Đọc lại tác phẩm và tự trình bày những suy nghĩ, hiểu biết của mình về câu thơ, về từ ngữ, hay chi tiết tiêu biểu của tác phẩm. Ôn tập bằng tư duy, suy luận và tự viết bài, đối chiếu để bổ sung, điều chỉnh vẫn hữu ích hơn tủ đề giải đề. Khi nắm vững lý thuyết làm bài nghị luận, biết lập dàn ý và viết theo dàn ý, biết các lập luận và diễn đạt, đề bài nào các trò cũng làm được tốt. Rất nên tranh luận với bạn và thầy cô để củng cố tri thức và kỹ năng.

Phương pháp học ít, hiểu nhiều là cách học hiểu, học thông thái chọn vấn đề và học cách làm chứ không phải học nhiều thuộc nhiều. Để học hiểu bài, các em cần tỉnh táo, tập trung theo nội dung bài học hoặc bài trình bày của bạn, thay vì chăm chỉ ghi chép từng chữ, các em hãy xem thầy cô phân tích, lý giải và lập luận thế nào? Cố gắng tìm thấy những lý do trả lời câu hỏi tại sao lại hiểu như thế/làm như thế.

Giữ gìn năng lượng toàn phần, cân bằng tâm sinh lý và hài hòa sử dụng thời gian, ngủ đủ giờ, không chọn cách học quá khuya, rất nguy hại sức khỏe! Cân bằng nhu cầu học và vui chơi giải trí và giữ sức khỏe, tự tin ôn tập, từng bước làm chủ kiến thức và kỹ năng, chuẩn bị tốt nhất năng lượng cho kỳ thi quan trọng của đời mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ