Ổn định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH ổn định, có hiệu lực trong ít nhất 5 năm để toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả; HS yên tâm, có định hướng rõ ràng trong quá trình học tập.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT là một trong chín nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đặt ra. 

Thực hiện Nghị quyết 29, Nghị quyết 44, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động tích cực tới việc đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, việc thi cử tại thời điểm này còn nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, đợt thi (trong gần 1 tháng thí sinh phải dự thi 1 kỳ thi tốt nghiệp (THPT) và 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

HS các tỉnh xa phải lên Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội; ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận bức xúc.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng với mục tiêu khắc phục các bất cập nêu trên, bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí cho thí sinh, gia đình, xã hội với nội dung cơ bản là tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh.

Trong các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. Từ năm 2017, kỳ thi được tổ chức ở tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); đảm bảo mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. 

Qua các năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Đến năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay thế Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015.

Việc tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Phát huy kết quả đạt được của lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho giai đoạn 2021 - 2025 với những điều chỉnh kỹ thuật theo từng năm cho đến khi áp dụng đầy đủ Chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GD-ĐT; tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên giấy; đồng thời tích cực chuẩn bị và từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.