Chuẩn bị phòng thi dự phòng, bổ sung thêm nhân lực y tế tại điểm thi, rà soát thí sinh diện F và làm xét nghiệm khi cần thiết… là công việc tỉnh/thành đang nỗ lực thực hiện.
Kiểm tra sức khỏe cán bộ in sao đề thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, TPHCM có 115 điểm thi với 3.164 phòng thi. Tổng số thí sinh tham dự kỳ thi là 74.718 thí sinh, 12.006 cán bộ thực hiện công tác coi thi và 2.070 cán bộ thực hiện công tác chấm thi (chưa tính cán bộ công an, nhân viên phục vụ, hỗ trợ…).
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, TP đã tổ chức rà soát lịch sử di chuyển, tình trạng sức khỏe, bảo đảm 100% cán bộ tham gia thực hiện công tác in sao đề thi được xét nghiệm Covid-19.
Bên cạnh đó, TP cũng triển khai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác thi và học sinh lớp 12 thực hiện Tờ khai y tế để phối hợp với ngành y tế sàng lọc, phân loại.
Cũng theo ông Hiếu, Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nên ngành GD-ĐT TP sẽ phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương lên phương án giải tỏa nhanh thí sinh và phụ huynh sau khi kết thúc giờ làm bài, không tập trung đông người tại các điểm thi. Ngày 5/8, Sở GD&ĐT TPHCM tập huấn cho tất cả trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi ở 24 quận, huyện.
Trên 200 phòng thi dự phòng ứng phó dịch bệnh
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, chỉ đạo các điểm thi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.
Sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án dự phòng cho tình huống xảy ra dịch bệnh như chuẩn bị 10 điểm thi dự phòng tại 9 quận, huyện với 221 phòng thi dự phòng, trong trường hợp cán bộ coi thi và thí sinh có dấu hiệu dịch tễ.
Theo ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban phục vụ y tế Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Cần Thơ, thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác.
Ông Nguyễn Phước Tồn cho biết: Tại mỗi điểm thi, ngành y tế thành lập 1 tổ trực sơ cấp cứu gồm xe cấp cứu, 1 bác sĩ, điều dưỡng, tài xế, chuẩn bị cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, vật tư y tế, phòng dịch… cần thiết phục vụ công tác sơ cấp cứu kịp thời cho cán bộ coi thi và thí sinh...
Huy động giáo viên THCS coi thi
Ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Bắc Ninh cho biết: Toàn tỉnh có 14.664 thí sinh đăng ký dự thi với hơn 630 phòng thi. Điểm thi đông nhất tại Trường THPT Yên Phong số 1 với 982 thí sinh/42 phòng thi; tiếp đến là THPT Yên Phong số 2 với 948 thí sinh và 40 phòng thi; điểm thi ít nhất là THPT Hàm Long với 195 thí sinh và 9 phòng thi.
Do thí sinh đông nên ngoài giáo viên THPT, ngành GD-ĐT Bắc Ninh huy động 300 giáo viên khối THCS tham gia coi thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn có hơn 100 cán bộ giảng viên Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội, được Bộ GD&ĐT giao giám sát tại 25 điểm thi.
"Vừa qua, ngành GD-ĐT Bắc Ninh tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh năm học 2020 - 2021 vào 23 trường THPT công lập, đây được xem là bước tập dượt toàn diện sẵn sàng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020", ông Khôi trao đổi.
Không vì một vài địa phương có dịch Covid-19 mà phải dừng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng ý là cảnh giác cao độ, nhưng không vì thế mà chúng ta sợ hãi. Tôi cho rằng, phương án thi mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất với Chính phủ hợp tình, hợp lý, vẹn cả đôi đường. Phương án này, không những bảo đảm quyền lợi đầy đủ, công bằng cho thí sinh và cơ sở giáo dục đại học khi tuyển sinh, thực hiện nội dung Điều 34, Luật Giáo dục 2019 mà còn là giải pháp để chúng ta cùng chung tay với cả nước đẩy lùi Covid-19. - Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận
Bình luận