Olympic... “cách ly”

GD&TĐ - Mặc dù chấp nhận việc trì hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo đến năm 2021, song, đó không phải là một năm dễ dàng đối với các vận động viên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một phần là bởi, không phải tất cả đều chắc chắn họ có thể tham gia vào năm nay.

Duy trì tình trạng thể chất, tập trung tinh thần và động lực trong 15 tháng là một thách thức rất lớn đối với các vận động viên.

Trong khi đó, thông báo gần đây được đưa ra yêu cầu những người đến từ một số quốc gia nhất định, bao gồm Anh, có thể bị cách ly 6 ngày. Quyết định này được coi là một “đòn giáng”, gây căng thẳng không chỉ cho các vận động viên, mà còn với nhân viên hỗ trợ họ.

Sự không chắc chắn đang diễn ra. Nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái đã chỉ ra rằng, việc bị cách ly gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của chúng ta. Mọi người có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, lo lắng và tức giận, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Các vận động viên ưu tú không được coi là nhóm dễ bị tổn thương. Song, họ được chứng minh là có các triệu chứng và rối loạn sức khỏe tâm thần với tỷ lệ tương tự hoặc cao hơn những người khác. Sự không chắc chắn và yêu cầu cách ly có khả năng làm tăng mức độ lo lắng vốn đã cao này.

Tình trạng này có thể dẫn đến sự mệt mỏi, khó khăn nhiều hơn trong tập luyện và rối loạn giấc ngủ. Một số chuyên gia cho rằng, các vận động viên có thể phải dựa vào sự hỗ trợ tâm lý nhiều hơn so với trước đây. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó có thể không sẵn sàng với tất cả vận động viên chuẩn bị thi đấu.

Trong số các vận động viên ưu tú, ngủ không đủ giấc là một vấn đề phổ biến. Một nghiên cứu cho thấy, 50 - 78% bị rối loạn giấc ngủ. Môi trường mới, di chuyển đường dài, các buổi tập luyện và thi đấu được lên lịch bất kể sớm hay muộn trong ngày... là những yếu tố gây khó khăn cho họ.

Thông thường, dựa trên sức bền và sức mạnh, các vận động viên sẽ giảm tải tập luyện trong những ngày hoặc tuần trước khi thi đấu. Chiến lược này giúp họ phục hồi khỏi mệt mỏi sau quá trình luyện tập. Đồng thời, bảo đảm duy trì hoặc nâng cao hiệu suất sau đó.

Mức độ căng thẳng có thể trầm trọng hơn khi biết rằng, một số đối thủ - những người không phải đối mặt với các biện pháp kiểm dịch tương tự, có thể được tiếp cận đầy đủ cơ sở thiết yếu để luyện tập.

Trong khi đó, nhiều vận động viên phải làm quen với nhiệt độ trước khi đến với thời tiết nóng ẩm của mùa hè Nhật Bản. Vào tháng 7 và 8, nhiệt độ tại Nhật Bản dao động từ 28 - 31 độ C, với độ ẩm vượt quá 60%.

Để quá trình thích nghi hiệu quả, các vận động viên cần luyện tập càng gần ngày thi đấu càng tốt. Nhờ vậy, không gây ảnh hưởng đến quá trình tập luyện và phục hồi trước khi thi đấu ở nước bạn.

Các vận động viên cũng thường thực hiện buổi huấn luyện cuối cùng trong môi trường thi đấu. Tuy nhiên, họ sẽ không thể thực hiện điều đó nếu phải cách ly 6 ngày tại khách sạn.

Có lẽ, việc cách ly 6 ngày có thể cản trở những bước chuẩn bị cuối cùng - yếu tố tạo nên sự khác biệt, quyết định việc giành huy chương hay ra về tay trắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ