Mờ ám xung quanh Olympic Tokyo 2020

Mờ ám xung quanh Olympic Tokyo 2020

Haruyuki Takahashi, cựu Giám đốc điều hành Công ty quảng cáo Dentsu, được Ủy ban vận động đăng cai Tokyo trả 8,2 triệu USD. Theo lời tỷ phú này, số tiền trên bao gồm phí vận động hành lang cho các thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) như Lamine Diack, một nhân vật quyền lực và giàu tầm ảnh hưởng. Bên cạnh quà, Takahashi còn tặng Diack máy ảnh kỹ thuật số và đồng hồ cao cấp Seiko.

Nói đã nhận đủ tiền, nhưng Takahashi từ chối cung cấp chi tiết các giao dịch chi tiền. Tất cả những gì tỷ phú này tiết lộ là kêu gọi Diack ủng hộ Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo, đồng thời phủ nhận mọi hành vi phi pháp trong các giao dịch. 

Cũng theo Takahashi, việc tặng quà là một cách duy trì quan hệ với các quan chức cấp cao như Diack. "Bạn chẳng thể đi tay không khi đến gặp mặt. Việc tặng quà là hết sức bình thường", Takahashi nói.

Những khoản thanh toán này biến Takahashi thành người nhận nhiều tiền nhất từ Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo, vốn được tài trợ bởi các công ty Nhật Bản. Sau khi giúp Nhật Bản thành công trong cuộc đua giành quyền làm chủ nhà Olympic, Takahashi được chỉ định vào Hội đồng điều hành của Ban tổ chức Olympic Tokyo, nhóm được giao nhiệm vụ điều hành Thế vận hội.

Theo điều tra riêng của Reuters, Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo chi 46.500 USD để mua đồng hồ Seiko. Một quan chức cấp cao của ủy ban xác nhận với hãng tin Anh, rằng nhiều đồng hồ đã được tặng ở các bữa tiệc, như một phần trong chiến dịch vận động của Tokyo. Tuy nhiên, vị này từ chối xác nhận thương hiệu đồng hồ.

Theo quy định của IOC, các nước đấu thầu được phép tặng quà trong quá trình vận động, nhưng không áp hạn mức cụ thể.

Một ngày trước ngày bỏ phiếu chọn chủ nhà của Olympic 2020 hồi năm 2013, Diack thông báo với đại diện các nước châu Phi, rằng sẽ ủng hộ Tokyo đăng cai, theo nguồn tin của một nhân vật thể thao tầm cỡ ở Senegal. 

Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo cũng trả 1,3 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận, được điều hành bởi cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori - nhân vật quyền lực trong giới thể thao xứ hoa anh đào và đứng đầu Ban tổ chức Olympic Tokyo.

Các khoản thanh toán cho công ty của Takahashi và tổ chức của Mori được xác thực bằng các giao dịch ngân hàng từ Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo. 

Những giao dịch này được chính phủ Nhật Bản cung cấp cho các công tố viên Pháp, một phần trong cuộc điều tra của Pháp về khoản chi 2,3 triệu USD mà Ủy ban đấu thầu Tokyo thông qua một nhà tư vấn Singapore để giành sự hỗ trợ từ Diack.

Diack, 86 tuổi, liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái. Luật sư của ông "phủ nhận mọi cáo buộc hối lộ".

Bên cạnh cựu quan chức cao cấp của IOC, công tố viên Pháp còn để mắt tới con trai ông - Massata Diack - người bị nghi là đã nhận phần lớn số tiền mà Ủy ban đấu thầu Tokyo đưa cho nhà tư vấn Singapore, sau đó đưa lại cho cha. Massata cũng phủ nhận các cáo buộc và nói "sẽ làm việc tại tòa".

Khi Reuters chất vấn cựu Thủ tướng Mori, ông từ chối trả lời. Đại diện công ty phi lợi nhuận của ông nói số tiền 1,3 triệu USD chủ yếu được dùng cho việc "phân tích thông tin quốc tế".

Nobumoto Higuchi, Tổng thư ký Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo, nói Takahashi sẽ hưởng hoa hồng dựa trên các khoản tài trợ mà công ty ông nhận từ hồ sơ dự thầu. "Takahashi có những quan hệ tốt. Chúng tôi cần một người am hiểu về giới kinh doanh", Higuchi nói. 

Trong quá trình đấu thầu quyền đăng cai Olympic, IOC không kiểm soát các khoản thanh toán cá nhân hoặc quà tặng giữa các thành viên IOC.

Cựu Thủ tướng Yoshiro Mori châm ngọn đuốc Olympic hôm 20/3. 

Mori và Takahashi là hai nhân vật trung tâm trong chiến dịch giành quyền đăng cai Olympic của Tokyo, bắt đầu từ năm 2011, và trở thành ưu tiên hàng đầu dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Mori công khai chuyện vận động hành lang các thành viên IOC trước cuộc bỏ phiếu.

Kể từ năm 2015, các công tố viên Pháp đã điều tra Diack, người từng là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) từ 1999 đến 2015. 

Trước đó, Diack cũng bị cáo buộc nhận hối lộ hai triệu USD để bỏ phiếu cho Rio De Janeiro đấu thầu thành công Olympic 2016. Ông bị quản thúc tại Pháp với nhiều tội danh, trong đó có tham nhũng, doping thể thao.

Tsunekazu Takeda, người đứng đầu Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo, cũng đang bị tư pháp sờ gáy vì bị nghi làm trung gian nhận tiền từ các nhà tư vấn Singapore đưa cho Diack. 

Takeda đã từ chức ở cả Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) lẫn IOC vào năm ngoái và bác bỏ các hành vi phạm tội. Trong những phát biểu, ông luôn khẳng định các nỗ lực vận động hành lang là hợp pháp.

Luật sư của Takeda nói thân chủ và Takahashi không có bất cứ liên hệ nào, cũng như bắt quan hệ với Diack. "Ông ấy chưa bao giờ phê duyệt bất cứ món quà nào", vị này cho biết.

Thủ tướng Abe hứa hợp tác đầy đủ với giới điều tra Pháp, sau khi biết đây là quá trình chống tham nhũng thể thao quốc tế, kéo dài từ các vụ án sử dụng doping của các VĐV điền kinh Nga.

Thẩm phán người Pháp Renaud Van Ruymbeke, người dẫn đầu cuộc điều tra từ tháng 6/2019, phàn nàn rằng các đồng nghiệp Nhật Bản không cung cấp đủ thông tin trong quá trình điều tra. Dù vậy, JOC nói điều ngược lại và nhấn mạnh "phía Pháp cần tôn trọng tính bảo mật của quá trình đấu thầu"

Trước khi Pháp động vào vụ việc, một cuộc điều tra năm 2016 về các thanh toán mờ ám đã được một bên thứ ba thực hiện. Tuy nhiên, đơn vị do JOC chỉ định này không tìm thấy bằng chứng sai trái nào. Kết luận của bên thứ ba này bị chỉ trích khi không tham khảo tài liệu đủ kỹ lưỡng, cũng như kiểm tra các khoản thanh toán cho Takahashi và Mori.

Khi được hỏi về Takahashi và Mori, một thành viên của JOC nói Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo đã bị giải tán. Ủy ban này cũng được cho là không liên quan tới Ban điều hành Olympic Tokyo.

Mờ ám xung quanh Olympic Tokyo 2020 ảnh 2

Lamine Diack, cựu quan chức cấp cao IOC, từng là Chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới, dự một buổi họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 8/2015. 

Những bằng chứng của Reuters khẳng định quan hệ mật thiết giữa Takahashi, 75 tuổi và Takeda. Takahashi có quan hệ với Diack, và sẵn sàng đứng ra làm cầu nối cho Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo, đứng đầu là Takeda với quan chức cấp cao người Senegal.

Công ty tiếp thị thể thao Dentsu là nơi các hoạt động trao đổi diễn ra. Tuy nhiên, luật sư của Takeda nói quan hệ với Takahashi chỉ dừng ở các hợp đồng tiếp thị.

Trong loạt điều tra của Reuters, Takahashi thừa nhận, sau khi giúp Tokyo đăng cai Olympic, ông còn có nhiều hoạt động khác liên quan tới quá trình tổ chức và điều hành Thế vận hội. 

"Những khoản thanh toán ấy giống như phí hoa hồng", vị tỷ phú này tiết lộ. "Tôi không trả tiền cho ai khác, vì đây là lợi nhuận của tôi".

Khi được hỏi về quan hệ thân thiết với Diack, Takahashi cho rằng quan chức người Senegal muốn trả lễ việc công ty Dentsu của Takahashi từng hỗ trợ cho IAAF, thời Diack làm chủ tịch. Về chi tiết các khoản thanh toán, Takahashi nói: "Một ngày trước khi lìa đời, có thể tôi sẽ bật mí".

Tổ chức phi lợi nhuận Kano, do Mori đứng đầu, chỉ có một thành viên là Tamie Ohashi. Người này cho biết, dòng tiền từ Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo  được dùng để thuê một công ty có trụ sở tại Mỹ và chuyên gia tư vấn cá nhân. Cô cũng từ chối nêu tên cụ thể. Hiện trang web của Kano không liệt kê hoạt động nào liên quan tới số tiền 1,3 triệu USD đã nhận.

Akihiro Nishimura, Phó Chánh văn phòng Nhật Bản, nói chính phủ Nhật Bản không thể trả lời câu hỏi về các hoạt động trong quá khứ của Ủy ban vận động đăng cai của Tokyo. Ông nói JOC và chính quyền Tokyo nắm đầu mối thu chi, mới có thể trả lời 

Để tổ chức Olympic 2020, Nhật Bản phải đầu tư khoảng 13 tỷ USD. Cộng thêm việc hoãn Thế vận hội sang hè 2021, nước này dự kiến phải chi thêm ba tỷ USD nữa.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.