Oan trái… Cung thương

GD&TĐ - Sau những buổi ra mắt (dịp cuối tháng 10), Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục công diễn vở chèo 'Cung thương một khúc' tại Quốc Oai (Hà Nội).

Vở chèo 'Cung thương một khúc' cất lên tiếng lòng của người nghệ sĩ. Ảnh: Bình Thanh.
Vở chèo 'Cung thương một khúc' cất lên tiếng lòng của người nghệ sĩ. Ảnh: Bình Thanh.

Một giấc mơ hiển vinh bị dập tắt. Một mối tình sắt son bị chia cắt. Một khát khao xây tổ ấm bị chôn vùi… Đó là những oan trái cuộc đời tiếp tục cất lên từ vở chèo “Cung thương một khúc”…

Sau những buổi ra mắt (dịp cuối tháng 10), Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục công diễn vở chèo “Cung thương một khúc” tại Quốc Oai (Hà Nội). Vở diễn mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, có khi lặng đi trước mối tình ngang trái của khóa Vũ với Thu Nguyệt, có khi lại rộn rã vì những lớp diễn, tình tiết hài hước…

“Cung thương một khúc” được mở ra từ nỗi cay đắng của anh khóa Vũ hỏng thi. Dù học hành chăm chỉ có tài văn chương thơ phú nhưng vẫn chẳng thể đỗ bảng vàng để vinh quy bái tổ. Khi đó, nếu nỗi thất vọng vì “học tài thi phận” là một thì nỗi đớn đau vì tan vỡ mối tình sắt son với nàng Thu Nguyệt trong anh khóa là mười.

Cũng vì, nàng không chỉ là người thề non hẹn biển trăm năm mà còn là người bạn tâm giao trong tiếng đàn câu hát. Anh khóa có ngón đàn tuyệt đỉnh vì vốn là con nhà xướng ca đàn hát còn nàng Thu Nguyệt có câu hát, điệu múa say đắm lòng người…

Song, vở chèo này không theo mô-típ thường thấy: Người con gái sẽ bỏ anh khóa hỏng thi rồi theo đám khác những mong nương nhờ nhàn hạ, giàu sang. Ở đây, nàng Thu Nguyệt không phải là người tham vàng bỏ ngãi.

Dù anh khóa tự ruồng rẫy bản thân “không xứng với nàng”, hòng tìm đến cái chết “đi tìm trăng nơi đáy hồ lục thủy” nhưng nàng vẫn một mực bên anh: “Không sao, dù chàng có hỏng thi thì em vẫn ở bên chàng!”…

Kể cả người mẹ ham tiền, vỡ nợ vì chơi họ muốn đưa nàng nhập cung làm nhạc nữ để kiếm món bạc, nàng cũng tha thiết xin mẹ đừng chia uyên, rẽ thúy, thậm chí còn dám đánh đổi cả mạng sống nếu bị ép uổng.

Nhưng, đó chỉ là những dạo đầu nhuốm màu bi kịch của vở chèo dân gian này. Giông bão thực sự cuốn đi những phận đời đau khổ này bắt đầu từ tên quan Tổng quản – thủ phạm chính gieo rắc biết bao oan trái.

Hắn đã lạm dụng quyền được tuyển nhạc nữ cho hậu cung mà lừa gạt những ông bố, bà mẹ hám tiền mang con gái xinh đẹp ra đổi chác rồi mang về phục vụ mình, như mẹ Thu Nguyệt vậy. Từ đó, bi kịch nối tiếp bi kịch…

Vì vậy, có thể thấy, trước tiên “Cung thương một khúc” là tiếng lòng nức nở của Thu Nguyệt – nàng thôn nữ chính chuyên, tài sắc vẹn toàn. Nàng không chỉ khóc cho phận mình với khóa Vũ mà còn khóc cho những người phụ nữ khác khi bị ép vào nhà quan Tổng quản phục vụ, hầu hạ hắn ta. Nhưng khác với họ, Thu Nguyệt không chịu khuất phục mà dám phản kháng, đấu tranh đến cùng.

Cùng với đó, khán giả còn được thấy bộ mặt của đám quan lại nhũng nhiễu, hà hiếp dân lành với điển hình là tên hoạn quan Tổng quản. Hắn tham lam vô độ, lộng hành, độc ác, không từ thủ đoạn nào để thỏa mãn thói dâm dục bẩn thỉu, đê tiện của mình.

Chính vì thế mà câu chuyện vụng trộm giữa Tố Oanh – người bị mẹ gán nợ và được lão ta sủng ái cùng anh Dậu – người làm công trong nhà quan Tổng quản – tưởng rằng phải lên án, phán xét nhưng lại trở thành tiếng nói tố cáo mạnh mẽ về sự độc ác, coi mạng người như cỏ rác của tên hoạn quan này.

Thật xót xa khi anh Dậu chỉ dám mơ ước được chết cùng người thương vì: “Nếu chẳng thể cùng nhau đến cuối con đường thì chúng ta sẽ tìm hạnh phúc nơi chín suối…”.

Hay tiếng đòi cho con được làm người của Tố Oanh: “Tôi tiếc con tôi, nó chưa được thấy ánh sáng Mặt trời. Nó có tội gì đâu? Nó phải được làm người chứ?”. Và, dù chỉ là thân phận bị gán nợ, kẻ đầy tớ cùng đinh nhưng họ vẫn sẵn sàng sống chết vì nhau, không cam tâm để bị đòn roi, sự sỉ nhục hành hạ!

Cùng với những tiếng đời oan trái, “Cung thương một khúc” còn cất lên tiếng lòng của người nghệ sĩ khát khao cống hiến, không chỉ bằng tài năng nghệ thuật, mà còn bằng cả tri thức, như anh khóa Vũ chuyên tâm dùi mài kinh sử để ứng thí ra giúp nước nhà.

Cũng từ đây cất lên tiếng nói phê phán về sự phân biệt đối xử của xã hội thời đó với những người có xuất thân từ xướng ca đàn hát bị người đời có cái nhìn rẻ rúng, mặc định là phường “xướng ca vô loài”. Thậm chí, luật lệ triều đình còn cấm họ đi thi, theo đòi nghiên bút…

Cả chuỗi bi kịch, oan trái ấy được khép lại bằng lời phán xử công tâm, hả lòng hả dạ và dành sự trân trọng với nghề xướng ca đàn hát của một minh quân: “Luật lệ từ tiên triều đã ban ra, con nhà xướng ca không được theo đòi thi cử cũng không được theo nghiệp đèn sách; nhưng trẫm nghĩ khác: Luật lệ sinh ra là để phụng sự cho dân cho nước, luật nào trái với đạo trời, lòng dân thì trẫm sẽ đổi thay, không thể vì luật mà để người hiền tài mãi mãi không được ra giúp triều đình, xã tắc, càng không thể coi thường nghề hát, vì đó là nỗi lòng, nguồn vui của muôn dân kết lại thành khúc thức lời ca…”.

Tiếc là, cách thể hiện những lời hay, ý đẹp ấy sẽ mượt mà, truyền cảm hơn và không bị rơi vào “hô khẩu hiệu” nếu như phân đoạn này được nghệ sĩ biểu đạt tinh tế và đậm chất chèo hơn.

Dù oan trái nối tiếp nhưng “Cung thương một khúc” không bị rơi vào những bi lụy, nặng nề. Trong 2 tiếng đồng hồ thưởng thức vở diễn, khán giả có không ít quãng nghỉ, thư giãn cùng anh hầu khóa Vũ hay bà mẹ của Thu Nguyệt, thậm chí với cả tên hoạn quan Tổng quản bằng những màn hài hước.

Đó là thành công khi đạo diễn khéo khai thác những mảng miếng hài hước sâu cay - thế mạnh của nghệ thuật chèo truyền thống và các nghệ sĩ diễn xuất nhẹ nhàng, tự nhiên. Tuy nhiên, sẽ tròn trịa hơn nếu như một số lớp diễn gọn ghẽ, đẩy nhịp nhanh hơn. Cùng với đó, một số vai diễn cũng cần trau chuốt, nhuần nhuyễn hơn để thêm thuyết phục…

“Vở chèo “Cung thương một khúc” (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSƯT Hoài Thu) có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng của nhà hát như Đức Tín (anh khóa Vũ), Phùng Thanh Huyền (Thu Nguyệt), Quỳnh Trang (Tố Oanh)… Sau đêm tổng duyệt, nhà hát đã công diễn tại Đại Nam và tiếp tục biểu diễn tại các địa phương ngoại thành Hà Nội” - NSND Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ