Đưa nghệ thuật Chèo ra thế giới

GD&TĐ - Chèo là một loại hình trình diễn dân gian đã được hình thành và phát triển ở châu thổ Bắc Bộ từ thời xa xưa.

Đưa nghệ thuật Chèo ra thế giới

Trong khuôn khổ hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các đơn vị liên quan đang tích cực bước cuối cùng nhằm khẳng định giá trị của di sản.

Hội thảo quốc tế về Chèo

Trong hai ngày, 22 và 23/11, Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hoàn thiện hồ sơ về Nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội thảo quy tụ các chuyên gia quốc tế và trong nước cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành và công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, những tiêu chí ghi danh của Công ước 2003 và những vấn đề khoa học liên quan đến nghệ thuật Chèo từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.

Hội thảo nhằm hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và ngành văn hóa và với sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản.

Các nỗ lực tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững.

Học sinh ở Thái Bình tìm hiểu về Chèo làng Khuốc.

Học sinh ở Thái Bình tìm hiểu về Chèo làng Khuốc.

Theo Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Bình, hội thảo thu hút sự tham gia của các cấp chính quyền cũng như các đơn vị liên quan, như Bộ VH,TT&DL, Cục Di sản văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa - Bộ Ngoại giao, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Di sản văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian, Nhà hát Chèo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng sự đóng góp tri thức phong phú, đa dạng từ đội ngũ nghệ nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về 6 vấn đề: Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể; sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian trong nước và quốc tế; sự biến đổi và sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững.

Sở dĩ Thái Bình được chọn là địa điểm tổ chức hội thảo quốc tế quan trọng này, bởi đây là vùng đất của Chèo cổ vang danh làng Khuốc đúng như câu ca “Ăn làng Ngói/ Nói làng Khuốc/ Thuốc làng Nguyễn”. Theo cuốn “Hí phường phả lục” của Trạng nguyên Lương Thế Vinh: Làng Khuốc là 1 trong 7 nôi Chèo với hàng chục gánh Chèo đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước.

Nói về lịch sử của Chèo thì kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) mới là đất tổ Chèo vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng, Chèo làng Khuốc có nét đặc trưng với 12 làn điệu độc đáo mà không đâu có được như: Ván cờ tiên, Ðường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó, Múa trái, Tắm tiên… đã khiến Chèo trở nên độc đáo và ý vị hơn.

Tập dượt biểu diễn Chèo tại làng Khuốc trong khuôn khổ hội thảo quốc tế tại Thái Bình.

Tập dượt biểu diễn Chèo tại làng Khuốc trong khuôn khổ hội thảo quốc tế tại Thái Bình.

Định hình “căn cước văn hóa”

Trong tiến trình đưa nghệ thuật Chèo ra thế giới, và nhằm hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO, ngay từ đầu tháng 11/2023 tại Hà Nội, hội nghị tập huấn lấy phiếu kiểm kê và đồng thuận hồ sơ nghệ thuật Chèo đã được tiến hành. TS Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) nhận định, đó là những việc cần thiết để khẳng định giá trị của di sản nghệ thuật Chèo.

Đồng thời cũng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tôn vinh nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Chèo là một loại hình trình diễn dân gian đã được hình thành và phát triển ở châu thổ Bắc Bộ từ thời xa xưa. Sức sống mạnh mẽ của Chèo đã lan tỏa trong đời sống của cộng đồng người dân vùng châu thổ Bắc Bộ và trở thành món ăn tinh thần đậm đặc bản sắc.

Từ sức sống mạnh mẽ cũng như sự lan tỏa rộng rãi giá trị của Chèo trong đời sống văn hóa, Chính phủ đã ban hành Quyết định 7611/VPCP-KGVX ngày 20/10/2021 cho phép các tỉnh, thành - nơi có thực hành Chèo xây dựng hồ sơ nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Đại học Quốc gia Hà Nội, để hồ sơ đáp ứng các tiêu chí của UNESCO thì phải đáp ứng 5 tiêu chí: Nhận diện di sản, sức sống và giá trị của di sản, các biện pháp bảo vệ di sản, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình làm hồ sơ.

Sự ghi danh của UNESCO sẽ công nhận vai trò của các nghệ nhân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về di sản; sức sống của di sản được lan tỏa rộng hơn và do vậy có thể áp dụng di sản vào trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Đặc biệt khi được ghi danh, thế giới sẽ hiểu và biết đến âm nhạc Việt Nam cách trọn vẹn, cũng như cách để Việt Nam định hình “căn cước văn hóa”.

Thực ra, việc đưa nghệ thuật Chèo quảng bá ra thế giới đã được thực hiện từ lâu. Năm 2017, Nhà hát Chèo Hà Nội có chuyến lưu diễn kéo dài 10 ngày tại một số nước châu Âu. Tuy nhiên, tính chính thống của Chèo chỉ có thể được phổ quát và nhận được sự quan tâm khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và điều đó đang được gấp rút thông qua dự án hoàn thiện hồ sơ nghệ thuật Chèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ