Ở nơi con trai lấy vợ là đổ nợ bởi phong tục cưới 'chú rể chi, cô dâu bung xõa'

GD&TĐ -Văn hóa hôn nhân Afghanistan chuộng sự xa xỉ, áp đặt toàn bộ chi phí cưới xin lên nhà trai. Chú rể phải thanh toán từ hóa đơn trang điểm đến váy áo cô dâu, tiệc cưới…

Đám cưới Afghanistan thuộc diện… tốn kém nhất.
Đám cưới Afghanistan thuộc diện… tốn kém nhất.

Đa phần nam thanh niên Afghanistan thuộc diện nghèo. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và lạm phát gia tăng, tục lệ “chú rể chi” khiến các anh em khốn đốn.

Hủ tục khó xóa bỏ

Từ năm 2015, hệ thống tư pháp Afghanistan đã thông qua các quy định hạn chế mới đối với đám cưới. Nó bao gồm cấm mời quá 500 khách, đòi “phí cưới gả” (chú rể phải trao riêng cho cha mẹ cô dâu, khoản tiền thường từ hàng nghìn USD trở lên)… Nhà nước Afghanistan hy vọng, tân luật giảm bớt gánh nặng tài chính lên các chú rể.

Trái với mong đợi, luật mới không mấy hiệu quả. Mohammad Iwas (29 tuổi) đã ngỏ lời cầu hôn và nhận được sự đồng ý của người yêu vào năm 2020. Trước khi tổ chức hôn lễ, anh thành thật bộc bạch với vợ sắp cưới rằng mình chỉ có công việc không ổn định, thu nhập thấp. Trong nhà, Iwas là con trưởng và bên dưới anh còn 3 em. Từ khi đến tuổi lao động, Iwas đã phải tha hương, quần quật làm thuê ở Iran.

“Cháu hy vọng, có thể chỉ làm mâm cơm nhỏ trong gia đình”, Iwas đề nghị cha mẹ vợ tương lai. Sau vài phút lặng thinh, họ lạnh lùng trả lời: “Không! Con gái chúng tôi không thua kém ai hết. Nó phải được cưới xin đàng hoàng, nếu anh không làm được thì thôi”.

Nghe những lời này, Iwas hiểu anh phải quay lại Iran lần nữa. Thương con, mẹ Iwas đến nhà thông gia và cố gắng thuyết phục nhưng họ vẫn không đổi ý.

Tục cưới xin ở Afghanistan đặt nặng yêu cầu vật chất. Nguyên nhân có lẽ nằm ở văn hóa gia trưởng cực đoan. Phụ nữ bị xem như món hàng, cha mẹ gả bán con, còn người chồng thì phải mua vợ về. Nam giới Afghanistan phải trả đủ sính lễ mới cưới được vợ. Nữ giới Afghanistan chỉ có đúng 1 ngày được tự do, tùy ý đòi hỏi, tiêu pha cho bản thân.

Cưới vợ rồi… nợ

Chỉ trong ngày cưới, phụ nữ Afghanistan được phép “bung xõa” thả cửa.

Chỉ trong ngày cưới, phụ nữ Afghanistan được phép “bung xõa” thả cửa.

Quay lại chuyện kết hôn của Iwas, anh cần phải có tối thiểu 7.661 USD (tương đương 175 triệu đồng) mới tổ chức được đám cưới. Phần lớn số tiền này, 6.493 USD (tương đương 148 triệu đồng) là dành cho meher – “phí hỏi cưới” tặng riêng cho cha mẹ vợ, dù pháp luật đã cấm.

“Tôi cố gắng đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt chi phí, nhưng lần nào cũng bị vợ mình gạt đi”, Iwas buồn bã. Cuối cùng, Iwas còn phải gánh thêm một loạt phụ phí ngoài dự liệu, bao gồm từ tiền thuê trang điểm cô dâu, đưa rước cha mẹ vợ đến tiền thuê hội trường tổ chức đám cưới, đồ ăn thức uống gia tăng, trang phục đêm tân hôn cho cô dâu…

Ngày cưới, Iwas không vui cười nổi. Trong khi cô dâu và quan khách tưng bừng nhập tiệc, nhảy múa, hát hò… anh chỉ thấy khoản nợ to đùng do vay mượn tứ tung treo trên đầu. Sau ngày vui cả 1 năm, Iwas vẫn còn nợ 389 USD (khoảng 9 triệu đồng).

Nasim Mohammadi (26 tuổi) cũng khổ vì nợ cưới vợ. Anh kết hôn vào năm 2021, trong thời gian nơi sống bị phong tỏa nên tránh được phải làm đám cưới to, nhưng vẫn tốn tổng cộng 5.195 USD (khoảng 118 triệu đồng). Thu nhập của

Mohammadi chỉ tầm 90 USD/tháng (tương đương 2 triệu đồng). “Kể từ sau đám cưới, tôi phải đem phần lớn hoặc toàn bộ thu nhập đi trả nợ. Chắc cũng phải nhiều năm nữa, tôi mới sạch nợ lấy vợ nổi”, Mohammadi nói đùa với giọng buồn.

Khó thay đổi

Một năm sau ngày vui, Mohammad Iwas vẫn còn nợ tiền cưới vợ.

Một năm sau ngày vui, Mohammad Iwas vẫn còn nợ tiền cưới vợ.

Chuyện của Iwas và Mohammadi là thực tế không thể tránh với hàng triệu nam thanh niên Afghanistan. Càng ngày, càng nhiều người chỉ trích “cưới gả theo truyền thống” và phê phán “cô dâu phù phiếm”.

“Người nào cũng đòi phải được cưới sang hơn người kia”, Iwas phàn nàn. Trước ngày hôn lễ, mẹ vợ anh luôn miệng bảo với con gái “con phải có thứ này, con xứng đáng nhận nó”, dù biết rõ anh mới là người trả tiền cho tất cả những thứ đó.

“Họ không chịu hiểu, chúng tôi không phải doanh nhân hay chính trị gia giàu có, mà chỉ là những người lao động nghèo, cố gắng xây dựng cuộc sống. Dẫu biết tổ chức đám cưới cũng đồng nghĩa với việc tôi phải bắt đầu cuộc sống mới trong nợ nần, không ai buồn quan tâm”, Iwas vẫn còn cảm thấy ấm ức.

Trên khắp Afghanistan, các dịch vụ phục vụ đám cưới mọc lên như nấm và giá cả gia tăng chóng mặt. Theo Neelofar Rasouli, chủ viện thẩm mỹ Neel ở thủ đô Kabul, phần lớn chúng phục vụ cô dâu.

Thanh niên Afghanistan có câu cửa miệng về ngày cưới, “chú rể chi, cô dâu tiêu”. Vì ngày này, phụ nữ Afghanistan “bung xõa” làm đẹp. Họ không tiếc tiêu tiền của chú rể vào làm tóc và trang điểm, thường tốn từ 130 – 390 USD (tương đương 3 – 9 triệu đồng), chăm sóc da, trang trí móng tay… Thường thì, Rasouli kiếm được tầm 1 nghìn USD/cô dâu (tương đương 22,8 triệu đồng) bao gồm gói trang điểm và chụp ảnh cưới.

“Đối với phụ nữ Afghanistan, ngày cưới là dịp duy nhất trong đời họ có thể mặc quần áo đẹp, tiêu xài thỏa thích và nhảy múa thâu đêm mà không bị ai cấm đoán, mắng chửi”, Nadima (37 tuổi, người Canada gốc Afghanistan) giải thích. Vì thế, dù biết ngày mai có thể cùng chồng nợ ngập đầu, đa phần các chị em không muốn từ bỏ đặc quyền.

Theo Vice

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...