Ô nhiễm ánh sáng gây hại thế nào?

GD&TĐ - Việc sử dụng quá nhiều thiết bị chiếu sáng vào ban đêm đang gây ô nhiễm ánh sáng trên toàn cầu.

Các đô thị sáng rực đèn trong đêm tối. Ảnh: Reuters
Các đô thị sáng rực đèn trong đêm tối. Ảnh: Reuters

Tình trạng trên sẽ khiến sức khoẻ con người bị đe dọa với nhiều căn bệnh nguy hiểm từ mất ngủ đến ung thư, đột qụy.

Ban đêm sáng rõ

Trong lịch sử, tổ tiên của chúng ta đã dành cả đêm trong bóng tối và chỉ có thể sinh hoạt dựa vào ánh trăng hoặc ánh lửa. Rất lâu sau, đèn dầu mới xuất hiện. Một cú nhảy vọt đến ngày nay, khoảng 80% dân số thế giới phải tiếp xúc với mức độ ánh sáng cao vào ban đêm. Màn đêm đã bị đẩy lùi vì bóng đèn đường cho đến các thiết bị chiếu sáng, điện tử trong nhà, gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

Ánh sáng nhân tạo từ bên ngoài lọt vào nhà qua đèn đường, đèn an ninh toà nhà, biển quảng cáo phát sáng 24/7, biển hiệu cửa hàng... Ngay cả ở những vùng nông thôn, ban đêm cũng đang sáng hơn do ngọn lửa khí đốt tự nhiên, mạng lưới giao thông dày đặc. Trên thực tế, những nguồn phát sáng trên tạo ra hơn 50% ánh sáng vào ban đêm được đo bằng vệ tinh.

Một nguồn tiếp xúc khác vào ban đêm là ánh sáng trong nhà, đặc biệt là từ màn hình các thiết bị điện tử mà hầu hết mọi người đều sở hữu. Đó là máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động, TV và các thiết bị khác. Không giống như bóng đèn sợi đốt có bước sóng dài, màu vàng nhạt, đèn LED phát ra ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, gây hại cho sức khoẻ.

Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ô nhiễm quá mức có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khoẻ của con người và sinh ra các bệnh nguy hiểm như mất ngủ, ung thư, đột quỵ.

Ông George Brainard - Giám đốc Chương trình nghiên cứu ánh sáng tại Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) cho biết: “Trong phần lớn quá trình tiến hoá, con người sống qua những ngày sáng, buổi tối mờ và đêm tối. Tuy nhiên, đến chúng ta thì khác. Ban đêm đã bớt tối hơn, thậm chí còn sáng như ban ngày với một số người. Có những người ổn với điều đó nhưng những người khác thì không”.

Theo cựu bác sĩ tim mạch Mario Motta, từng làm việc tại Hiệp hội Y khoa Mỹ, cùng một mức watt, ánh sáng xanh có khả năng ức chế melatonin mạnh gấp 10 lần so với ánh sáng đỏ. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn với những người làm việc văn phòng mà thiếu ánh sáng Mặt trời vào ban ngày. Họ sẽ tiếp xúc phần lớn thời gian với đèn LED và cơ thể sẽ không giữ được nếp sinh học là nhận ánh sáng Mặt trời vào ban ngày và chìm trong bóng tối vào ban đêm như tổ tiên từ bao đời nay.

o nhiem anh sang gay hai the nao.jpeg
Ánh sáng nhân tạo vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người. Ảnh: INT

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Giấc ngủ ngon là “nạn nhân” dễ nhận ra nhất của tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Trong những căn phòng sáng hơn, con người sẽ khó ngủ hơn. Một nghiên cứu hồi tháng 1 chỉ ra tại Trung Quốc, ô nhiễm ánh sáng trong phòng ngủ khiến giấc ngủ bị chia nhỏ, dẫn đến tổng thời gian ngủ của người trưởng thành ít hơn. Sự gián đoạn nhịp sinh học này có thể làm tăng nồng độ protein C-reactive, dấu hiệu của tình trạng viêm trong cơ thể.

Nó cũng làm giảm khả năng sản xuất melatonin, một hóc-môn do tuyến tùng tiết ra với chức năng điều hoà đồng hồ sinh học và giấc ngủ của cơ thể. Do mắt cảm nhận ánh sáng thông qua tế bào thần kinh, vốn nhạy sáng, nên khi màn đêm buông xuống, các tế bào này sẽ kích thích cơ thể giải phóng melatonin.

Nhưng khi con người sống trong ánh sáng vào ban đêm, tế bào thần kinh bị “đánh lạc hướng” nên không báo cơ thể giải phóng melatonin, dẫn tới việc sản xuất kém. Hóc-môn này có khả năng chống viêm và ức chế khối u.

Tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng cũng liên quan đến các bệnh ung thư nhạy cảm với hóc-môn như ung thư vú, đại tràng, tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu dịch tễ học cảnh báo những người sống trong mức độ ô nhiễm ánh sáng cao nhất có xu hướng mắc các loại ung thư này cao hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu năm 2023 chỉ ra trẻ em sống ở California (Mỹ), khu vực ô nhiễm ánh sáng cao, có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu ở trẻ em cao hơn các khu vực khác. Một số nghiên cứu sơ bộ quy mô nhỏ cảnh báo về khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và trầm cảm.

Tuy nhiên, không phải khoa học đều ủng hộ mối liên hệ giữa ô nhiễm ánh sáng và ung thư. Một nghiên cứu lớn ở Vương quốc Anh cho rằng mức độ tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm của con người khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí phòng ngủ và độ dày của rèm cửa số. Một số người nhạy cảm với ô nhiễm ánh sáng so với những người khác nên khả năng mắc ung thư cao hơn.

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, Hiệp hội Kĩ thuật Chiếu sáng Mỹ đã kêu gọi giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Một số biện pháp bao gồm hạn chế ánh sáng xanh, sử dụng mức ánh sáng thấp nhất cần thiết, sử dụng tấm chắn bóng đèn để điều hướng tia sáng.

Nhiều người chọn cách đeo bịt mắt khi ngủ. Số khác dùng băng dính điện màu đen để che đèn báo trên quạt, TV, bộ lọc không khí, máy tính và những thiết bị này gây ô nhiễm ánh sáng trong phòng.

Theo khuyến cáo của tạp chí Science, ngoài việc vận động nhiều hơn vào ban ngày, mọi người nên giảm thiểu nguồn sáng trong nhà vào ban đêm bằng cách tắt hoặc giảm độ sáng của đèn trong nhà, hiên nhà và ngoài sân. Mọi người nên sử dụng bóng đèn có thể điều chỉnh nhiệt độ màu hoặc cài đặt thiết bị điện tử hiển thị tông màu ấm, ngả vàng vào ban đêm.

Một nghiên cứu vào đầu năm 2024 đã thêm đột quỵ do thiếu máu cục bộ vào danh sách các hậu quả tiềm ẩn của việc tiếp xúc với ô nhiễm ánh sáng. Khả năng sinh sản cũng có thể bị ảnh hưởng. Nam giới sống ở những khu vực có nhiều ánh sáng ngoài trời vào ban đêm có chất lượng tinh trùng kém hơn trong khi phụ nữ mang thai ở những khu vực tương tự có nguy cơ sinh non cao hơn. Ngoài ra, đèn đường quá chói gây nguy hiểm khi lái xe vào ban đêm.

Theo NatGeo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ