Những bức ảnh tuyệt đẹp nhưng báo trước hiểm họa của NASA
Những bức ảnh chụp trái đất vào ban đêm từ vệ tinh giai đoạn 2012-2016, cho thấy lượng ánh sáng nhân tạo hắt lên bầu trời đã tăng thêm 2% mỗi năm.
Theo các nhà khoa học, việc “mất dần bầu trời đêm đích thực” đã gây ra hậu quả tiêu cực cho nhiều loại sinh, thực vật, con người, và đặc biệt xấu đối với những thực thể mà sự tồn tại dựa nhiều vào bóng tối tự nhiên.
Phát hiện mới được đăng trên tạp san Science Advances thông qua việc phân tích các hình ảnh chụp được bằng thiết bị vệ tinh radiometer của NASA (thiết bị được thiết kế để đo cường độ và mật độ ánh sáng nhân tạo của Trái đất vào ban đêm).
Bản đồ bề mặt Trái đất chụp từ trên cao cho ánh sáng nhân tạo tăng hay giảm tuỳ theo mỗi nước. Một số quốc gia “sáng nhất thế giới” như Mỹ, Tây Ban Nha hầu như không có sự khác biệt về ánh sáng nhân tạo qua năm tháng nhưng đa số quốc gia tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, bầu trời đêm trên các đô thị đã sáng hơn nhiều, nhất là tại những nước đang phát triển nhanh.
Chỉ có vài nước giảm bớt ánh sáng ban đêm như Yemen và Syria do nội chiến tàn phá các đô thị. Ảnh chụp ban đêm từ vệ tinh thể hiện những dải ánh sáng lấp lánh tuyệt đẹp tại các thành phố ven biển và đô thị lớn giống như hệ thống đèn Christmas nhưng ánh sáng đô thị tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho con người và môi trường sống của sinh, thực vật.
Ánh sáng đô thị đang tàn phá những đặc tính của bóng đêm tự nhiên trên Trái đất, và xét về phương diện nào đó nó giống đến từ một “Mặt trời giả” khi Mặt trời thật đã lặn.
Tình trạng còn tệ hơn sau những cảnh báo
Năm 2016, Hội Y khoa Mỹ (AMA) chính thức thừa nhận những ảnh hưởng tàn phá của ánh sáng phát ra từ đèn LED trang trí cường độ cao được thiết kế tồi.
Hội đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp, cơ quan nên giảm liều lượng và cường độ ánh sánh bằng cách chuyển sang dùng những loại đèn phát sáng ít hơn, ít chói, thân thiện với môi trường.
Báo cáo của AMA viết: “Hormone gây mất ngủ melatonin rất nhạy cảm với ánh sáng xanh của đèn LED”. Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp san Nature cảnh báo: “Ánh sáng nhân tạo đe doạ mùa màng và giảm hoạt động thụ phấn của các loại côn trùng làm việc vào ban đêm”.
Một nghiên cứu tại Anh cho thấy cây cối sống trong những vùng có nhiều ánh sáng nhân tạo nở nụ sớm hơn đến một tuần so với những nơi không có ánh sáng nhân tạo.
Đầu năm nay, một nghiên cứu khác khẳng định: “Ánh sáng nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ tập quán của những loài chim di cư ban đêm, vì chúng bị giảm khả năng định hướng cả về thời gian lẫn không gian”.
Ông Christopher Kyba nhà nghiên cứu hàng đầu về ánh sáng đô thị tại Trung tâm Địa lý Đức (GRCG) ở thành phố Potsdam nhận định: “Ánh sáng nhân tạo là một trong những công cụ tệ hại nhất của loài người vì nó đã tác động xấu đến môi trường sống của nhiều loài với tốc độ ngày càng tăng”.
Ông cảnh báo, nhiều thành phố ở Anh đã sáng hơn trước và ô nhiễm ánh sáng đã tăng đến mức báo động.
Ánh sáng nhân tạo đe dọa hoạt động gieo phấn hoa của côn trùng |
Hoạt động thụ phấn giảm đến 62% tại những nơi ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng |
Ánh sáng xanh nguy hiểm
“Ô nhiễm ánh sáng tác hại không thua gì ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm khói bụi đô thị. Tiếc thay, người ta chỉ quan tâm đến ô nhiễm khói bụi, vì nó nhìn thấy được, trong khi xem nhẹ và nhận thức không đúng về hai loại ô nhiễm còn lại – ông nói – Tôi và các đồng nghiệp hy vọng các chính quyền đô thị sẽ có phương án khả thi và thích đáng để giảm ô nhiễm ánh sáng tại các thành phố lớn, phát triển nhanh và các khu vực kỹ nghệ.
Tại những nơi này, đèn tròn sodium ánh sáng vàng đã được chuyển hết sang đèn LED để tiết kiệm năng lượng, loại đèn mà thiết bị từ vệ tinh không thể đo được mầu xanh trong quang phổ ánh sáng của nó.
Chúng tôi mong đợi Anh, Mỹ, Đức và những nước đô thị hoá cao sẽ sớm giảm cường độ và mật độ ánh sáng tại các điểm nóng ô nhiễm ánh sáng ban đêm. Nhưng tiếc thay, ô nhiễm ánh sáng tại Mỹ vẫn như cũ, tại Anh và Đức còn tệ hơn”.
Vì vệ tinh không “nhìn” thấy ánh sáng xanh mà mắt người thấy nên thực tế tình trạng ô nhiễm ánh sáng tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta nhìn thấy trong ảnh chụp của NASA.
Giáo sư Kevin Gaston thuộc Đại học Exeter nhấn mạnh: “Chính con người đang tự làm hại mình bằng cách sử dụng bừa bãi ánh sáng nhân tạo. Không còn nơi nào tại châu Âu được hưởng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên vào ban đêm mà tất cả đều bị chiếm lĩnh bởi ánh sáng nhân tạo với mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, bất chấp mọi khuyến cáo, ô nhiễm ánh sáng ngày càng tệ hơn. Điều đáng lo nữa là nhiều người, kể cả các chính phủ vẫn xem nhẹ vấn nạn này hoặc hiểu sai về tác hại của nó.
Bên trong những bức ảnh thành phố tuyệt đẹp ban đêm chụp từ trên cao là ẩn chứa những hiểm họa khó lường. Nếu chúng ta không có sớm giải pháp giải quyết ô nhiễm ánh sáng nhân tạo thì tương lai sẽ phải tốn rất nhiều tiền cho nó.
Theo tôi, cách dễ nhất và có thể làm được ngay là hãy tắt điện khi không cần dùng đến nó. Tiếc thay, số người không biết hoặc biết mà không làm vẫn còn rất lớn. Vô cảm với ô nhiễm ánh sáng đô thị là một trong những hành vi tiêu cực nhất của con người hôm nay”.
Kyba khẳng định việc giảm bớt ánh sáng và cường độ sáng đô thị sẽ không ảnh hưởng đến tầm nhìn và không hại cho mắt so với bội thực ánh sáng. “Thị lực con người lệ thuộc vào sự phản hồi chứ không phải liều lượng ánh sáng. Khi ánh sáng không còn chói loá ngoài đường, thị lực còn tốt hơn” – ông nói.