Mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cho một số cán bộ là thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên đương nhiệm nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu được phép đi “học tập kinh nghiệm” các tỉnh phía Nam.
Theo tờ trình, một số cán bộ thuộc diện nói trên xin được đi “học tập kinh nghiệm” ở thành phố là TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang và Tây Ninh từ ngày 31/5 đến ngày 8/6 bằng phương tiện ô tô hoặc máy bay.
Sau khi phát hành văn bản này, một số tờ báo và các trang mạng xã hội đã có bài phân tích về thực chất của việc đi “học tập kinh nghiệm” này là lấy tiền ngân sách để đi chơi trước khi về hưu.
Đáng lưu ý là, trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh, kể từ ngày 15/4 đến khi hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính các cấp không tổ chức đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh, trừ trường hợp đi công tác để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phải có kế hoạch cụ thể và được đồng ý của cấp trên trực tiếp.
Hiện tại, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị đã thu hồi văn bản “xin được đi học tập kinh nghiệm” nói trên.
Thực tế đã và đang diễn ra là, không ít địa phương “tranh thủ” tiêu cho hết số tiền đã có trong kế hoạch “tham quan học tập” của năm 2025, trước khi sáp nhập với tỉnh bạn. Không riêng gì Quảng Trị mà các đoàn “tham quan học tập” giữa các tỉnh với nhau cũng dập dìu xuôi ngược.
Các anh đi “học tập kinh nghiệm” tỉnh chúng tôi, chúng tôi chiêu đãi các anh ăn uống, ngủ nghỉ, quà cáp “của nhà trồng được”; dăm bảy hôm nữa, chúng tôi sẽ đi “tham quan học tập” tỉnh các anh. Rồi các anh cũng “đáp lễ” như chúng tôi đã từng! Có lẽ đó là “kinh nghiệm” dễ thấy nhất.
Một khoản tiền rất lớn để phục vụ cho câu chuyện “học tập kinh nghiệm” này. Kể cũng lạ, đã gọi là “học tập kinh nghiệm” thì mục đích là sau khi đi học kinh nghiệm về sẽ triển khai vào công việc cụ thể ở tỉnh mình thì mới đúng là đi “học tập kinh nghiệm” chứ đi rồi về nghỉ hưu thì triển khai vào đâu?
Không chỉ có mấy ông thường vụ hoặc tỉnh ủy viên mới được ưu ái đó mà một số ngành cũng đi chơi như thế. Ví dụ như hội văn nghệ các địa phương, trong vòng vài tháng nay, các “nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ” đi chơi rất dữ nhưng khoác bên ngoài tấm áo “đi thực tế sáng tác”.
Thực chất là đi chơi, tiêu cho hết số tiền mà được phân bổ trong năm trước khi sáp nhập tỉnh. Vì ai cũng nghĩ: “Thôi thì tranh thủ tiêu cho hết số tiền đã phân bổ chứ nào có biết khi sáp nhập lại rồi thì còn được phép đi chơi nữa không?”. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng như văn nghệ sĩ, họ chả bao giờ lấy tiền ngân sách ra để “đi thực tế sáng tác” mà các tác phẩm của họ vẫn được bạn đọc đón nhận nhiệt tình đó thôi.
Hiện nay, bên cạnh việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, nhiều cán bộ ngập đầu trong công việc nhưng cũng có một số cán bộ đi “học tập kinh nghiệm” để… nghỉ hưu. Núp bóng “học tập kinh nghiệm” để tiêu tiền thuế của dân mà vẫn “vui vẻ cả làng” như thế, nghĩ cũng lạ thật.