Axit ăn mòn văn hóa

GD&TĐ - Nghệ sĩ là một danh xưng đầy kiêu hãnh, với năng lực sáng tạo tuyệt vời, họ góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nhưng thời nay, là nghệ sĩ thì điều đầu tiên mà họ cần phải biết đó là hai từ “xấu hổ”. Biết xấu hổ trước khi sáng tạo. Biết xấu hổ trước khi diễn. Biết xấu hổ trước khi nói ra một từ nào đó. Biết xấu hổ khi làm việc thiện và cầm tiền từ thiện. Biết xấu hổ, ngay với chính bản thân mình.

Văn hóa của một dân tộc được ví như nền tảng của sự phát triển lâu dài, bền vững. Nếu không có văn hóa, hoặc nền tảng ấy yếu kém thì đất nước được xây dựng chẳng khác nào lâu đài trên cát. Đó là lý do vì sao, khi đô hộ một quốc gia, kẻ xâm lược bằng mọi cách phải tiêu diệt nền văn hóa của đất nước đó.

Văn nghệ sĩ với trách nhiệm to lớn là sáng tạo và bồi đắp nền văn hóa. Thế nhưng, trong thực tế, số nhiều nghệ sĩ không những chẳng góp phần bồi đắp văn hóa, mà ngược lại còn “góp công” phá hoại nền tảng văn hóa vốn rất tốt đẹp của dân tộc.

Một bộ phận văn nghệ sĩ chỉ chăm chút cho hình ảnh của mình, cho túi tiền bản thân mà quên mất rằng sứ mệnh văn hóa của nghệ sĩ không chỉ bộc lộ trên sân khấu, qua lối diễn mà còn qua lời ăn tiếng nói thường nhật.

Văn hóa ở đâu khi trai giả gái, ẻo lả đến ghê rợn? Văn hóa ở đâu khi tiếng cười được tạo ra bằng sự hời hợt? Văn hóa được tạo ra thế nào, khi phì phèo điếu thuốc live stream, chửi tục thô bậy? Văn hóa có được bồi đắp thêm khi nhập nhằng tiền từ thiện? Và làm sao có được văn hóa, khi những ca khúc rẻ tiền sòn sòn như gà đẻ trứng cùng những áng văn chương nhạt nhẽo?

Ở một đất nước, sự giải trí được xem trọng và phổ biến hơn tất cả, thì văn hóa làm sao có thể phát triển. Hãy nhìn vào một thực tế mà bao nhiêu năm qua đang diễn ra, thế hệ những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, tử tế không chỉ bị “lép vế” mà chẳng có tên tuổi gì so với giới giải trí.

Lớp trẻ - làm gì có chuyện trở thành “fan hâm mộ” nghệ sĩ cải lương, xẩm, tuồng? Nhưng hễ ca sĩ giải trí đến đâu là họ ùa theo như ong vỡ tổ, bằng mọi cách phải có được chữ ký, được sờ vào thần tượng, và thậm chí được hôn vào chiếc ghế mà thần tượng đó vừa ngồi vào.

Rất khó để lý giải thấu đáo về những trái khoáy ấy, nhưng cực dễ để khẳng định văn hóa của chúng ta đang tụt lùi thảm hại. Chúng ta không đổ lỗi nhưng cần truy căn nguyên dẫn tới sự tụt lùi văn hóa. Nếu như không nhanh chóng và mạnh mẽ chấn hưng văn hóa, thì không biết vài ba năm nữa còn cơ hội để làm lại hay không?

Trong khi chờ đợi các nhà hoạch định chính sách văn hóa, các nghệ sĩ nếu biết xấu hổ hãy xem lại mình – đừng để danh xưng cao quý kia trở thành thứ axit “ăn mòn” nền tảng tốt đẹp của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ