'Nuôi' ốc bươu… bằng điện thoại

GD&TĐ - Sáng chế của 2 học sinh Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa - lớp 9D, Trường THCS Hàm Nghi, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa bên sản phẩm giám sát, sưởi ấm, đo pH trong ao nuôi ốc bươu đen bằng điện thoại thông minh. Ảnh: NTCC
Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa bên sản phẩm giám sát, sưởi ấm, đo pH trong ao nuôi ốc bươu đen bằng điện thoại thông minh. Ảnh: NTCC

Chứng kiến ốc bươu đen chậm phát triển, chết nhiều vào mùa Đông, 2 học sinh THCS ở Đắk Lắk đã chế tạo mô hình thiết bị giám sát, sưởi ấm, đo độ pH qua ứng dụng IoT (Internet of Things).

Phát huy thế mạnh

Đầu tháng 11/2023, niềm vui đến với thầy trò Trường THCS Hàm Nghi, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khi dự án khoa học, kỹ thuật của học sinh được xướng tên trong đêm chung kết Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 năm 2023.

Theo đó, dự án “Mô hình giám sát, sưởi ấm, đo pH trong ao nuôi ốc bươu đen bằng điện thoại thông minh” của 2 học sinh Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa - lớp 9D, Trường THCS Hàm Nghi đã đoạt giải Khuyến khích.

Dự án được hướng dẫn bởi 3 cô giáo: Trần Thị Như Trâm (môn Khoa học tự nhiên, phân môn Vật lý), Trương Thị Hồng Lĩnh (môn Khoa học tự nhiên, phân môn Vật lý) và Phạm Thị Cẩm Dung (môn Khoa học tự nhiên, phân môn Sinh học).

Thầy Phạm Văn Ủy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường nằm vùng ven, điều kiện cơ sở vật chất không bằng nơi khác, nhưng thành tích học sinh, giáo viên đạt được như vậy rất đáng tự hào. Đây là nguồn lực tinh thần to lớn, khẳng định tính đúng đắn trong chiến lược dạy học, giáo dục của nhà trường”.

Cũng theo thầy Ủy, 3 năm học gần đây, năm nào dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh nhà trường cũng đoạt giải cấp thành phố, tỉnh. Đây là lần đầu đoạt giải cấp quốc gia. “Nhờ dự án của học sinh dự thi quốc gia, 1 số giáo viên hướng dẫn lần đầu được đặt chân đến Hà Nội. Dù kinh phí khó khăn, trường vẫn động viên, hỗ trợ thầy, cô đi học hỏi, mở mang kiến thức, nghiệp vụ và kinh nghiệm dạy học”, thầy Ủy nói.

Chia sẻ quá trình hướng dẫn, 3 cô giáo cho rằng, thành quả đạt được trước hết là sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Cùng đó, hiệu trưởng tin tưởng giao quyền cho giáo viên khi được chọn hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, dự án dù tốn kinh phí, nhưng nhà trường nỗ lực hỗ trợ đầy đủ, không để giáo viên và học sinh “tự xoay”.

“Khó khăn nhất trong hướng dẫn nghiên cứu khoa học đối với học sinh THCS là hình thành ý tưởng. Hằng năm, nhà trường tổ chức cuộc thi ý tưởng khoa học. Từ ý tưởng, sản phẩm đơn sơ của học sinh, giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn, biến thành sản phẩm thiết thực, phù hợp xu thế”, cô Trâm chia sẻ và cho hay: Không nhất thiết phải đưa đến 1 giải pháp thật sự hữu ích trong cuộc sống. Mục đích cao nhất là giáo dục các em tình yêu khoa học và khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức.

Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa thực nghiệm dự án. Ảnh: NTCC

Phạm Trần Tố Quyên và Trần Thanh Nghĩa thực nghiệm dự án. Ảnh: NTCC

Ý tưởng từ cuộc sống thường ngày

Theo em Phạm Trần Tố Quyên, ý tưởng của dự án xuất phát từ những lần cùng bố mẹ đến thăm người thân ở xã Cư Êbur có nuôi ốc bươu đen. “Các cô, bác hay than phiền, đến mùa Đông là ốc chết hàng loạt, năng suất giảm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Sau đó em rủ bạn Nghĩa cùng lên mạng tìm hiểu và thống nhất ý tưởng giúp người nuôi ốc để nghiên cứu thành dự án”, Quyên kể lại.

Chia sẻ thêm, em Trần Thanh Nghĩa cho rằng, sau khi tìm hiểu, tham khảo thầy cô được biết, nguyên nhân ốc chết vào mùa Đông do nhiệt độ thấp và độ pH không đảm bảo. Muốn giải quyết cần có thiết bị giám sát, điều chỉnh nhiệt độ và đo độ pH ao nuôi thường xuyên. Sau đó chúng em quyết định chọn ứng dụng IoT cho dự án.

“Khó khăn lớn nhất là tìm mua linh kiện, thiết bị điện tử để lắp đặt, kết nối với ứng dụng IoT. Chúng em chỉ tự làm được 1 số linh kiện, sau đó các cô nhờ hỗ trợ của chuyên gia giúp hoàn thiện sản phẩm. Phần thực nghiệm, đánh giá mức độ phù hợp, khả năng vận hành thiết bị khi đưa xuống ao nuôi cũng được thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ. Có hôm, phải làm đi, làm lại hàng chục lần thiết bị mới hoạt động như ý muốn”, Thanh Nghĩa nhớ lại.

Còn theo cô Trâm, điểm mới của thiết bị là giúp người nuôi giám sát ao, điều chỉnh nhiệt độ, kiểm tra độ pH ở bất cứ đâu. “Thả thiết bị vào ao, người nuôi chỉ mở IoT, xem nhiệt độ, độ pH. Nếu nhiệt độ thấp, khi kích hoạt, hệ thống mô tơ sẽ tự động bơm nước vào bình nấu, sau đó phun đều trên mặt ao để làm ấm. Còn độ pH thấp hoặc cao hơn ngưỡng 5 - 8 thì bổ sung hoạt chất có độ axit phù hợp”, cô Trâm cho biết thêm.

Theo cô Phạm Thị Cẩm Dung, mục tiêu sản phẩm hướng đến là tạo ra môi trường thuận lợi, giúp tăng sản lượng ốc nhưng giảm công sức người nuôi. “Dự án của học sinh mới chỉ dừng lại ở mô hình, nhưng mục tiêu hướng đến của nhóm nghiên cứu là sử dụng điện năng lượng Mặt trời thay cho điện lưới. Vì việc đun nóng nước ở bình nấu của hệ thống tốn nhiều điện năng”, cô Dung thông tin thêm.

Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Tôi biểu dương những nỗ lực trong dạy học và nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh nhà trường. Kết quả này là tiền đề để ngành Giáo dục thành phố triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.