Chung tay bảo vệ môi trường
Nguyễn Xuân Hiếu, lớp 12 Tin và Phan Thị Hương Bình, lớp 12 Toán là bạn thân từ nhỏ. Nhận thấy ô nhiễm môi trường vô cùng cấp bách, bên cạnh đó, tình trạng phân loại rác thải chưa thuận tiện và dễ dàng, Bình và Hiếu nảy sinh ý định chế tạo thiết bị phân loại rác thải. Ban đầu, 2 em làm thử nghiệm thiết bị phân loại rác thải bằng que kem và thân gỗ. Tuy nhiên, do vật liệu không phù hợp nên thiết bị hoạt động không tốt và linh hoạt. Sau đó, 2 em tìm tòi, mua linh kiện điện tử… về chế tạo.
“Khi bắt tay vào chế tạo thiết bị, chúng em gặp khó khăn về kiến thức. Nhiều phần chưa hiểu cả hai phải nhờ thầy cô hướng dẫn và học hỏi, tìm kiếm thêm trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhiều linh kiện thiết bị tại Kon Tum không bán. Vì vậy, em và Bình phải tìm mua trên các mạng xã hội. Do không được kiểm tra trước nên nhiều linh kiện mua về hư hỏng, không phù hợp với thiết bị chúng em chế tạo. Có lúc thiết bị lỗi liên tục khiến em rất ức chế. May mắn chúng em luôn được gia đình, thầy cô và bạn bè ủng hộ, cổ vũ nên cố gắng khắc phục để hoàn thiện sản phẩm”, Hiếu cho hay.
Hương Bình chia sẻ: Do thời gian học trên trường nhiều nên em và Hiếu thường trao đổi, bàn bạc ý tưởng thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần gặp nhau để bàn bạc và bắt tay thực hiện sản phẩm. Sau 6 tháng lên ý tưởng và nhiều lần thất bại, đến tháng 1/2020 “thiết bị phân loại rác thải dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo” của hai học sinh mới hoàn thiện và hoạt động trơn tru.
Khi bắt đầu dự án, cả hai bạn chụp ảnh các loại rác thải ở mọi góc độ. Sau đó, hình ảnh được đưa vào phần mềm xử lý. Tại đây, cánh tay robot sẽ nhớ những hình ảnh của các loại rác. Khi các loại rác thải thông qua băng chuyền dịch chuyển đến phạm vi hoạt động của cánh tay robot, camera của thiết bị sẽ tự nhận diện. Cánh tay robot sử dụng trí tuệ nhân tạo phân loại và đưa rác thải vào từng khu vực xử lý phù hợp.
“Thiết bị là sự kết hợp giữa thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo nên làm việc nhanh hơn cánh tay con người, tăng độ chính xác và tốc độ xử lý, giảm chi phí lao động. Thiết bị còn thay thế con người trong những công việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Em thấy rằng thiết bị mang tính ứng dụng cao, dễ dàng sử dụng giúp người dùng có thể nhanh chóng linh động ứng dụng sản phẩm vào các công việc phù hợp”, Bình cho hay.
Viết tiếp ước mơ
“Thiết bị phân loại rác thải dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo” của Nguyễn Xuân Hiếu và Phan Thị Hương Bình xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Kon Tum và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Kon Tum lần thứ 12 năm 2019 - 2020. Hiện, sản phẩm này được gửi đi tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng toàn quốc.
Xuân Hiếu cho biết thêm: Chúng em tiếp tục cải tiến để sản phẩm có thể điều khiển bằng sóng có phạm vi xa hơn, thực hiện nhiều công việc nguy hiểm. Đồng thời, tốc độ và tính chính xác sẽ được nâng cao hơn nữa. Ngoài ra, sản phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi để người dân dễ dàng tiếp cận với mức chi phí thấp.
Nói về ước mơ sau này của mình, Bình cho biết, em sẽ cố gắng học thật tốt, hoàn thành chương trình lớp 12 và thi vào ngành Y với mong muốn trở thành một bác sĩ. Riêng Hiếu, em mong muốn sẽ thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin để tiếp tục thực hiện đam mê nghiên cứu, sáng tạo các thiết bị giúp ích cho đời sống, xã hội.