Học sinh Huế chế tạo gốm nhẹ không nung từ vỏ hàu và trấu

GD&TĐ - Nhóm học sinh Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên – Huế) đã chia sẻ về dự án từ vỏ hàu và trấu sau khi đạt giải Nhất.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (thứ 2 từ trái qua) trao giải Nhất khối học sinh phổ thông cho dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (thứ 2 từ trái qua) trao giải Nhất khối học sinh phổ thông cho dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”.

Vững ý chí sau nhiều lần thất bại

Võ Nguyễn Thúy Hà, Phan Anh Quang và Lê Thị Thu Hà là học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy đã đoạt giải Nhất khối học sinh phổ thông tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V với dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”.

Võ Nguyễn Thúy Hà, Trưởng nhóm cho biết, các em muốn tận dụng tiềm năng của nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu, kết hợp của Xenlulozo trong trấu và Canxicacbonat (CaCO3) có trong vỏ hàu để tạo nên các sản phẩm phục vụ cho nền du lịch xanh, bảo vệ môi trường và đáp ứng xu hướng tiêu dùng.

Trước đó, dự án được thẩm định bởi Hội đồng giám khảo và đoạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2022. Sản phẩm của nhóm có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, dễ dàng phân hủy và không gây tác hại đến môi trường, khắc phục được nhược điểm về tính chống thấm, độ bền uốn, độ bền kéo của những sản phẩm gốm không nung trên thị trường.

Để có được kết quả tốt nhất tham gia vào Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia, nhóm đã gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu, nhóm hình thành ý tưởng, tìm tài liệu, trải qua rất nhiều lần thử nghiệm nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình của cô giáo và đam mê nghiên cứu, cuối cùng nhóm cũng tìm ra được nguyên liệu để tạo ra sản phẩm gốm, dựa trên việc tính tỷ lệ của vỏ hàu và trấu để cho ra sản phẩm tốt nhất.

“Để làm ra sản phẩm tốt nhất, nhóm đã sử dụng khoảng 300kg vỏ hàu. Trong quá trình thực hiện, chúng em phải ngồi lì tại phòng thí nghiệm của nhà trường để kịp tiến độ. Đó là chuỗi ngày rời nhà vào lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc nửa đêm. Sự động viên kịp thời của thầy cô, gia đình, bạn bè chính là động lực để chúng em luôn cố gắng hoàn thành tốt sản phẩm”, Thúy Hà chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là việc tìm ra chất kết dính phù hợp cho sản phẩm. Và để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, các thành viên đã cùng tìm mua nguyên liệu, sau đó ngâm vỏ hàu vào nước cùng với NaOH để khử protein. Sau vài ngày, vỏ hàu dễ được làm sạch. Đối với vỏ trấu sẽ tiến hành nấu trấu với chất NaOH để màu trấu đẹp hơn.

Sau quá trình chuẩn bị nguyên liệu sẽ tiến hành xay vỏ hàu, đây là giai đoạn tốn nhiều công sức vì số lượng nhiều và cần phải xay nhỏ để trộn với trấu kết hợp keo dính là thủy tinh lỏng và một ít nhựa thông rồi bỏ vào khuôn, tiếp tục đập để có sự kết dính. Sau khi làm xong tại khuôn, sản phẩm sẽ được phơi 1 nắng và khuôn sẽ tự động tách ra, tuy nhiên để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất thì sẽ tiếp tục phơi trong khoảng 29 ngày.

Sẽ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V, dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu” đã nhận được sự quan tâm của Ban giám khảo và một số đơn vị.

Tuy nhiên, hiện cả 3 thành viên của nhóm đang là học sinh lớp 12. Đây là giai đoạn quan trọng để các em chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên sẽ tập trung để ôn thi. Nhóm tiếp tục nghiên cứu, phát triển dự án sau khi thi xong.

Trưởng nhóm Võ Nguyễn Thúy Hà cho biết: “Trước mắt chúng em sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp, sau đó sẽ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Nhóm cũng tính phương án nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà tài trợ để phát triển dự án nhằm vừa đáp ứng mục đích về kinh tế, vừa có thể bảo vệ môi trường và quảng bá được văn hóa của xứ Huế”.

Trao đổi về dự án, ThS Lê Thị Thu Hồng - giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THPT Phú Bài, người trực tiếp hướng dẫn cho biết, ý tưởng này do các em tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi. Và trong quá trình thử nghiệm có nhiều lần thất bại vì không đạt được các tiêu chí của sản phẩm về chất lượng, bảo vệ môi trường. Nhưng, với sự tư vấn của giáo viên và tích cực tìm hiểu của các em, cuối cùng nhóm cũng tìm ra được nguyên liệu thích hợp là vỏ hàu, vỏ trấu kết hợp với keo dính để tạo ra sản phẩm.

“Sản phẩm mà các em làm ra là tấm gốm mỹ thuật, đồ dùng gia đình và đồ chơi trẻ em. Đây là thành quả đáng tự hào của các em và nhà trường. Hy vọng, dự án tiếp tục được phát triển, nhân rộng để nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến”, cô Hồng bộc bạch.

Thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài cho hay: Sản phẩm của các em rất thích hợp để trang trí, lát nền, lát tường, làm lối đi bộ… Tôi mong các doanh nghiệp thấy được tính ứng dụng vào thực tiễn của các sản phẩm, từ đó có thể đầu tư để giúp dự án phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ