Những ngày đầu gian khó
Ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) trầm ngâm nhớ lại thời điểm ra đời của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 36/2013/QĐ-TTg.
Thời gian đầu, có ý kiến băn khoăn: Chính sách này có chồng chéo với một số chính sách đã được ban hành trước đó về việc hỗ trợ học sinh bằng tiền? Có sát với thực tế hay không khi việc đưa gạo đến tận thôn, bản cho học sinh không phải là dễ dàng?...
Dẫu đầy quan ngại như thế, nhưng đầu tháng 9/2013, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT và Ủy ban dân tộc xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyết định số 36/2013/QĐ-TTg;
Đồng thời bàn phương án phối hợp để triển khai thực hiện xuất gạo hỗ trợ học sinh trong đó có việc đề nghị UBND các tỉnh xác định số lượng học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách, số lượng gạo cần hỗ trợ cho năm học 2013 -2014.
“Khi những chuyến hàng đầu tiên kịp đến tay các em học sinh chúng tôi mừng lắm Các Cục trưởng DTNN báo cáo, các trường, các em học sinh đón nhận gạo của Chính phủ trong niềm vui nồng ấm như thế nào.
Đó là thực tế quan trọng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả của chính sách. Và quan trọng hơn,chúng tôi thấy xã hội đã ghi nhận và đánh giá cao khi chính sách này được triển khai” - ông Phạm Phan Dũng nói, mắt ánh lên niềm vui.
Các địa phương đều đánh giá cao và ghi nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, mang đầy tính nhân văn chứ không thuần túy là chính sách hỗ trợ về vật chất cho nhân dân và đánh giá cao tinh thần tận tình phục vụ của mỗi công chức, viên chức ngành DTQG.
Khát vọng bay lên…
Câu chuyện của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng khiến tôi nhớ về những ngày được rong ruổi cùng các đoàn xe vận chuyển gạo dự trữ quốc gia đến các tỉnh, thành.
Đầu năm học mới hay những ngày áp Tết Nguyên đán, khi từngđoàn xe vận tải gạo đến, những gương mặt trẻ thơ rạng rỡ ào ra chào đón, niềm vui sáng bừng giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng.
Niềm vui ấy lan tỏa đến cả những ông bố, bà mẹ đang đứng ở phía sau, cứ bịn rịn không biết nói thế nào để diễn tả hết cảm xúc của mình khi thấy Đảng, Nhà nước đang trao cơ hội, trao ước mơ cho những đứa con của mình!
Tôi không thể quên lời tâm tình của một giáo viên ở trường dân tộc nội trú của tỉnh Lạng Sơn: “Không chỉ các em vui mà chúng tôi cũng vui, bố mẹ của các em vui.
Chúng tôi vui vì từ năm học 2013 - 2014, khi có chính sách hỗ trợ gạo này các em được “ấm bụng” đến trường nên không còn tình trạng bỏ học. Còn các bậc phụ huynh vui vì họ thấy rõ lợi ích của việc cho con đi học được nhà nước ưu đãi thế nào”.
Tôi cũng chẳng thể quên được những chặng đường đầy gian khó cũng như sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ dự trữ vận chuyển gạo đến với các điểm trường.
Những địa phương được tiếp nhận gạo hỗ trợ chủ yếu ở những vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, quãng đường vận chuyển gạo phần lớn phải qua những khu vực núi non hiểm trở, thời tiết không phải lúc nào cũng hiền hòa.
Có lần, cả đoàn xe của Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh chở gạo bò dốc ì ạch bỗng đâu gặp đám người bám theo sau “khều” hàng. Hay có lần đoàn xe trở về, một xe bị văng xuống vực. May là mọi người nhảy ra ngoài được. Tính mạng thoát trong gang tấc.
Đó là chưa kể có lần vì đường đi quá xa xôi, gập ghềnh, đoàn vận chuyển đến điểm giao nhận thì trời vừa tối, phần lớn các điểm giao gạo đều ở vùng sâu vùng xa, có nơi vì cán bộ tiếp nhận không linh hoạt tiếp nhận nên đoàn phải tự lo chỗ nghỉ, chỗ ăn...
Vậy mà, khi xe lắc lư ầm ì bò dốc thì các anh ngâm nga: “Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó. Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao...” làm cho chẳng ai thấy mệt, thấy xa xôi, thấy chông chênh...
Hai năm để thực hiện một chính sách mới không phải là dài. Thế nhưng, rõ ràng với những gì đã đạt được, ngành Tài chính mà trực tiếp là ngành Dự trữ quốc gia vượt qua mọi khó khăn, vất vả triển khai thực hiện nhiệm vụ ngày một hiệu quả.
Từ bấy đến nay thì chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã thể hiện những tính ưu việt của chính sách, khi được toàn xã hội vui mừng đón nhận.
Thật ý nghĩa, thật nhân văn khi chúng ta cùng thấy niềm vui mừng ấy đã, đang và sẽ tiếp tục lấp loáng ở các em học sinh tại các thôn bản, làng xã xa xôi để nuôi dưỡng bao khát vọng ước mơ của trẻ thơ, những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam.
Kể từ năm học 2013-2014 đến nay, gần 50 vạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa trong cả nước luôn được “ấm bụng” để cắp sách đến trường. Có thể nói rằng, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng, bảo đảman sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nói chung.