Nhúng sinh viên vào môi trường thật
Theo ông Nguyễn Anh Thi – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), muốn hiệu quả thì môi trường kiến tạo trong đại học phải là tổng thể và cho phép sinh viên trải qua 3 bước gồm: Nâng cao nhận thức; khám phá nó là cái gì và trải nghiệm. Môi trường ấy là hình tháp, càng đi lên thì số lượng càng giảm xuống. Trong 1.000 bạn được nâng cao nhận thức chỉ có 100 bạn mày mò khám phá và chỉ có 10 bạn bước vào trải nghiệm. Do đó, chúng ta phải tạo được môi trường tổng thể và môi trường ấy chính là hệ sinh thái khởi nghiệp trong đại học. Các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm với môi trường thật. Nói như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp phải gắn chặt với hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, nó không thể là một ốc đảo độc lập.
Trao đổi về vai trò đại học nằm ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Thi chia sẻ về nhận định của quỹ đầu tư cũng là đơn vị đồng hành hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp của Mỹ. Họ cho rằng 5 yếu tố quan trọng quyết định sự mạnh yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: Tài năng - con người. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Thứ hai là sự kết nối bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp - yếu tố mạng lưới; Thứ ba là văn hóa; Thứ tư là vốn và cuối cùng là thể chế - pháp lý. Nếu nhìn vào đây thì đại học sẽ đóng góp ở yếu tố thứ nhất và yếu tố thứ 3 là nhiều nhất. Tức là tài năng và văn hóa.
“Cụ thể hơn, tôi xin chia sẻ 3 đóng góp của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Thứ nhất, đại học là nguồn cung cấp tài năng. Tài năng ở đây không giới hạn là doanh nhân khởi nghiệp mà tập trung phát triển các nhà chuyên môn giỏi và các nhà quản lý giỏi. Chúng ta phải có đồng bộ 3 con người gồm: Doanh nhân giỏi, quản lý giỏi và chuyên môn giỏi.
Thứ hai, đại học là nguồn cung dồi dào công nghệ. Đặc biệt là các trường đại học theo hướng nghiên cứu. Thứ ba, đại học là nơi có cơ sở vật chất hiện đại. Chẳng hạn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học hay Nano thì doanh nghiệp khởi nghiệp không thể nào tự đi xây dựng một phòng Lab để phát triển sản phẩm. Khi đó, đại học là nơi cung ứng các điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sản phẩm mẫu của mình.
Hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên
Cần nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp của sinh viên. Ảnh minh họa |
Cho rằng, giáo dục đại học phải là chỉnh thể tự do, sáng tạo; GS Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐH Thái Nguyên trao đổi: “Nói đến khởi nghiệp, điều đầu tiên chúng tôi dạy cho sinh viên là, sản phẩm đầu tiên của khởi nghiệp là thất bại chứ không phải là sự thành công. Quan trọng từ thất bại ấy, chúng ta dạy cho sinh viên cách khắc phục, sửa chữa và ý tưởng mới xuất phát từ sự thất bại đó”.
Theo GS Phạm Hồng Quang, trong giáo dục đại học không có phương pháp dạy học mà chỉ có hình thức tổ chức cho sinh viên học. Theo đó, nếu chúng ta trở lại 4 hình thức nền tảng mà giáo dục nước Nga, Mỹ quan tâm thì mới là môi trường khởi nghiệp cho sinh viên sáng tạo: Thứ nhất là diễn giảng, thuyết trình. Chúng ta tổ chức cho sinh viên nghe những giáo sư nổi tiếng thuyết giảng. Khi GS thuyết trình sẽ nêu vấn đề, từ đó sẽ giúp sinh viên nuôi suy nghĩ, thậm chí suy nghĩ ngược lại với những gì đã có.
Thứ hai là hình thức hội thảo trong đại học. Hình thức này mới xuất hiện nhiều ý tưởng. Thứ ba là nghiên cứu khoa học. Đây là hình thức cực kỳ quan trọng, bởi bản chất của đại học là học có tính chất nghiên cứu. Thông qua ý tưởng này, sinh viên mới thực hiện được. Thứ tư là hình thức tự học và trải nghiệm.
“Nếu làm tốt 4 hình thức này sẽ hình thành một chuỗi: Từ ý tưởng, thực thi và trải nghiệm. Lúc đó, chúng ta mới nuôi dưỡng được ý tưởng cho sinh viên, thực hiện đúng tính chất của đại học là học có nghiên cứu” - GS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh, đồng thời trao đổi thêm: Chúng ta hỗ trợ để sinh viên trải nghiệm, có cố gắng thì mới có thành công. Lâu nay, chúng ta dùng từ đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu, kỹ năng cụ thể của doanh nghiệp. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi GDĐH ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp còn có vai trò dẫn đường cho xã hội. Chính điều này là sáng tạo khởi nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo phải là một hoạt động chính, cốt lõi của trường đại học.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, các trường đại học sẽ là đơn vị tiên phong trong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu cho nhà trường. Các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên. Chúng ta thống nhất chung quan điểm, muốn có doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng trí tuệ và công nghệ thì phải có nguồn nhân lực được cung cấp kiến thức và kỹ năng. Trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên.