Nuôi dưỡng hứng thú học tập cho con

GD&TĐ - Bậc cha mẹ nào cũng kỳ vọng con mình thành công, ngay từ những ngày đầu tiên trẻ đến trường. Chính vì áp lực tâm lý ấy nên rất nhiều phụ huynh thường giận dữ, tỏ ra trách mắng con, đổ lỗi cho sự lười nhác, xao nhãng việc học... 

Nuôi dưỡng hứng thú học tập cho con

Những ứng xử của cha mẹ khi con bị điểm kém cùng với việc tạo môi trường cho trẻ tập trung sự chú ý vào việc học rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ.

Những phản ứng phản tác dụng của cha mẹ

Hàng loạt những trăn trở của các bậc phụ huynh được giãi bày như con ngày càng khó bảo, bướng bỉnh, không chịu học bài.

Chị Phương Nga có con học lớp 8 Trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) lo lắng: “Dạo này sức học của cậu con trai bỗng nhiên giảm sút. Vào đầu năm học, con chị được cô giáo khen học rất tốt, vậy mà bài kiểm tra Toán vừa rồi được 5 điểm. Nhìn thấy điểm 5 trên tờ kiểm tra của con chị buồn rầu, vào bữa cơm thì “chống đũa, không ăn được”, không khí gia đình rất nặng nề.

Sự thất vọng của chị Nga khiến cậu con trai rất mặc cảm, thấy có lỗi sinh chán nản, tự trách bản thân, luôn nghĩ rằng cha mẹ không còn yêu thương khi em không đạt được ước vọng của cha mẹ. Từ đó cậu bé cảm thấy sợ khi đối mặt với bố mẹ.

Trường hợp gia đình anh Lê Văn Toản có con trai học lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) cũng rơi vào tình huống như vậy. Dạo này cậu con trai tự nhiên học hành chểnh mảng. Nhận được tin nhắn từ sổ liên lạc điện tử của trường về điểm kiểm tra giữa kì của con không được tốt, anh gọi ngay về nhà mắng: “Tại sao con bị điểm 3 môn Toán. Hôm qua, bố mẹ đã nhắc con làm bài tập, chuẩn bị chu đáo bài vở mà con không tập trung làm cho tốt…”.

Về đến nhà, trong bữa cơm hôm nào anh cũng lôi chuyện bị điểm kém ra để mắng mỏ, con trai chẳng nói thêm được gì, bỏ bữa ăn đi lên phòng riêng của mình.

Tạo hứng thú học cho con

Theo TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội), cách học tập hiệu quả cho trẻ đó là tự chọn môn học mà trẻ yêu thích, cho con làm những bài tập dễ dàng nhiều lĩnh vực khác nhau để không khiến cho trẻ bị căng thẳng.

Chìa khóa chính là cha mẹ phải nuôi dưỡng hứng thú học cho con. Cũng như người lớn, nếu mỗi ngày đi làm là một ngày vui họ sẽ làm việc tốt thì trẻ cũng cần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

TS Hảo cũng nhấn mạnh, để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành, có thể vững vàng trong cuộc sống cha mẹ cần là những người hướng dẫn, lắng nghe con em mình.

Chúng rất cần những lời khích lệ, động viên, kể cả trong những thất bại hay thành công, trẻ rất cần cha mẹ khích lệ. Tuy nhiên để khen thưởng trẻ bằng những hiện vật, cần cho trẻ thấy chúng cần nỗ lực để đạt được.

Trong kỷ luật tích cực, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết như chế ngự sự căng thẳng, tức giận, hay biết cách lắng nghe con một cách tích cực.

Sự thành công của một con người không nằm ở điểm số, bằng cấp hay chỉ số IQ. Sự thành công của con người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số vượt khó AQ, hòa nhập xã hội SQ…

Bạn nên xóa bỏ ý nghĩ rằng con học kém nghĩa là không còn trông mong gì vào tương lai sáng lạn, điểm số của con thấp nghĩa là cha mẹ chẳng có gì để tự hào về chúng… Bạn cần tin tưởng vào con để con có quyền tự tin. Hiểu những điều đó, bạn sẽ thấy hài lòng về đứa con của mình.

“Khi bị ép làm một việc gì đó quá mức, trẻ dễ bị tổn hại cả thể chất và tâm lý. Từ căng thẳng dẫn đến buồn chán, có khi tức giận và mất dần hứng thú, không muốn học hay thậm chí sợ học là con đường rất ngắn.                                                                                                                                                                                                           Sự hứng thú sẽ giúp con duy trì sự tập trung/chú ý. Hứng thú giúp kéo dài quãng chú ý, tăng chất lượng chú ý, dẫn đến say mê, cao hơn nữa là đam mê. Những em học tập xuất sắc và tiến xa trong sự nghiệp sau này thường là những em say mê, hứng thú học tập”                                                                                                                   TS Lê Văn Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ