Nuôi dạy con cái tại Hàn Quốc đắt đỏ nhất thế giới

GD&TĐ - Theo nghiên cứu của tổ chức tài chính Jefferies (JEF), Hàn Quốc đứng đầu danh sách 14 quốc gia có chi phí nuôi dạy con cái đắt đỏ nhất thế giới.

Phụ huynh Hàn Quốc sẵn sàng chi tiêu để con cái được giáo dục tốt nhất.
Phụ huynh Hàn Quốc sẵn sàng chi tiêu để con cái được giáo dục tốt nhất.

Theo sau là Trung Quốc, Italy trong khi Mỹ nằm ở giữa danh sách. Các chuyên gia phân tích sự khác biệt giữa văn hoá châu Á và phương Tây là một trong những yếu tố khiến Hàn Quốc, Trung Quốc giành vị trí tốp đầu.

Báo cáo chỉ ra trong khi các cặp vợ chồng phương Tây muốn sinh hai đến ba đứa trẻ, con số này ở phương Đông thấp hơn. Tỷ lệ kết hôn ở phương Đông cũng có xu hướng giảm mạnh.

Trong nền văn hoá châu Á, việc sinh con trước khi lập gia đình cũng ít phổ biến. Do đó, các gia đình châu Á thường có 1 - 2 con nên cha mẹ có thể đầu tư toàn lực cho sự phát triển của con cái.

Tại châu Á, chi phí giáo dục và chi phí chăm sóc trẻ em từ những năm đầu đời là tương đối đắt đỏ. Ở Hàn Quốc, phụ huynh có con nhỏ chi trung bình 198.000 won mỗi tháng (khoảng 3,6 triệu đồng) cho hệ thống chăm sóc trẻ em công lập.

Đáng chú ý, chỉ có 11,8% trong tổng số 1.119 hộ gia đình Hàn Quốc được khảo sát không chi tiền cho việc chăm sóc hoặc giáo dục trẻ em. Còn lại, phụ huynh có con từ 0 - 5 tuổi chi trung bình 200.000 won mỗi tháng (khoảng 3,7 triệu đồng). Đây chỉ là mức chi tiêu nếu phụ huynh sử dụng dịch vụ nhà nước. Các cơ sở tư nhân thường có chi phí cao hơn.

Nhà nghiên cứu Hàn Quốc, Choi Hyo-min, cho biết năm 2013, chính phủ nước này đã ban hành chương trình phúc lợi, trong đó miễn học phí tại các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày. Nhưng phụ huynh có xu hướng đăng ký cho con theo học tại trường mẫu giáo vì các cơ sở này có chương trình giáo dục tiền tiểu học.

“Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng, phụ huynh Hàn Quốc sẵn sàng chi tiêu miễn là con cái được giáo dục và chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, điều này khiến đứa trẻ đối mặt với áp lực học tập từ rất sớm và thiếu vắng sự gần gũi với gia đình”, cô Hyo-min bày tỏ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, phải mất hơn 75.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng) để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi và mất 22.000 USD để học đại học (khoảng 500 triệu đồng).

Mức phí đại học tại Trung Quốc rẻ hơn so với nhiều nước phương Tây. Nhưng các quốc gia này có khoản vay đại học dành cho sinh viên. Ở Trung Quốc hay đa số các quốc gia châu Á, khoản tiền này đặt lên vai phụ huynh.

“Trong bối cảnh Trung Quốc phát triển kinh tế, khả năng cao quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng nghịch cảnh nhân khẩu - kinh tế giống như nhiều nước phát triển khác, nghĩa là người giàu có sẽ chọn sinh ít con hơn so với người thu nhập trung bình, thấp. Tỷ lệ sinh sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với nhiều người mong đợi”, báo cáo của JEF nhấn mạnh.

Nghịch cảnh trên sẽ thúc đẩy tình trạng già hóa dân số khiến nguồn nhân lực lao động chất lượng cao giảm trong những năm tới. Hoạt động sản xuất phải chuyển sang tự động hóa để bù đắp nguồn lao động thiếu hụt. Cùng với đó, hệ thống phúc lợi xã hội cũng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, JEF khuyến nghị chính phủ các nước cần tăng biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nuôi dạy trẻ, nhất là tại Trung Quốc. Một số biện pháp có thể kể đến như giảm thuế, hỗ trợ tài chính…

Theo CNN, Korea Herald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.