Nhưng nhiều phụ huynh khác cho rằng đây là phương pháp giáo dục vi phạm quyền riêng tư.
Kim Jung-eun, 49 tuổi, là nhân viên văn phòng sống tại quận Nowon, thủ đô Seoul. Trong một lần kiểm tra lịch sử truy cập Internet trên điện thoại thông minh của con gái 12 tuổi, bà mẹ phát hiện con tham gia 8 cuộc trò chuyện ẩn danh.
Hầu hết các tin nhắn là của thanh thiếu niên bằng tuổi con gái Jung-eun, thảo luận cách mua thuốc lá, bia, thậm chí là kinh nghiệm bỏ nhà đi bụi. Ngay lập tức, Jung-eun cài đặt ứng dụng cho phép cha mẹ giám sát các phần mềm con sử dụng và giới hạn thời gian dùng.
Lee Hae-mi, mẹ của một học sinh lớp 4 tại quận Gwangjin, thủ đô Seoul, mới đây cũng cài đặt ứng dụng tương tự trên điện thoại của con trai. Hae-mi bày tỏ: “Khi tôi đọc tin nhắn của con với bạn bè, tôi không thể tin rằng học sinh tiểu học có thể dùng nhiều từ chửi thề như vậy.
Trước đó, tôi phản đối các phụ huynh dùng ứng dụng quản lý vì tôi nghĩ rằng công nghệ đang biến việc nuôi dạy thành giám sát. Nhưng giờ tôi đã thay đổi quan điểm vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ con cái”.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) cho rằng, hành động này vi phạm nhân quyền của trẻ, làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các bậc cha mẹ. Vấn đề này được đưa ra thảo luận sau khi một học sinh lớp 10 và lớp 6 đệ đơn lên Cơ quan Giám sát nhân quyền và Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) vào năm 2020.
Các em cho rằng, quyền cá nhân đang bị xâm phạm vì việc cha mẹ giám sát điện thoại thông qua app là cách làm thiếu công bằng.
Tại Hàn Quốc, một quy định về viễn thông cho phép các ứng dụng quản lý dịch vụ chặn nội dung được cho là có hại cho thanh thiếu niên như nội dung khiêu dâm. Tuy nhiên, NHRCK lập luận nhiều ứng dụng khác cho phép người dùng theo dõi vị trí, giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, theo dõi tin nhắn văn bản và chặn wifi. Một số ứng dụng cũng cho phép chặn quyền truy cập vào các trang web tin tức, thể thao hay du lịch. Các nhà phát triển khẳng định ứng dụng quản lý giúp cha mẹ tăng cường giáo dục con cái.
NHRCK cho biết, các ứng dụng quản lý đã giới hạn quá mức quyền cơ bản của trẻ như quyền tự quyết định thông tin cá nhân, quyền riêng tư, quyền tự do giao tiếp, được công nhận bởi hiến pháp và quy tắc nhân quyền quốc tế. Ngược lại, phương pháp nuôi dạy phải tập trung vào hạnh phúc, lợi ích của trẻ thay vì giám sát tuyệt đối mọi động thái của các em.
NHRCK kiến nghị KCC kiểm tra chức năng của các ứng dụng quản lý và có biện pháp cần thiết để ngăn chặn các nhà phát triển ứng dụng xâm phạm nhân quyền của trẻ. KCC cần phải làm việc mạnh tay hơn nữa, thay vì thoái thác đây là vấn đề giữa cha mẹ và con cái.
Nhiều phụ huynh đã phản đối quyết định của NHRCK, cho rằng ứng dụng quản lý đang bảo vệ trẻ em khỏi các tác động có hại từ môi trường kỹ thuật số. Số khác đồng tình lại lập luận rằng theo dõi điện thoại là hành động xâm phạm quá sâu vào cuộc sống riêng tư của trẻ. Đây không phải phương pháp nuôi dạy con phù hợp.
Kim, mẹ của một học sinh 12 tuổi sống tại quận Mapo, thủ đô Seoul chia sẻ: “Theo dõi vị trí có thể cần thiết cho an toàn của trẻ nhỏ nhưng đọc tin nhắn, kiểm tra lịch sử tìm kiếm trên Internet là vi phạm quyền riêng tư. Khi còn nhỏ, tôi đã rất tức giận khi bố mẹ đọc trộm nhật ký. Giám sát con cái qua ứng dụng di động cũng là hành động tương tự như thế”.