Phụ huynh Hàn Quốc trả lại tuổi thơ cho con

GD&TĐ - Nếu như chục năm trở lại đây, phụ huynh Hàn Quốc đua nhau cho con đi học văn hoá khi chỉ mới 2 hay 3 tuổi - thì thời gian gần đây, ngày càng nhiều phụ huynh trả lại cho con những năm tháng tuổi thơ thuần tuý vui chơi, tránh xa sách vở…  

Các bé 6 tuổi chơi cùng mẹ tại một sân chơi ở Mok-dong, Tây Seoul
Các bé 6 tuổi chơi cùng mẹ tại một sân chơi ở Mok-dong, Tây Seoul

“Trì hoãn” học chữ, toán

Con gái 6 tuổi của Lee Ji-eun, sống ở quận Yangcheon, Tây Seoul, chưa biết đọc hoặc viết tiếng Hàn. Với Lee điều đó hoàn toàn bình thường.

“Tôi biết nhiều bà mẹ ở đây dạy tiếng Hàn và tiếng Anh cho con khi chúng mới 2 hoặc 3 tuổi - nhưng phần lớn những trẻ này mất hứng thú học tập khi chúng vào học các lớp cao hơn ở trường tiểu học” - Lee nói - “Thay vì gây áp lực bằng giáo dục sớm với trẻ, tôi chọn cách để con chơi và tự học từ trải nghiệm và du lịch”.

Con gái của Lee học ở một trường mẫu giáo dành nhiều thời gian cho trẻ chơi cùng nhau. Sau khi về nhà, bé lại chơi tiếp ở sân chơi 3 tiếng đồng hồ. Lee coi chừng khi con chơi với trẻ khác nhưng không can thiệp khi con bé ném tung bụi bẩn và cát ở sân chơi, bôi bẩn quẩn áo.

Khi 2 mẹ con về nhà, Lee cho con chơi nghịch trong bồn tắm thêm 1 tiếng. Sau bữa tối, bé con lại chơi tiếp với thú nhồi bông và vẽ cùng mẹ. Cuối tuần, cả gia đình lại cùng nhau dã ngoại.

Ngày càng nhiều phụ huynh giống như Lee chọn cách “trì hoãn” dạy con đọc và viết tiếng Hàn, tiếng Anh cũng như toán cơ bản cho tới khi con vào học tiểu học. Xu hướng khuyến khích trẻ chơi nhiều hơn cũng được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Một ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội: “Một số phụ huynh hỏi tôi sao không dạy con trai 7 tuổi một chút chữ Hàn nào, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là để thằng bé bay bổng đầu óc sáng tạo khi xem sách tranh thay vì biết đọc quá sớm”.

“Nhiều bà mẹ đề nghị chúng tôi giảm dạy đọc, viết và toán cơ bản để tăng thời gian chơi cho trẻ” - hiệu trưởng một trường mẫu giáo tại Yangcheon cho biết.

Xã hội đồng thuận

Theo các chuyên gia thì những phụ huynh này đang học theo ví dụ tại Phần Lan, Đức và Israel, nơi nhiều phụ huynh từ chối dạy con đọc và viết cho tới khi chúng ít nhất 7 tuổi.

“Nhiều bà mẹ đang theo đuổi cách thức giáo dục tại những nước này” - Lee Gi-sook, Giáo sư danh dự Đại học nữ Ewha, Tây Seoul, nói - “Họ tin rằng dạy con đọc và viết sớm sẽ làm giảm sự sáng tạo của trẻ”.

Lee công bố một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, học sinh chỉ được dạy đọc và viết khi vào tiểu học - không thua kém kĩ năng đọc viết so với học sinh được dạy từ trước khi đi học.

“Việc nhiều phụ huynh lựa chọn loại hình GD thay thế này sẽ giúp phát triển tư duy sáng tạo tại đất nước này, tư duy giỏi về giao tiếp và hợp tác với người khác” - Jeong Jae-yang, giảng viên chuyên ngành GD tại ĐH Ewha, nêu quan điểm - “Hệ thống GD hiện tại quá nhấn mạnh tới GD sớm và sẽ chỉ tạo ra những học sinh quá cạnh tranh và cô lập”.

Bộ Giáo dục cũng ủng hộ xu hướng mới. Bộ tăng số giờ đọc và viết tiếng Hàn từ 27 giờ lên khoảng 60 giờ cho lớp 1 - một biện pháp giúp phụ huynh chọn cách không dạy con đọc và viết cho tới khi trẻ đi học.

Bộ Y tế và Phúc lợi cũng đưa chính sách bảo vệ quyền chơi và có thời gian thư giãn của trẻ em và thanh thiếu niên vào kế hoạch chính sách trẻ em 4 năm từ 2015 - 2019.

Xu hướng mới trong giáo dục đặc biệt nhận được sự ủng hộ của học sinh. Theo khảo sát gần đây của Bộ Phúc lợi với 2.099 học sinh ở tiểu học, THCS và THPT trên cả nước, 7 trong 10 học sinh tiểu học nói “muốn có nhiều thời gian chơi và sống vui vẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.