Là một trong những hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông Bứa, ông Lê Tiến Lợi - xã Quang Húc cho biết, gia đình ông có 16 lồng cá. Để tham gia vào dự án, ông đã vay ngân hàng và anh em tới 3 tỷ đồng.
Giờ cá chết, gia đình ông bị trắng tay, số tiền nợ cũng chưa biết bao giờ mới trả được. “Lẽ ra tôi đã trở thành triệu phú rồi, nhưng bây giờ lại trở thành con nợ…” - Ông Lợi chua xót.
Theo ước tính, hiện có khoảng gần 30 hộ dân của huyện Tam Nông đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì nuôi cá lồng. Hộ thiệt hại nhiều nhất khoảng 10 tỷ đồng, hộ ít nhất cũng vài trăm triệu. Hầu hết số tiền này đều do bà con vay mượn để đầu tư nuôi cá.
Người dân khốn đốn vì số nợ tiền tỷ, nhưng để tái đầu tư sản xuất cũng chẳng dễ dàng gì. “Toàn bộ sổ đỏ chúng tôi đã thế chấp ngân hàng, ngoài ra còn mượn cả sổ đỏ của anh em nội ngoại, nên bây giờ muốn tái sản xuất cũng khó khăn, biết lấy vốn ở đâu” - Ông Lê Hữu Tôn - xã Quang Húc cho hay.
Mới đây, UBND huyện Tam Nông đã trích kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng cho một hộ dân bị thiệt hại và tiến hành khoanh, giãn nợ của cho bà con. Tuy nhiên, với số nợ hàng trăm tỷ đồng như hiện nay, người dân vẫn đang rất cần những cơ chế, chính sách đặc biệt hơn nữa.
Ông Phan Đức Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông - nói: “Chúng tôi đang đề nghị nguồn kinh phí hỗ trợ cho bà con bị thiên tai theo Thông tư 33 của Bộ Tài chính, để sớm khôi phục lại nghề nuôi cá lồng và ổn định đời sống cho bà con”.
Thời gian vào vụ cá hiện đã được 1 tháng, nhưng nhiều lồng cá ở xã Quang Húc vẫn bỏ không. Xót xa, dù không có vốn nhưng nhiều hộ dân cũng đành chạy vạy khắp nơi vay mượn lấy vài trăm triệu tái đầu tư nuôi cá.
Biết là mạo hiểm, nhưng những người dân nơi đây cũng chẳng còn cách nào khác. Nợ cũ lại thêm nợ mới chồng chất, không biết bao giờ nghề nuôi cá lồng sông Bứa mới hết chênh vênh?