Nước Anh hậu Brexit: Gậy ông đập lưng ông

GD&TĐ - Chính phủ Anh đang phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng sau khi họ quyết định rời khỏi EU qua sau chiến dịch Brexit.

Nước Anh hậu Brexit: Gậy ông đập lưng ông

Bất chấp sự phản đối của London, Quốc hội Scotland lại tiến hành trưng cầu dân ý về việc Scotland ra khỏi Liên hiệp Anh. 

Những người khởi xướng cuộc trưng cầu dân ý này dự định sẽ gia nhập EU với tư cách một quốc gia độc lập và ở lại thị trường chung châu Âu.

Brexit kiểu Scotland

Đã hai năm rưỡi kể từ ngày những người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý giành độc lập cho Scotland, giờ đây, việc ra khỏi EU của Anh đã tạo cơ hội để họ báo thù.

Ngày 13/3, Quốc hội Anh đã chấp thuận cho bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm rời khỏi EU và vào ngày 29/3, những thủ tục “li hôn” chính thức được tiến hành. Đây cũng là lúc để phe dân tộc chủ nghĩa ở Scotland đẩy mạnh tiến trình Brexit của họ.

Theo Nicola Sturgeon - người đứng đầu chính quyền khu vực của Scotland thì cuộc trưng cầu dân ý lần 2 cần được tiến hành vào giai đoạn giữa mùa thu năm 2018 và mùa xuân năm 2019. Tuy nhiên, để làm được điều này, Scotland phải nhận được cái gật đầu chính thức từ London.

Đây là câu chuyện không hề đơn giản. Thủ tướng Anh Theresa May từ chối, không muốn để Edinburgh tiến hành bỏ phiếu lần này. Theo bà Theresa May, giờ là lúc “chưa phải thời điểm để tổ chức trưng cầu dân ý”. Lý do thật đơn giản - Anh đang phải tập trong cho brexit và xây dựng quan hệ mới với EU.

Phát biểu tại một hội nghị của đảng cầm quyền Quốc gia Scotland (SNP) vào hôm thứ bảy (18/3), Nicola Sturgeon cho biết: Trong vòng vài tháng phải cố gắng để đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là việc trao quyền cho quốc hội địa phương và duy trì tư cách thành viên của khu vực trong thị trường chung châu Âu. Theo bà Sturgeon, điều này sẽ bảo vệ các lợi ích của Scotland sau khi Anh rời khỏi EU.

Ngày thứ ba (21/3), đề xuất của Nicola Sturgeon được thảo luận ở Quốc hội Scotland và vào ngày 22/3, cuộc bỏ phiếu được tiến hành. Nếu đa số nghị sĩ đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý thì Nicola Sturgeon sẽ đề nghị chính phủ Anh cho phép tiến hành trưng cầu dân ý.

Đại diện của đảng cầm quyền SNP chiếm non nửa số ghế tại nghị viện địa phương - 63/129. Trong số các thành viên đối lập, những người bảo thủ và những người dân chủ tự do chắc chắn sẽ phản đối việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới. Tuy nhiên, một số đảng khác sẽ ủng hộ SNP. Ví dụ, thủ lĩnh đảng Xanh Patrick Harvey đã bày tỏ quan điểm ủng hộ SNP.

Hội chứng domino mang tên Scotland

Theo các nhà phân tích, chỉ cần 6 nghị sĩ của đảng Xanh ủng hộ SNP, cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên hiệp Anh của Scotland sẽ thành hiện thực.

Theo các nhà phân tích, cơ hội để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giành độc lập của Scotland là quá rõ ràng. Tuy nhiên, giáo sư Iain Begg thuộc Viện châu Âu của ĐH Kinh tế London cho rằng, ngay cả khi Quốc hội Scotland đạt được đồng thuận nhưng khó có thể đảm bảo rằng London có thể tặng cho họ cái gật đầu.

Theo giáo sư Iain Begg, mặc cho đảng SNP chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2015, số người kiên định ủng hộ ý tưởng độc lập là không rõ ràng.

Ngoài ra, cũng theo lời ông Iain Begg, mặc dù có sự liên kết mạnh mẽ với EU nhưng thị trường xuất khẩu chính của Scotland vẫn là Anh. Ấy là chưa kể những vấn đề phát sinh trong cuộc trưng cầu dân ý lần trước, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, tư tưởng brexit của người Scotland là đáng ghi nhận. Giới phân tích khẳng định, hội chứng domino này sẽ lan truyền sang xứ Wales, đưa ý tưởng brexit trở thành xu hướng rộng rãi.

Những ngày này, Thủ tướng Anh Theresa May vừa chạy đôn chạy đáo thương thảo với EU và các tổ chức liên quan sao cho brexit đạt được kết quả có lợi nhất, vừa phải tổ chức hàng loạt chuyến công du nhằm “úy lạo” các địa phương, các nước thuộc Liên hiệp Anh trước xu hướng brexit đang lên cao. Đúng là gậy ông lại đập lưng ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ