“Kính thưa lệnh Bà – hai Cậu, con tên Phạm Văn Hổ. Bữa nay, nhằm ngày đầu con nước – con sắm lễ vật mời Bà Cậu ăn uống lấy thảo. Mong Bà Cậu phù hộ độ trì cho con được trúng mùa trúng giá cá bông lau vụ này.
Con xin hứa: làm trúng con cúng Bà Cậu tới khi nào ngán mới thôi!”, ông Tám Hổ, 53 tuổi, ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thành kính khấn.
“Làm nghề này, có người kiêng cữ “ăn nằm”, kỵ chở bà bầu. Còn tui thấy khác. Như sáu bảy năm trước, tui chở giùm em gái thằng Sáu cạnh nhà đang quằn quại đau đẻ lên trạm xá xã. Quay về, đêm đó, tui tóm được 23 ký, trọn mùa bắt hết thảy 64 con.
Tiếc rằng, giá cá hồi đó còn bèo quá!”, Nguyễn Văn Tân, gần 40 tuổi vẫn là “lính phòng không” xởi lởi. Quanh năm, hết tám tháng anh cắm cúi với nghề mộc, bốn tháng còn lại theo đuôi con bông lau.
Đêm Vàm Nao lành lạnh, chấp chới – nghiêng ngả những ánh đèn lưới bông lau. Nhánh sông nối liền giữa con sông Tiền với Hậu, chiều ngang không đến 1km, sâu khoảng 17m trong mùa khô, lăn tăn từng cơn sóng nhỏ như nhen lên những đốm lửa hy vọng. “Dính rồi anh ơi!”, chị Nguyễn Thị Nở rối rít báo cho chồng.
“Đừng kéo gấp, để nó quấn thêm 2 – 3 vòng nữa cho chắc ăn em!” Ước tính, vốn liếng của đôi vợ chồng nghèo này cỡ 24 – 25 triệu đồng, gồm: ghe, máy đuôi tôm, lưới…
Đêm qua, bến này “bợ” được 20 con. Bữa trước nữa thì 16 con, nặng trên 140kg. Ngặt nỗi, giá cá tại bến do thương lái định đoạt: 150.000 đồng/kg, hàng còn nhúc nhích. Tuy vậy, nếu trúng cá liền ba đêm, giá có thể hạ còn 120.000 – 130.000 đồng/kg, ông Sáu ngưng phì phà thuốc dự báo.
Nhưng khổ nỗi, ngư dân với thương lái ở đây đã lỡ “ăn chịu” với nhau rồi, nên rất khó “chia tay”. “Được cái, mấy đêm mình thất trắng, vẫn có thể tạm ứng trước tụi nó một vài triệu đồng xoay xở”, ông Sáu ngáp dài, nói.
Tất nhiên, đường di cư ngược của đám bông lau bố mẹ đến nhà bảo sanh thiên nhiên luôn “lành ít dữ nhiều”. Nếu chúng may mắn thoát các ải đầu – lưới đèn: Vàm Nao, Tân Lộc (Thốt Nốt – Cần Thơ)… vẫn còn vô số hiểm nguy chực chờ phía trước.
“Loài Pangasius krempfi (cá bông lau) vượt thác Khône (Lào), từ tháng 5 – 7; và cũng bị khai thác thường xuyên bằng lưới rê dọc trung lưu sông Mekong – trong thời gian đó”, kỹ sư hải sản Nguyễn Văn Thường, dân miền Tây cho biết.
Sau đó, cá bột sẽ trôi dạt về hạ lưu. Lúc này, chúng rất cần những hệ sinh vật ven bờ làm giá thể để bám víu vào. “Nội chuyện làm bờ kè ở một số nơi, cũng gây trở ngại không ít cho chúng. Luật Bảo vệ nguồn lợi thủy sản của nước ta đã quy định cấm đánh bắt cá tôm trong mùa sinh sản.
Thế nhưng, những văn bản hướng dẫn thực thi luật, cũng như tìm các giải pháp thay thế thì chưa tới nơi tới chốn”. Ví dụ, nếu cấm ngặt, giăng bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao vào mùa này, thì có sinh kế mới gì thay thế, để dân nghèo địa phương nuôi vợ nuôi con?