Nữ tướng bắt xăng gian: "Nếu lo sợ, tôi đã không làm"

Được ca ngợi vì thành tích trong công tác chống gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu, nhưng bà Đỗ Ngọc Thanh Phương cho rằng, đây là chiến công của tập thể.

Bà Thanh Phương và đồng nghiệp trong một lần nhập vai khách mua xăng. Ảnh: NVCC.
Bà Thanh Phương và đồng nghiệp trong một lần nhập vai khách mua xăng. Ảnh: NVCC.

Là Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học Công nghệ) Đồng Nai, bà Đỗ Ngọc Thanh Phương (36 tuổi), vừa được bằng khen của Thủ tướng, nhờ thành tích chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Bà Phương nhận được ghi nhận nói trên khi vừa mới nhậm chức được 4 tháng.

Zing.vn đã có cuộc trao đổi với nhân vật được mệnh danh là "nữ tướng bắt xăng gian" ở Đồng Nai.

Động lực nào thúc đẩy bà đích thân tìm hiểu để vạch trần gian lận trong hoạt động bán xăng trên địa bàn tỉnh?

- Trên cương vị làChi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai), với tôi, động lực là làm đúng cái tâm của mình trong vị trí chuyên môn, sự quyết tâm và thống nhất cao của cả tập thể. 

Nếu không có những đồng nghiệp cùng chí hướng, không ngại khó ngại khổ, không ngại gian nguy bên mình thì hoạt động này không thể thành công.

Mặt khác, sau 8 tiếng đi làm, tôi cũng là người tiêu dùng như bao người khác, cũng mong mua được xăng đúng giá, đủ lượng.

Bằng cách nào bà có thể tổ chức triển khai, phát hiện hàng loạt sai phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ trong chưa đầy 5 tháng?

- Được sự đồng ý của lãnh đạo, chúng tôi đóng giả làm khách mua xăng để phát hiện sai phạm trong đo lường tại các đại lý bán xăng nhỏ lẻ. Với các đại lý vi phạm nhiều lần, có nhiều chiêu thức chống chế tinh vi, chúng tôi tổ chức đoàn kiểm tra bất ngờ trong đêm.

Ở cách nhập vai làm khách hàng, tôi xách 2 can nhựa tới một trạm xăng thuộc tập đoàn Nhà nước, mua một can dầu, một can xăng với giá 200.000 đồng mỗi can. 

Sau đó, cũng với số tiền và 2 vỏ can trên, chúng tôi lại đi mua ở các cây xăng dầu tư nhân. So sánh chênh lệch, tôi nhận thấy lượng xăng đổ ở nhiều đại lý tư nhân ít hơn khoảng 10%.

Trong kinh doanh xăng dầu, những cây xăng thuộc tập đoàn Nhà nước thường ít có khả năng gian lận. Trong khi đó, những đại lý xăng dầu thuộc quản lý tư nhân thường dễ xảy ra vi phạm hơn.

Cả nhóm làm đồng bộ và quyết liệt nên đạt hiệu quả khá tốt. Đối với nhiều đại lý sai phạm nhiều lần, có mánh lới, chúng tôi phải kết hợp nhiều cách, phối hợp hoạt động vất vả, không quản ngày đêm mai phục mới bắt được tận tay sai phạm.

Bà có thể cho biết kết quả cụ thể của hoạt động thanh kiểm tra vừa triển khai?

- Đầu năm 2015, tôi chuyển công tác về Chi cục tiêu chuẩn đo lường thì từ tháng 3 tới tháng 7/2015, đội của tôi đã phát hiện 53 trạm xăng vi phạm đo lường và chất lượng, phạt số tiền trên 5 tỷ đồng.

Sau đó, gần 350 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (kể cả đã phát hiện sai phạm hoặc chưa) trên địa bàn lần lượt làm đơn xin sửa chữa và kiểm định lại các trụ bơm xăng.

Vậy kiểm tra bí mật và công khai khác nhau về hiệu quả như thế nào, thưa bà?

- Ở các đợt kiểm tra công khai, chúng tôi tổ chức đi theo đoàn. Tuy nhiên, sau quá trình quan sát và tiếp thu ý kiến người dân, tôi cùng các đồng nghiệp nhận thấy cách làm này không ổn.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm nhưng có thừa thời gian để đối phó với đoàn kiểm tra. Kết quả vì vậy không chính xác.

Rút kinh nghiệm, chúng tôi chọn cách làm bí mật, hoạt động ngầm, nhằm tạo yếu tố bất ngờ. Lãnh đạo cấp trên nhận thấy phương án này hợp lý nên phê duyệt. Bằng cách “đánh” bất ngờ, nhiều đại lý sai phạm bị động, không kịp xoay sở.

Nữ tướng bắt xăng gian:
Nữ cán bộ đo lường cùng đoàn công tác một lần "mai phục" đại lý xăng dầu trong đêm. Ảnh: NVCC.

Thực trạng vi phạm về đo lường xăng trong kinh doanh không chỉ diễn ra ở Đồng Nai. Việc làm của cá nhân bà tại một địa bàn liệu có chỉ như "muối bỏ bể" hay không?

- Thực tế, tôi tự nhận thấy hiệu quả làm việc của cá nhân và tập thể vẫn còn hạn chế. Những gì đã làm được chỉ trong phạm vi chuyên môn của mình. 

Nhưng chính trong phạm vi chuyên môn, trên địa bàn chuyên trách, chúng tôi cũng đang có rất nhiều việc phải làm. Do vậy, tôi chỉ mong đội của mình sẽ làm tốt trước hết ở tỉnh mình.

Còn mỗi tỉnh sẽ có cách giải quyết vấn đề riêng. Tôi tin các đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh cũng đang nỗ lực vì sự công bằng về lợi ích của người tiêu dùng.

Bà có lo sự an toàn của bản thân sau khi những địa chỉ làm ăn sai trái bị phanh phui?

- Nếu lo lắng thì chúng tôi đã không làm. Bản thân tôi thấy đam mê công việc và hoàn toàn an tâm khi có các đồng đội luôn sát cánh ở bên, lãnh đạo chỉ huy trực tiếp. Chúng tôi đang cố gắng để hướng tới một môi trường mua-bán xăng “sạch” ở Đồng Nai.

Bà nghĩ sao về danh hiệu "nữ tướng bắt xăng gian" mà mọi người đang gọi ?

- Như tôi đã nói, những việc tôi làm dựa trên cái tâm và đam mê. Đồng thời, đây lại là công việc thuộc lĩnh vực chuyên trách. Vì vậy, tôi phải nỗ lực hoàn thành tốt công việc.

Chưa kể, nếu nói là chiến công thì thành công này là công sức của cả một đội ngũ đã hỗ trợ tôi và phối hợp với nhau hoạt động hiệu quả, chứ không thể coi đây là thành quả cá nhân được.

Nữ tướng bắt xăng gian:
Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương có nhiều thành tích trong công tác phòng chống gian lận xăng dầu. Ảnh: NVCC.

Phương án “nhập vai” và “mai phục” khi đã lỗi thời, bà và đội của mình đã có ý tưởng nào cho hoạt động kế tiếp?

- Thực tế, chúng tôi đang lên một kế hoạch dài hơi và triệt để hơn, nhằm ngăn chặn sai phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

Như từ trước tới nay chúng ta vẫn biết, trong mỗi cây xăng đều có bộ phận IC do nhà sản xuất cài đặt, được tiêu chuẩn đo lường chất lượng duyệt cho lưu hành.Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân và bằng cách nào đó, sai phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại, khó phát hiện và kiểm soát.

Vì vậy, hiện chúng tôi đang tiến hành chuẩn hóa lại IC bao mạch cho hàng loạt cột đo xăng dầu, nhằm đảm bảo việc đo lường được chính xác, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Xin cảm ơn bà!

Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương nguyên là Trưởng phòng Pháp chế thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Từ đầu tháng 3, bà được bổ nhiệm giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở KHCN Đồng Nai.

Trong 5 tháng, từ tháng 3 - 7/2015, nhờ phương án triển khai hiệu quả, bà Thanh Phương cùng đoàn kiểm tra đã phát hiện 53 trạm xăng vi phạm đo lường và chất lượng, số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng. Gần 350 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn lần lượt làm đơn xin sửa chữa và kiểm định lại các trụ bơm xăng.

Trước khi được Thủ tướng khen thưởng, vào đầu tháng 9, tức sau 4 tháng nhậm chức, bà Phương cũng đã nhận bằng khen đột xuất của Bộ KHCN, vì thành tích chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ