Nữ tiến sĩ chữa bệnh nan y cho cây có múi

GD&TĐ - Vàng lá thối rễ là bệnh "nan y" trên cây có múi. Giúp người dân giảm thiệt hại, TS Phạm Thị Phương Thúy (Trường ĐH Trà Vinh) đã nghiên cứu sản phẩm hữu cơ sinh học giúp cây hồi sinh.

TS Phạm Thị Phương Thúy bên vườn bưởi xanh tốt sau khi được phục hồi.
TS Phạm Thị Phương Thúy bên vườn bưởi xanh tốt sau khi được phục hồi.

TS Phạm Thị Phương Thúy hiện là Phó trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh).

Cứu cây có múi khỏi cảnh đốn hạ

Từ lâu, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi luôn là bài toán nan giải đối với bà con nông dân. Nhận thấy những khó khăn đó, nhóm nghiên cứu do TS Phạm Thị Phương Thúy là tác giả chính đã nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sinh học giúp phục hồi bộ rễ trên cây có múi với chi phí thấp nhất.

Theo TS Phạm Thị Phương Thúy, với hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh đã nghiên cứu, bà con nông dân sẽ giảm đáng kể chi phí phân bón vô cơ hàng năm. Hơn nữa bà con sẽ không cần sử dụng thêm bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Từ đó giảm sự ô nhiễm môi trường, cũng như tác động của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nguồn nước ngầm.

Theo chia sẻ của người dân trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi… bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi là một trong những bệnh đang gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn. Nhiều vườn cây nhiễm bệnh sẽ bị chặt bỏ do không còn năng suất.

Khi bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện, lá cây có biểu hiện vàng, không chỉ vàng ở những lá non mà còn vàng ở những lá già. Nguyên nhân của vàng lá là do vấn đề hấp thu dinh dưỡng của cây gặp yếu tố bất lợi, dẫn đến một số nguyên tố dinh dưỡng không thể được hấp thụ…

Với hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh đã được TS Phạm Thị Phương Thúy cùng cộng sự nghiên cứu sử dụng hai dòng vi sinh vật do nhóm chọn và phát triển. Với giải pháp này, đầu tiên sẽ đưa vào đất chủng vi sinh vật để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Điều này sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy tiết ra do rễ cây bị tổn thương và “dọn dẹp” những tàn dư hữu cơ còn dở dang, giúp cho đất trở nên thông thoáng, khoẻ hơn.

Sau đó, sẽ đưa vào đất những nguyên tố khoáng đa, trung và vi lượng bị thiếu trong quá trình canh tác trước đó. Sau khi bộ rễ đã bắt đầu phục hồi, sẽ tiếp tục sử dụng đưa vào đất những dinh dưỡng trên nền hữu cơ. Lúc này rễ non đã phát triển, hấp thu dinh dưỡng và khoẻ hơn, giúp cây phục hồi tốt hơn.

TS Phạm Thị Phương Thúy - tác giả chính nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sinh học giúp phục hồi bộ rễ trên cây có múi.
TS Phạm Thị Phương Thúy - tác giả chính nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sinh học giúp phục hồi bộ rễ trên cây có múi.

Hồi sinh cây có múi

Qua nghiên cứu thực nghiệm của nhóm nhà khoa học của Trường ĐH Trà Vinh tại một số vườn bưởi tại huyện Châu Thành (Trà Vinh), chi phí phục hồi cho mỗi cây chỉ  khoảng 50.000 đồng.

Điều này mở ra hướng mới trong canh tác bền vững cây có múi, đặc biệt là trên cây bưởi. Theo TS Phạm Thị Phương Thúy, hiện nay giải pháp này đã thực hiện trên cây bưởi và cây cam, đây là hai loại cây chiếm phần lớn diện tích cây có múi của cả nước.

Theo ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành (Trà Vinh),  vườn bưởi của ông hơn 6 năm tuổi, cho trái được hai mùa nhưng có 6 cây bị bệnh vàng lá thối rễ. Nhờ áp dụng quy trình phục hồi của Trường ĐH Trà Vinh nên ông không phải đốn bỏ cây bưởi nào. Hiện các cây đã cho ra chồi non mới, rất khoẻ mạnh.

“So sánh giữa trước và sau khi phục hồi thấy rất khác biệt, nhất là chồi non dài, dày và khoẻ hơn. Một số lá vàng trước đó cũng chuyển màu xanh”, ông Thuận cho biết.

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, trường ưu tiên thực hiện các dự án triển khai sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại; chú trọng đầu tư vào các nghiên cứu có thế mạnh, ưu tiên phục vụ cộng đồng và gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các sở ngành trong và ngoài tỉnh để đặt hàng nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ…

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp luôn được nhà trường dành sự quan tâm đặc biệt. Đây được xem là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bám sát định hướng, ứng dụng nghề nghiệp.

Quỹ khởi nghiệp, quỹ nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên không ngừng được đầu tư mở rộng. Các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên luôn được gắn liền với hoạt động khởi nghiệp của nhà trường với số lượng và quy mô tăng dần qua từng năm…

Theo khảo sát của các chuyên gia, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long thường xuất hiện ở những khu vườn thâm canh quá mức. Tại các vùng chuyên canh cây có múi, bệnh vàng lá thối rễ có thể thiệt hại đến 30%. Trước đây, giải pháp của nông dân là đốn bỏ để trồng lại cây khác hoặc cải tạo lại đất để trồng lại cây có múi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.