Nữ thủ khoa người Mường "bật mí" bí quyết ôn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Để đạt điểm cao, nữ thủ khoa người Mường, em Phạm Thị Thắm (Thanh Hóa) cho rằng, cần có sự kết hợp nhiều yếu tố. Đặc biệt, các thí sinh cần giữ tâm lý vững vàng, tự tin khi bước vào phòng thi.

Chân dung nữ thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 – Phạm Thị Thắm.
Chân dung nữ thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 – Phạm Thị Thắm.

Đọc kỹ đề, tránh sai sót không đáng có

Những ngày này, em Phạm Thị Thắm (K71 Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đang dành thời gian học hè. Nữ sinh viên vừa hoàn thành chương trình học năm thứ nhất của nhà trường.

Phạm Thị Thắm là nữ sinh người dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thắm đã xuất sắc trở thành nữ thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa, với số điểm trần là 28,75 điểm. Trong đó, Ngữ văn được 9,25 điểm, Lịch sử và Địa lý mỗi môn cùng 9,75 điểm.

Chia sẻ bí quyết ôn thi tốt nghiệp của mình, Thắm bộc bạch: “Mỗi môn học, em thường dành thời gian ôn tập khác nhau, phù hợp với năng lực của bản thân. Em cũng không thức khuya mà thường dậy sớm để học, như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều”.

Nữ thủ khoa xứ Thanh cho rằng, các môn khối C rất đặc thù, vì vậy đòi hỏi phải có phương pháp học tập khác nhau cho từng môn học. Cụ thể, với môn Ngữ văn, điều đầu tiên thí sinh cần lưu ý là nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK).

Nữ thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 hiện đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nữ thủ khoa khối C của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 hiện đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Phần đọc hiểu cần xác định rõ phương thức biểu đạt cũng như phong cách ngôn ngữ, thể thơ, biện pháp tu từ… Trong khi đó, phần nghị luận xã hội cần nắm rõ bố cục. Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản rồi, các bạn cũng nên đọc thêm lý luận văn học, những tác phẩm có nét tương đồng để mở rộng và nâng cao kiến thức.

Đặc biệt, cần tránh cách trình bày lan man, không trúng vấn đề, trình bày dài nhưng không đủ ý chính…”, Thắm chia sẻ.

Với môn Lịch sử và Địa lý, theo Phạm Thị Thắm, cần tránh học vẹt, học tủ. Thay vào đó, nên hệ thống hóa kiến thức theo sơ đồ tư duy, từ đó tránh bỏ sót nhiều kiến thức quan trọng.

“Cùng với việc học, các bạn cũng nên kết hợp làm các dạng đề. Tuy nhiên, cần thực hiện với thái độ nghiêm túc chứ không phải làm qua loa cho xong rồi xem đáp án. Khi làm đề, cần hiểu rõ vấn đề trong từng câu để xử lý một cách hợp lý”, nữ sinh Phạm Thị Thắm chia sẻ.

Để tránh những sai sót không đáng có, Thắm lưu ý, thí sinh cần đọc kỹ đề bài. Đồng thời, phân tích kỹ đề hỏi gì để tìm ra câu trả lời phù hợp. Các bạn thí sinh cũng có thể gạch chân dưới từ khóa chính của câu hỏi, nhận biết trọng tâm của câu hỏi ở đâu để tìm ra đáp án chính xác.

“Điều đặc biệt là cần tin tưởng vào bản thân mình, không nên hoang mang, do dự trước đáp án mình chọn để không dẫn tới điều hối tiếc khi ra khỏi phòng thi”, Thắm nói.

Ôn thi không quên giải lao, “xả stress”

Nữ thủ khoa người Mường, Phạm Thị Thắm khuyên rằng, ôn thi tốt nghiệp ở giai đoạn “nước rút”, thí sinh cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng. “Học tập cũng phải kết hợp với giải lao, vui chơi một cách hợp lý mới đạt hiệu quả cao”, Thắm bộc bạch.

Theo nữ sinh Phạm Thị Thắm, để đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT cần có sự kết hợp nhiều yếu tố. Ngoài siêng năng cũng cần có khả năng tư duy cùng phương pháp ôn tập phù hợp. Đặc biệt, ở kỳ thi nào, thí sinh đều phải có tâm lý vững vàng, tự tin khi bước vào phòng thi và thêm một chút may mắn.

Phạm Thị Thắm (bìa trái) tham gia câu lạc bộ xung kích của khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phạm Thị Thắm (bìa trái) tham gia câu lạc bộ xung kích của khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Thắm hiện đang là Đảng viên dự bị ở độ tuổi 19, nữ sinh xứ Thanh luôn nhắn nhủ bản thân học tập thật tốt, tích cực tham gia các hoạt động tập thể để trở thành Đảng viên trẻ chính thức.

“Lý tưởng sống của em là trở thành cô giáo dạy giỏi, đem những tri thức quý báu mà mình biết truyền đạt cho thế hệ học sinh sau này. Qua đó, góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giáo dục của đất nước”, Thắm bộc bạch.

Chia sẻ về những khó khăn có thể phải trải qua trong tương lại, Thắm niềm nở nói: “Nhiệm vụ của giáo viên là dạy cái chữ, dạy tri thức cho học sinh. Vì vậy, em nghĩ dù có khó khăn như thế nào thì bản thân cũng sẽ nỗ lực vượt qua”.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chốt lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trong hai ngày 7/7 và 8/7. Trước hôm diễn ra kỳ thi chính thức một ngày (ngày 6/7), thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Ngày 9/7 là ngày thi dự phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ