Học sinh miền núi ôn thi tốt nghiệp: Vắng cha còn thầy!

GD&TĐ - Bước vào giai đoạn “chạy nước rút” ôn thi tốt nghiệp, ngoài kiến thức thì tâm lý và sức khỏe được xem là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng.

Mỗi giáo viên đều trong tâm thế sẵn sàng lên lớp, kể cả ngoài giờ khi có yêu cầu hoặc đăng ký từ học sinh.
Mỗi giáo viên đều trong tâm thế sẵn sàng lên lớp, kể cả ngoài giờ khi có yêu cầu hoặc đăng ký từ học sinh.

Với nhiều học sinh lớp 12 ở Điện Biên, thời điểm này thầy cô vừa là điểm tựa, vừa là bạn đồng hành thay cha mẹ chăm lo mọi bề… 

“Điểm tựa” tâm lý

Lường Văn Cương, lớp 12C1, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông xuất thân trong một gia đình khó khăn ở bản vùng cao Chóng A, xã Xa Dung. Vì mưu sinh, bố mẹ Cương phải đi làm ăn xa nên gần như “giao khoán” con cho thầy cô ở trường. Từ lâu, Cương xem cô giáo Nguyễn Thị Tào như người mẹ thứ 2. Đặc biệt, thời gian vừa qua, đứng trước bước ngoặt quan trọng của 12 năm đèn sách, cô Tào luôn bên cạnh chia sẻ, động viên và định hướng để Cương tự tin lựa chọn hướng đi cho mình.

Cương tâm sự, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lúc đầu, em nghĩ chỉ đăng ký thi lấy bằng tốt nghiệp rồi đi làm thuê kiếm tiền. Tuy nhiên, cô Tào đã phân tích giúp Cương nhìn nhận đúng về lực học của mình cũng như hoàn cảnh gia đình để thay đổi quyết định.

“Cô giáo bảo em có lực học khá, nếu không thi đại học sẽ bỏ lỡ cơ hội có thể thay đổi cuộc đời. Em đã nghe lời cô khuyên, đăng ký thi Học viện Chính trị. Vì đây là ngôi trường được miễn học phí và dễ sắp xếp, bố trí công việc sau tốt nghiệp. Được cô động viên nên hiện nay em đã yên tâm hơn, tập trung ôn thi để phấn đấu đạt kết quả tốt nhất”, Cương bộc bạch.

Không riêng Cương, lớp 12C1 có 32 học sinh thì mỗi em đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Cô Tào là chủ nhiệm nên nắm rõ lực học, cũng như hoàn cảnh của từng em. “Học sinh ở đây đều có một điểm chung là ở vùng khó nên thiếu nhạy bén và ít được tiếp cận với thông tin. Bởi vậy, các em cần người hiểu để đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp”, cô Tào nói.

Cũng theo chia sẻ của cô Tào, do đặc thù là trường nội trú nên học sinh chủ yếu ở xa nhà. Suốt thời gian dài vừa qua dịch bệnh, các em phải ở lại trường nên phần nào ảnh hưởng tâm lý. Bởi vậy, bước vào giai đoạn quan trọng này, bên cạnh những giờ học trên lớp, giáo viên phải là những người bạn thật sự để chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc trong cả học tập và cuộc sống. Từ đó, giúp các em ổn định tâm lý, yên tâm học tập.

Theo đánh giá của thầy Vũ Xuân Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mỗi giáo viên chủ nhiệm đều thể hiện được tối ưu vai trò của mình trong việc ổn định tâm lý và trở thành “điểm tựa” cho học sinh. Thầy cô còn đồng hành với các em trong suốt quá trình học tập, nhất là vào giai đoạn nước rút.

“Thầy cô luôn sát sao để phối hợp chặt chẽ cùng Ban giám hiệu, các đoàn thể tổ chức tốt hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chỉ khi các em yên tâm, ổn định tâm lý thì mới thoải mái, không còn áp lực. Bởi vậy, mọi vướng mắc liên quan đến quá trình ôn tập và thi cử đều được nhà trường tìm cách tháo gỡ. Đặc biệt là các hoạt động tư vấn mùa thi, cách làm hồ sơ, chọn trường…”, thầy Hồng cho hay.

Còn tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, thời gian vừa qua, tổ tư vấn tâm lý gần như hoạt động “hết công suất”. Cô Vũ Phương Thanh, Phó Bí thư Đoàn trường, cho biết, để đảm bảo chất lượng, nhất là an toàn dịch bệnh trong thời gian qua, tổ tư vấn hoạt động theo từng đơn vị lớp. Ngoài phổ biến quy chế thi, tuyển sinh đại học, tổ tư vấn còn giúp học sinh giải tỏa các vướng mắc, cân bằng tâm lý.

“Học sinh khi có nhu cầu tư vấn tâm lý sẽ được đăng ký theo 2 hình thức. Một là trao đổi chia sẻ trực tiếp với cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Hai là đăng ký với tổ tư vấn và được lựa chọn thầy cô để chia sẻ. Tuy nhiên, do còn e ngại nên chủ yếu các trường hợp đều do giáo viên nắm bắt. Trên cơ sở đó phối hợp với tổ tư vấn để chủ động tìm gặp, trò chuyện, tháo gỡ cho các em”, cô Thanh cho hay.

Ngoài việc chú trọng chất lượng thì mỗi bữa ăn học sinh còn được đăng ký theo sở thích.
Ngoài việc chú trọng chất lượng thì mỗi bữa ăn học sinh còn được đăng ký theo sở thích.

Ăn theo sở thích

Cũng tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, theo thầy Hiệu trưởng Vũ Trung Hoàn cho biết, bước vào giai đoạn này học sinh nhà trường được đăng ký “ăn theo sở thích”. Theo đó, lịch ăn sẽ được xây dựng theo từng tuần, dựa trên đăng ký từ các lớp báo về.

“Nhà trường vẫn chủ động xây dựng chế độ ăn cho các em theo lịch cố định mỗi tuần, với việc bổ sung các món giàu dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt đang bước vào mùa nắng, nóng nên sẽ ưu tiên các món dễ tiêu, canh, rau củ... Sau mỗi bữa, các em có thể phản hồi lại hoặc đăng ký món cho tuần mới với giáo viên chủ nhiệm. Thứ 6 hàng tuần giao ban, dựa trên trao đổi của giáo viên, bếp ăn sẽ có điều chỉnh cho phù hợp”, thầy Hoàn cho hay.

Theo thầy Hoàn phân tích, mặc dù đây là việc làm nhỏ, song lại có tác động lớn đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Bởi khi các em hào hứng, thích thú với từng bữa ăn, không chỉ tạo tâm lý thoải mái, mà còn giúp ăn ngon, nhiều. Qua đó tăng cường, đảm bảo sức khỏe phục vụ học tập.

Việc đăng ký bữa ăn theo sở thích cũng được áp dụng và phát huy hiệu quả tại Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông. Theo thầy Phó Hiệu trưởng – Vũ Xuân Hồng, nhà trường chỉ đạo bếp ăn thường xuyên thay đổi món, ưu tiên các loại thực phẩm tại địa phương để vừa đảm bảo chất lượng, rõ ràng nguồn gốc, mà giá thành rẻ sẽ tăng cường được số lượng.

“Đa phần các em ở đây đều thích món ăn chế biến từ gà, thịt lợn. Ngoài các món truyền thống thì thỉnh thoảng bếp ăn sẽ thay đổi cách chế biến để kích thích khẩu vị của học sinh. Tất nhiên, mỗi thay đổi đều dựa trên nguyện vọng đăng ký của các em. Bếp sẽ phục vụ theo số đông học sinh đăng ký”, thầy Hồng nói.

Mặc dù không phải trường nội trú, song Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) cũng có hơn 100 học sinh là con em ở các bản xa trung tâm được bố trí ăn, nghỉ bán trú tại chỗ. Cô Lê Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thời điểm ôn thi tốt nghiệp căng thẳng lại đúng là mùa nắng, nóng, gió Tây. Bởi vậy, việc chăm lo ăn, nghỉ cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Làm sao tạo tâm lý, sức khỏe tốt nhất cho các em.

“Bên cạnh việc tạo sự thoải mái trong từng bữa ăn, giấc ngủ, như: Vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nơi ăn, nghỉ, bổ sung hệ thống quạt… nhà trường ưu tiên hàng đầu cho công tác an toàn. Từ việc lựa chọn thực phẩm, chặt chẽ trong khâu chế biến, trước mỗi bữa ăn nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu bảo quản để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Khâu tổ chức bữa ăn cũng được thực hiện phân chia thành ca, theo từng khối lớp, nhằm đảm bảo giãn cách”, cô Oanh chia sẻ.

Giáo viên Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông thường xuyên chia sẻ, động viên các em ngoài giờ lên lớp.
Giáo viên Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông thường xuyên chia sẻ, động viên các em ngoài giờ lên lớp.

Học theo nhu cầu

Đến Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên những ngày này, không khó để cảm nhận tinh thần hăng say học tập của học sinh khối 12. Lò Thị Kiểng, lớp 12B chia sẻ: Do kết quả của kỳ thi tốt nghiệp có thể dùng để xét tuyển vào nhiều trường đại học, nên hiện nay em đang tập trung giải và làm quen với đề minh họa cũng như các đề thi tham khảo của một số trường từ năm trước.

“Trong quá trình tự ôn và giải đề, gặp vướng mắc chúng em sẽ hỏi các thầy cô bộ môn. Dựa trên những câu hỏi mà chúng em đặt ra, thầy cô sẽ có hướng dẫn, giải đáp hoặc gợi ý cho từng bạn. Như thế, chúng em sẽ thoải mái trong quá trình ôn luyện, vừa phát huy tính chủ động của mỗi bạn, lại vừa có trọng tâm, trọng điểm hơn”, Kiểng tâm sự.

Cô Lê Thị Kim Ngân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, năm học này toàn trường có 99 học sinh khối 12. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, song đến thời điểm này học sinh đã cơ bản hoàn thành chương trình năm học và sẽ kết thúc trong tháng 4.

“Do bám sát phương châm học đến đâu, ôn tập chắc kiến thức đến đó, nên hiện nay học sinh không còn chịu áp lực về kiến thức mới. Sau khoảng thời gian này, trường sẽ dồn lực ôn luyện, củng cố kiến thức, rèn kỹ năng làm bài cho các em. Việc ôn luyện này dựa trên nhu cầu của từng đối tượng học sinh”, cô Ngân cho hay.

Tương tự, tại Trường THPT Thanh Nưa, nhiệm vụ giảng dạy của cô giáo Lê Thị Hằng thời điểm này không phải cung cấp kiến thức mới, mà bước sang giai đoạn rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ khối lượng kiến thức học sinh đã nắm bắt được.

“Hiện nay, lịch ôn tập chính khóa sẽ tổ chức vào buổi sáng. Buổi chiều, tối và các ca lỡ sẽ tổ chức giải đáp vướng mắc, củng cố kỹ năng nhận dạng đề, giải đề trên cơ sở đăng ký nguyện vọng của từng em. Giáo viên sẽ phải xác định các em cần gì, hổng ở đâu để xây dựng kế hoạch phụ đạo, củng cố và hướng dẫn phù hợp”, cô Hằng nói.

Để đánh giá chính xác trình độ của học sinh, từ đó có định hướng ôn thi phù hợp với từng em, Trường THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên) đã tổ chức 2 kỳ kiểm tra chất lượng. Qua khảo sát, nhà trường xác định có khoảng 20 học sinh thuộc nhóm nguy cơ trượt. Nhóm này hiện nay được tách riêng, dựa trên nguyện vọng của phụ huynh và học sinh đăng ký, nhà trường có kế hoạch ôn tập cụ thể, phù hợp.

Theo đánh giá của thầy Vũ Xuân Hồng, Hiệu phó Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông, mặc dù đang bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút”, song hơn 100 học sinh khối 12 nhà trường đều có tâm lý ổn định, thoải mái tư tưởng. Do là trường nội trú, nên thời gian qua toàn bộ học sinh được bố trí ở tại chỗ và vẫn tham gia học trực tiếp. Bởi vậy, việc tiếp thu kiến thức không bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, đơn vị đã tổ chức ôn thi xong giai đoạn 1 và chuyển sang giai đoạn 2 khi có đề thi minh họa của Bộ. Sau mỗi đợt ôn tập sẽ có thi thử, đánh giá chất lượng. Với những học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn, trường tập hợp lại thành những nhóm nhỏ, dựa trên đăng ký của học sinh để phân công thầy cô phụ đạo. Bởi vậy, trong giai đoạn này, mỗi giáo viên đều trong tâm thế sẵn sàng lên lớp, kể cả ngoài giờ khi có yêu cầu”, thầy Hồng chia sẻ.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, số hóa tài nguyên giáo dục mở và nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị số để truy cập tài nguyên giáo dục số cho người dân là 2 việc phải được phát triển song hành. Mặt khác, các lớp học, khóa học trực tuyến được mở ra tại các cơ sở đại học sẽ tạo nên một phương thức học tập thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Trong thế giới hiện đại, việc học tập tại nhà và tại nơi làm việc đang là một xu thế được nhiều quốc gia quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ