Giúp trò vững tâm ôn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Là khóa đầu tiên có thời gian học trực tuyến nhiều nhất từ trước đến nay, bởi vậy Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây càng thêm thách thức với học sinh miền núi.

Cô Phạm Thị Huyền (Trường THPT Thanh Chăn) thường xuyên trao đổi để kịp thời nắm bắt, ổn định tâm lý cho học sinh.
Cô Phạm Thị Huyền (Trường THPT Thanh Chăn) thường xuyên trao đổi để kịp thời nắm bắt, ổn định tâm lý cho học sinh.

Bằng nhiều phương pháp khác nhau, các trường tại Điện Biên đã và đang nỗ lực để giúp trò vững tâm hơn.

Khó đâu “gỡ” đó

Đang vào giai đoạn “nước rút” kết thúc chương trình học kỳ II, song Quàng Thị Thảo, lớp 12C5, Trường THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên) phải nghỉ học ở nhà do mắc Covid-19. Nhà Thảo ở bản Xa Cuông, xã Pa Thơm, cách trường hơn 30km và không có mạng Internet để học trực tuyến.

Thảo tâm sự: “Hàng ngày, em vẫn lên nhóm Zalo của lớp để cập nhật nội dung, hướng dẫn, bài tập của các môn học do cô giáo chủ nhiệm tập hợp và gửi để tự học ở nhà. Vướng mắc, không hiểu chỗ nào em sẽ nhắn hoặc gọi điện trực tiếp cho thầy cô bộ môn hoặc thông qua cô chủ nhiệm nên vẫn theo kịp chương trình của lớp”.

Theo cô Phạm Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Thanh Chăn, không riêng Thảo, thời gian qua, lớp 12C5 do cô chủ nhiệm liên tục có học sinh phải nghỉ học do mắc Covid-19 hoặc là F1. Bên cạnh triển khai các hoạt động dạy học linh hoạt theo từng địa bàn, hoàn cảnh cụ thể của mỗi học sinh, cô Huyền cũng thường xuyên nắm bắt và ổn định tâm lý cho các em.

“Thông qua nhóm Zalo của lớp, sau mỗi bài giảng tôi sẽ nắm bắt được các em vướng ở đâu, chưa hiểu chỗ nào để kịp thời tháo gỡ. Riêng với trường hợp là F0, F1 buộc phải nghỉ học, không thể tham gia làm bài kiểm tra, thi giữa kỳ, cuối kỳ, chúng tôi sẽ gửi bài hoặc bố trí thi bổ sung sau. Bởi vậy, các em cũng yên tâm hơn”, cô Huyền chia sẻ.

Năm học này, Trường THPT Thanh Chăn có 254 học sinh khối 12. Trong đó chỉ có khoảng 90 em đăng ký xét tuyển đại học, số còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp. “Ngay từ đầu, trường phân loại học sinh theo nguyện vọng, năng lực của từng em. Trên cơ sở đó xây dựng, triển khai kế hoạch giảng dạy và tư vấn, định hướng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bởi vậy, các em đều có tâm lý học tập thoải mái, không bị áp lực”, cô Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Còn tại Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên Đông, năm học này có 106 học sinh khối 12 tham gia Kỳ thi tốt nghiệp. Theo thầy Vũ Xuân Hồng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, muốn học sinh vững tin trước tiên phải giúp các em làm chủ kiến thức. Bởi vậy, trong quá trình học tập và ôn luyện, giáo viên đẩy mạnh tương tác với học sinh.

“Các em chưa nắm chắc phần kiến thức nào sẽ được bổ sung ngay phần đó. Thầy cô cũng tập trung hướng dẫn học sinh cách giải các dạng bài khác nhau, chỉ ra những lỗi sai thường mắc và cách khắc phục. Rèn kỹ năng luyện đề, mẹo giải bài, làm trắc nghiệm, tự đánh giá đúng năng lực bản thân sau khi hoàn thành mỗi câu hỏi, đề thi... Từ đó, mỗi em có sự điều chỉnh phù hợp”, thầy Hồng nói.

Nhiều trường THPT ở Điện Biên vẫn linh hoạt triển khai ôn thi với quyết tâm giữ vững kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TG
Nhiều trường THPT ở Điện Biên vẫn linh hoạt triển khai ôn thi với quyết tâm giữ vững kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: TG

Quyết tâm giữ vững thành quả

Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông) năm học này có 6 lớp khối 12, với hơn 240 học sinh. Theo thầy Nguyễn Hữu Đà - Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù đây là năm học chịu sự ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, song ban giám hiệu (BGH) vẫn đặt mục tiêu giữ vững thành quả đã có.

Để nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp, ngay từ đầu năm học trường chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch ôn luyện song song với chương trình học chính khóa. Ngoài ra, trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, với chuyên đề riêng về giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi.

“Thông qua các cuộc sinh hoạt chuyên môn, họp đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình dạy học, ôn tập… giúp BGH, các thầy cô kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh để điều chỉnh công tác giảng dạy, ôn tập cho phù hợp, hiệu quả, sát với thực tế”, thầy Đà cho hay.

Còn theo cô Nguyễn Thu Thủy, công tác giảng dạy, ôn luyện cho học sinh khối 12 tại Trường THPT Thanh Chăn được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”, học đến đâu ôn luyện đến đó. Đến thời điểm này, khung chương trình kiến thức lớp 12 cơ bản đã hoàn thành, nên “áp lực” công tác ôn tập giai đoạn tới không quá nặng nề.

Với quyết tâm giữ vững kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học trước, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức 4 lần thi thử, để học sinh có sự cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 lần thi thử đã tổ chức, trường xác định có khoảng 20 học sinh nằm trong nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp.

“Từ kết quả thi thử, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trực tiếp giảng dạy từng bộ môn lên kế hoạch chi tiết và phương pháp ôn luyện, củng cố kiến thức cho nhóm học sinh này. Làm sao để giảm dần số học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhắc nhở giáo viên chú ý sắp xếp lịch học hợp lý, kết hợp động viên, khích lệ để các em không bị áp lực, có tinh thần tốt nhất cho kỳ thi chính thức”, cô Thủy chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT tại Điện Biên đạt trên 98%. Mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, song theo đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương, mục tiêu phấn đấu trong kỳ thi sắp tới là giữ vững kết quả này. Với mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu năm học, sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động giáo dục theo phương châm: “Dạy học hiệu quả từng tiết học trên lớp; học đến đâu ôn tập, ôn thi đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ