Ngoài việc kiểm tra kiến thức, các trường còn tìm cách trang bị, củng cố cho các em những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng dự kiến vào tháng 7 tới.
Tăng cường rà soát, bổ trợ kịp thời
Thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Trường có khoảng 1.800 học sinh với hơn 600 em khối 12. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập và kiểm tra cho học sinh cuối cấp, đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập bám sát đề thi các năm của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, ngay từ đầu tháng 3, ngoài các môn bắt buộc như Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, trường đã cho các em lựa chọn môn thi thuộc khối Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tổ chức kiểm tra giữa kỳ theo tổ hợp đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với yêu cầu về hình thức, nội dung của đề thi tốt nghiệp THPT. Từ đó phân loại, tổ chức các lớp ôn tập miễn phí cho những em cần bổ trợ kiến thức. Khi Bộ ban hành đề tham khảo, nhà trường tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các bộ môn nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch ôn tập sát và phù hợp. Đặc biệt, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ II năm học 2021 - 2022 như kỳ thi thử để các em làm quen với cách ra đề, kiến thức và áp lực trước khi tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thầy Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định) chia sẻ: “Ngay sau khi có đề tham khảo, nhà trường triển khai tới các tổ bộ môn nghiên cứu, cho học sinh làm thử. Hiện gần 400 học sinh khối 12 cùng với hai khối còn lại đã hoàn thành bài kiểm tra giữa học kỳ II các môn; đồng thời hoàn thành nốt các chương trình kiến thức cuối năm cho các em”.
“Mỗi năm học, chúng tôi chia thành 4 giai đoạn gồm 8 tuần đầu kỳ I và hết kỳ I; 8 tuần kỳ II và ôn thi cuối năm. Sau khi kết thúc chương trình giáo dục của lớp 12 vào cuối tháng 5, thầy cô sẽ chuyển sang giai đoạn ôn thi tốt nghiệp. Khi đó, giáo viên sẽ ôn kiểu “bổ ngang”, tức đi theo từng chương, chủ đề để nhắc lại kiến thức cho học sinh. Sau đó sẽ ôn kiểu “bổ dọc”, tức sẽ phối hợp từ đầu đến cuối chương trình để các em có thể thi tốt. Thực hiện kế hoạch của Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12. Thời gian dự kiến thi thử hai đợt sẽ vào khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6; cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 (trước ngày thi chính thức từ 7 – 10 ngày) để các em tập dượt, làm quen với kỳ thi quan trọng này”, thầy Nguyễn Văn Cương cho biết.
Tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12
Là một trong đơn vị có nhiều giáo viên và học sinh nhiễm Covid-19, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình, trong đó có nội dung ôn thi THPT cho học sinh cuối cấp. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình trao đổi: Hiện số lượng thầy cô bị F0 còn rất ít, không còn học sinh nào thuộc diện F0.
Tuy nhiên, phải dạy và học trực tuyến trong thời gian quá dài cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Ngay sau khi được phép trở lại trường dạy học trực tiếp, nhà trường đã tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá lại kiến thức, kỹ năng, phân loại để có hướng bổ trợ kiến thức còn thiếu hụt cho các em. Đồng thời, nhà trường xây dựng kế hoạch từ nay cho đến lúc thi tốt nghiệp THPT 2022. Học sinh sẽ được ôn tập, tập trung vào những phần kiến thức trọng tâm, cơ bản nhất, kỹ năng cần thiết để các em làm bài đạt kết quả cao nhất.
“Đặc biệt, nhà trường cũng thay đổi cách giảng dạy nhằm giúp các em ngoài việc nắm được kiến thức còn biết vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tế. Ngoài việc thi tốt nghiệp THPT, trò có thể tự tin tham gia vào đợt kiểm tra, đánh giá năng lực của các trường đại học. Hiện khối 12 đã kiểm tra xong giữa học kỳ và hoàn thành thi thử tốt nghiệp THPT lần 2. Đa số có kết quả khả quan, nhưng vẫn còn một số em cần phải bổ trợ kiến thức cần thiết để sẵn sàng cho kỳ thi chính thức. Kỳ thi thử được tiến hành trực tiếp tại trường để đảm bảo tính khách quan, độ chính xác”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.
Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho biết thêm: Từ nay đến lúc thi chính thức, nhà trường dự kiến tổ chức thêm hai đợt thi thử nữa để giúp học sinh rèn luyện mặt tâm lý, kiểm tra năng lực của mình ở mức độ nào, cần bổ sung ra sao.
Khối 12 của Trường THPT Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) có 15 lớp với 677 học sinh. “Nhà trường đã có kế hoạch ôn tập cho các em 12. Đối với những em yếu kém, thầy cô bộ môn sẽ cho học ở những lớp phụ đạo riêng bắt đầu từ giữa tháng 4. Các em đã thi thử một đợt, dự kiến tháng 5 sẽ thi thử đợt 2”, cô Lê Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng nói.