Thành tích này của Dương - một học sinh con nhà nghèo, tàn tật, đã gây ngạc nhiên thích thú cho nhiều thầy cô giáo, bạn bè và người thân.
Cơn sốt bại liệt đã biến cậu bé có gương mặt khôi ngô Nguyễn Ngọc Ẩn (SN 1958, ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM) thành kẻ bất toại tứ chi, khi vừa tròn năm tuổi. Lúc đầu cậu bé Ẩn cũng trải qua không ít năm tháng sống trong mặc cảm, tự ti, khép kín và buông xuôi.
Nhưng bằng tình thương bao la của cha mẹ và sự tiếp sức của cả cộng đồng, dần dần Ngọc Ẩn cũng nguôi ngoai nỗi đau, cố gắng phấn đấu tự làm lấy những công việc cơ bản, để khỏi phiền hà đến ba mẹ. Ẩn còn phụ ba mẹ kiếm sống qua ngày bằng việc ngồi xe lăn đi bán vé số. Chứng kiến bạn bè đồng trang lứa từng bước xây dựng gia đình, có tổ ấm hạnh phúc, chàng thanh niên tàn tật cũng khát khao, nhưng lại đớn đau nhận ra đó chỉ là hão huyền.
Nhưng một mối lương duyên kỳ ngộ đã đến với Ẩn năm anh bước qua tuổi 36. Không ngại khó khăn, vất vả và tiếng đời thị phi, cô gái xinh xắn ngụ cùng ấp có tên là Phan Thị Tuyết Trinh (SN 1969) đã nguyện cùng anh đi đến cuối con đường.
Một năm sau, đứa con gái đầu lòng Nguyễn Hứa Phan Ngọc Thùy Dương (SN 1996) chào đời trong niềm hân hoan, sung sướng của cả hai bên gia đình nội, ngoại. Hạnh phúc càng thêm vẹn tròn khi anh chị tiếp tục đón chào sự ra đời của cậu con trai kế tiếp.
Hồi tưởng lại những gì đã trải qua, anh Ẩn dí dỏm: “Ngày đó khi cưới được Trinh, tôi có cảm giác sướng hơn... trúng số độc đắc, hạnh phúc lắm. Hai đứa nhỏ lần lượt chào đời khỏe mạnh mang đến cho tôi thêm nhiều giải... an ủi, nên mình mới có đủ nghị lực và dũng khí đi tiếp quãng đường dài còn lại”.
Để nuôi dạy các con nên người, vợ chồng anh Ẩn phải cố gắng gấp bội bởi anh thì tật nguyền, vợ cũng mang trong mình nhiều chứng bệnh. Như hiểu được hoàn cảnh của ba mẹ, ngay từ nhỏ Thùy Dương đã rất tự lập và học hành sáng dạ.
Từ năm lớp ba, ngoài giờ học, Dương thường đẩy xe lăn cùng ba đi bán vé số, bất chấp lời chọc ghẹo của bạn bè cùng trang lứa. Vất vả là thế nhưng năm nào cô bé cũng đạt học sinh giỏi, nên được thầy cô và bạn bè ở trường hết lòng yêu quý.
Thùy Dương với nụ cười tự tin
Để tiếp sức cho nữ sinh vượt khó học giỏi, từ năm tiểu học Dương đã được nhà trường xét duyệt nhận học bổng khuyến tài, khuyến học do Mạnh Thường Quân hoặc doanh nghiệp tài trợ. Để dành nhiều thời gian chăm sóc cho hai con nên khi Dương thi đậu vào lớp chuyên Trường phổ thông trung học Mạc Đĩnh Chi (quận 6), chị Trinh quyết định nghỉ làm công nhân, chuyển sang bán vé số dạo. Không được đưa đón như nhiều chúng bạn, hàng ngày Dương đều phải tự đi bộ ra bến xe buýt đón xe đi học.
Thương vợ con, anh Ẩn chỉ còn biết “cày” thêm bằng việc đi lâu, đi xa hơn để bán vé số. Thương anh Ẩn ngày ngày phải gồng đôi tay yếu đuối, khó nhọc đẩy chiếc xe lăn đi bán vé số dạo, một người cùng xã đã chế tạo chiếc xe lắc điện giúp anh thuận tiện hơn khi mưu sinh.
Công sức vợ chồng anh Ẩn đầu tư được đền bù xứng đáng khi Dương đạt giải 3 kỳ thi Hóa học Hoàng gia Australia vào năm lớp 11, rồi tiếp tục đậu ba trường đại học, cao đẳng với số điểm cao vào năm 2014. Sau một tuần đắn đo suy nghĩ, cô bé nghèo học giỏi quyết định trở thành tân sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bà nội Dương năm nay ngoài tám mươi tuổi, cười nói: “Ba mẹ nó mừng lắm, nhưng lại lo tiền bán vé số không đủ nuôi con học đại học y, nghe đâu rất tốn kém. Tôi nghèo, ít học, chẳng có gì ngoài căn nhà cấp bốn đang là chỗ ở cho cả gia đình nó và hai người con trai khác. Nhưng tôi vẫn động viên: con cứ học đi, nếu cần nội sẽ thế chấp nhà vay ngân hàng, khi con ra trường đi làm sẽ phụ nội chuộc lại. Rất mừng là với sự giúp đỡ của chú bác, họ hàng và nhà tài trợ học bổng do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM giới thiệu, cháu tôi đã được toại nguyện ước mơ trở thành sinh viên”.
Trao đổi về lý do chọn trường y, Thùy Dương dịu dàng bày tỏ: “Làm bác sĩ sẽ có nhiều cơ hội để giúp đỡ và cứu người, mang lại niềm vui, nụ cười cho người nghèo, thiếu may mắn”.