Nữ sinh lớp 12 rinh giải nhất thi tranh biện tiếng Trung

Với khả năng giao tiếp tiếng Trung được đánh giá là "như người bản xứ" cùng tài lập luận thuyết phục, 3 nữ sinh đến từ THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội vượt qua 5 đội chơi toàn sinh viên đại học để giành giải nhất chung cuộc thi tranh biện tiếng Trung.

Nữ sinh lớp 12 rinh giải nhất thi tranh biện tiếng Trung

Ngày 19/4, hội trường Đại học Ngoại thương Hà Nội sôi động bởi sức nóng của cuộc thi tranh biện tiếng Trung vòng chung kết. Với chủ đề "Giới trẻ và cuộc sống hiện đại", ban tổ chức đặt ra nhiều vấn đề mang tính thời sự, xã hội hấp dẫn để các đội tranh biện như: Sống thử trước hôn nhân, đại học có phải con đường duy nhất để vào đời, Internet làm con người trở nên xa cách...

Tại phần thi đầu tiên, 6 đội chơi được chia thành 3 cặp "chính - phản" để tranh luận, phản biện nhau về cùng một đề tài trong vòng 19 phút. Ba cô gái đến từ THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội (Tam Ngưu) và nhóm Hân Lạc của Đại học Ngoại thương Hà Nội là cặp đấu đầu tiên, bốc thăm được chủ đề "Đại học có phải con đường duy nhất để vào đời".

Các nữ sinh lớp 12 THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội đã vượt qua các đối thủ là sinh viên đại học, giành giải nhất cuộc thi tranh biện tiếng Trung. Ảnh: Quỳnh Trang
Các nữ sinh lớp 12 THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội đã vượt qua các đối thủ là sinh viên đại học, giành giải nhất cuộc thi tranh biện tiếng Trung. Ảnh: Quỳnh Trang.

Trong khi Hân Lạc cho rằng, đại học là con đường tiên quyết giới trẻ cần đi bởi đây là môi trường cung cấp kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, giao tiếp chuyên nghiệp nhất. Đặc biệt, đại học giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, tư duy mở hơn. Ở xã hội hiện đại đề cao năng lực trí tuệ thay vì lao động chân tay ngày nay, những người có bằng đại học sẽ có nhiều lợi thế khi xin việc.

Các nữ sinh lớp 12 chuyên Ngữ lại cho rằng, đại học chỉ là con đường duy nhất với những người có mục đích làm những việc bắt buộc phải có bằng cử nhân. Những người khác, với năng lực và sở trường khác, có thể lựa chọn nhiều cách để vào đời. 

Giơ chiếc điện thoại của mình lên, nữ sinh THPT chuyên Ngoại ngữ nhoẻn cười lập luận: chiếc iPhone mà các bạn sử dụng, chính là do một người không có bằng đại học tên là Steve Jobs sáng tạo ra. Microsoft của Bill Gates cũng vậy.

"Có thể chúng ta không có được tài năng như những con người ấy, nhưng chúng ta có nghị lực, nhiệt huyết tuổi trẻ và có thể tạo ra kỳ tích của mình. Trong mắt nhiều người, chỉ đỗ đại học thì cuộc đời mới trở nên tốt đẹp. Nhưng Lỗ Tấn từng nói "trên thế gian này vốn làm gì có đường, người ta đi nhiều mà thành đường vậy. Cho nên quyền lựa chọn, quyết định nằm ở mỗi chúng ta", nữ sinh lớp 12 nói.

Khi bị phản biện nếu đại học không phải con đường duy nhất, vì sao các con của Steve Jobs đều học đại học, những nữ sinh trung học bình tĩnh trả lời: Steve Jobs nghỉ học vì không có tiền, nhưng vẫn tìm ra được con đường của riêng mình. 

Hàn Hàn - tác giả tiểu thuyết người Trung Quốc, nghỉ học cấp 3 để viết sách trên mạng và rất thành công, trở thành một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010 (Asian Weekly bình chọn) vì biết được đam mê và sở trường của mình. Chúng ta cũng nên như vậy, nắm bắt, phát huy tài năng, sở thích của bản thân để gây dựng tương lai tươi sáng trên con đường của riêng mình.

Phần tranh biện với những lập luận sắc bén của cả đôi bên khiến ban giám khảo và khán giả thích thú. Đặc biệt, nhiều lời trầm trổ khen ngợi đã được gửi tới nhóm 3 cô gái của THPT chuyên Ngữ vì hùng biện rõ ràng, logic và kỹ năng thuyết trình hóm hỉnh, tự tin.

Tam Ngưu sau đó được chọn vào phần thi thứ 2 - chọn một ý trong một câu hỏi và chứng minh quan điểm của mình trong 5 phút. Với câu hỏi sinh viên đại học cần quan tâm đến điều gì: Tình yêu, thành tích học tập, hoạt động xã hội, nhóm nữ sinh chuyên Ngữ đặt việc học lên hàng đầu. 

Theo các em, thành tích học tập không phải là điều kiện duy nhất, nhưng là điều kiện quan trọng để có được công việc như ý muốn, tìm ra được điểm yếu của bản thân rồi nâng cao năng lực, nhận được sự ngưỡng mộ của chúng bạn và làm gia đình, thầy cô vui lòng...

Luận điểm này của các nữ sinh chuyên Ngữ nhận được sự phản biện của 2 đội chơi còn lại rằng phương Tây coi trọng các kỹ năng ngoại khóa hơn bằng cấp, vậy điều gì để khẳng định sinh viên cần chú trọng bằng cấp? 

Nhóm Tam Ngưu trả lời, để du học ở phương Tây, thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam càng tốt thì cơ hội càng cao. Những người có thành tích học tập tốt thường cũng có kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa rất tốt, bởi có suy nghĩ logic, biết sắp xếp thời gian học tập, vui chơi hợp lý. Do đó, nên lấy việc học làm trọng, bên cạnh việc tham gia hoạt động ngoại khóa để có thêm các kỹ năng mềm khác.

Chung cuộc, nhóm "em út" trường THPT chuyên Ngoại ngữ Hà Nội đã vượt qua các anh chị sinh viên đại học, nhận giải nhất với phần thưởng là 8 triệu đồng tiền mặt, học bổng và quà của nhà tài trợ.

Cuộc thi tranh biện tiếng Trung là sân chơi nhằm thúc đẩy phong trào học tiếng Trung do câu lạc bộ tiếng Trung Đại học Ngoại thương dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Hà Nội tổ chức cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Cuộc thi đã thu hút hơn 30 đội chơi (mỗi đội 3 người) đến từ nhiều trường THPT, đại học. Sau vòng sơ loại, ban tổ chức đã chọn ra 6 đội xuất sắc nhất vào vòng thi cuối cùng.

Theo Vnexpress/tamguong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.