Nữ sinh hoa khôi và đam mê khoa học cây trồng

GD&TĐ - Đến Học viện Nông nghiệp Việt  Nam, hỏi tên Vũ Anh Phương, thầy cô và sinh viên ai cũng trầm trồ: Ồ, Phương giỏi lắm! Một nữ sinh tài năng và duyên dáng!  

Vũ Anh Phương nhận giấy khen và tài trợ từ Quỹ giải thưởng Kovalevskaia  của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho công trình Nghiên cứu khoa học
Vũ Anh Phương nhận giấy khen và tài trợ từ Quỹ giải thưởng Kovalevskaia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho công trình Nghiên cứu khoa học

Anh Phương là sinh viên K59KHCTT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có một bảng dài thành tích học tập, tiếng Anh và cả những cuộc thi tài năng, duyên dáng. Phương cũng là sinh viên đầu tiên và duy nhất được miễn giảm học phí chương trình Tiên tiến năm nhất do có điểm đầu vào rất cao.

Vừa qua, Anh Phương vinh dự vinh dự được nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Doan trao giấy khen tại Lễ Trao giải thưởng Kovalevskaia.

- Xin chào Vũ Anh Phương! Chúc mừng bạn được nhận tài trợ từ Quỹ giải thưởng Kovalevskaia  của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho công trình Nghiên cứu khoa học! Bạn có thể chia sẻ về nghiên cứu khoa học bạn đang theo đuổi không? Từ đâu bạn có ý tưởng nghiên cứu này?

* Nghiên cứu khoa học mà em đang theo đuổi đó là xây dựng bộ kit chẩn đoán bệnh vàng lá gân xanh Huanglongbing. Hiện tại nhóm nghiên cứu khoa học(NCKH) chúng em đang cố gắng xây dựng vecto biểu hiện protein màng ngoài của vi khuẩn gây bệnh này.

Chúng em có ý tưởng nghiên cứu này sau những lần đi thực địa, nhận ra rất nhiều cây có múi bị bệnh này, và người nông dân thì không có nhiều tiền để đến các phòng thí nghiệm hiện đại để chẩn đoán chính xác bệnh. Việc xây dựng bộ kit chẩn đoán, dù còn nhiều khó khắn, nhưng hy vọng khi thành công sẽ giúp chẩn đoán bệnh này nhanh hơn, chính xác hơn và dễ dàng hơn.  

- Tài trợ từ Quỹ giải thưởng Kovalevskaia  của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là 10 triệu đồng, số tiền này có đủ cho công trình nghiên cứu của bạn không? Nếu thiếu kinh phí để theo đuổi nghiên cứu khoa học này, bạn làm thế nào để xoay sở?

* Em nghĩ số tiền này là đủ để thực hiện công trình nghiên cứu của em, và có thể nó còn giúp chúng em phát triển nghiên cứu này xa hơn một chút nữa. Trong trường hợp là số tiền này vẫn không đủ để chi trả tiền nguyên vật liệu, thì chúng em sẽ gửi đề xuất Trung tâm Nghiên cứu Bệnh cây nhiệt đới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với hy vọng được hỗ trợ thêm về tài chính, vật liệu.

Vũ Anh Phương trong cuộc thi Duyên dáng Nữ Sinh Nông Nghiệp 2017
Vũ Anh Phương trong cuộc thi Duyên dáng Nữ Sinh Nông Nghiệp 2017 

- Thường các bạn trẻ hay theo đuổi những ngành nghề “hot” như Quản trị kinh doanh, khách sạn, thời trang… Vậy tại sao bạn lại chọn Khoa học cây trồng để theo đuổi vậy? Ngành bạn đang học và những hoạt động về Môi trường bạn đang theo đuổi có điểm gì chung không?

* Em nghĩ là nếu ngành nào càng nhiều người thích lao vào thì càng khó cạnh tranh nếu mình thực sự không có đam mê. Em nghĩ niềm yêu thích của em đối với sinh học đã giúp em thích học tập và nghiên cứu nhiều hơn nữa, giúp em có lựa chọn đúng đắn khi chọn ngành nghề.

Từ bé em đã thích học sinh học, vì với em nó rất sống động, mà cũng rất gần gũi. Khi học chuyên Sinh ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì em còn nhận ra là mình thích học về thực vật hơn cả. Hơn nữa em thấy ngành khoa học cây trồng có tính ứng dụng khá cao trong nông nghiệp của Việt Nam nên em quyết định theo đuổi ngành này.

- Được biết, bạn vừa trở về từ Mỹ sau khi tham gia chương trình Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Đông Nam Á YSEALI. Xin hỏi sáng kiến bạn mang đến chương trình này là gì? Nó có liên quan đến ngành nghề bạn đang theo học không?

* Dự án mà em mang đến chương trình này đó là xây dựng một kênh thông tin chia sẻ những hình ảnh về các vấn đề môi trường, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng xung quanh em.

Em có ý tưởng này vì từ bé đến lớn em luôn thấy người dân xung quanh mình vứt rác bừa bãi cũng như làm rất nhiều hành động ảnh hưởng xấu đến môi trường, và em cho rằng cách hiệu quả để giải quyết  vấn đề này đó chính là nâng cao ý thức của người dân bằng cách đưa họ đến với những hình ảnh trực quan. Từ đó mà ý tưởng xây dựng một kênh thông tin dựa trên các hình ảnh trực quan của em ra đời.

Vũ Anh Phương trong những ngày học tập tại Mỹ
 Vũ Anh Phương trong những ngày học tập tại Mỹ

- Nếu để chấm điểm, bạn so sánh bản thân mình trước và sau chuyến đi như thế nào?

Chuyến đi YSEALI đã thay đổi tầm nhìn, cách suy nghĩ và hành động của em theo 1 hướng tích cực mà em cũng không ngờ tới. Trước khi đi YSEALI, các suy nghĩ của em còn phiến diện, chưa sâu sắc, chưa được tiếp xúc với nhưng cái mới. Em đã từng nghĩ rằng để giải quyết các vấn đề về môi trường thì chỉ cần sự làm việc của những chuyên gia, những nhà khoa học trực tiếp làm về mảng này.

Tuy nhiên, sau khi tham gia YSEALI, được tiếp cận và làm việc với lãnh đạo và đại diện từ các lĩnh vực khác như kinh tế, luật pháp, chính trị, giáo dục, v.v, em mới nhận ra rằng sự đa dạng chính là mấu chốt để giải quyết các vấn đề.

Sự đa dạng ở đây không chỉ là đa dạng về ngành nghề, mà còn là sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, vì đó chính là cầu nối để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nhờ có sự đa dạng mà các vấn đề được giải quyết một cách toàn diện và hệ thống.

Nói cách khác, thay vì tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu để giải quyết vấn đề nói chung và các vấn đề môi trường nói riêng, chúng ta cần cả sự tham gia tích cực từ các lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề một cách toàn diện và đồng bộ.

Nếu để chấm điểm, em cho rằng trước khi đi YSEALI em được gần 6 điểm, còn đi YSEALI về em nghĩ em được 8 điểm.

- Xin cảm ơn bạn về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ