Một học sinh ở Điện Biên có ý tưởng sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả và một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường thay thế tơ sợi nilon tổng hợp.
Tận dụng cây lưỡi hổ mọc hoang
“Nghiên cứu sản xuất tơ sợi từ lá cây lưỡi hổ để làm tóc giả và một số sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường thay thế tơ sợi nilon tổng hợp” là đề tài khoa học của em Trần Thị Quỳnh, học sinh Trường THPT Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Em Trần Thị Quỳnh cho biết, Mường Nhé là một vùng đất khô cằn, khó canh tác. Trong khi lưỡi hổ là loại cây mọc hoang rất nhiều ở địa phương mà chưa được sử dụng vào bất cứ việc gì.
Lên mạng tìm hiểu, em được biết sợi từ cây lưỡi hổ có độ bền rất cao, dễ ứng dụng trong đời sống trong đó có thể sử dụng để làm tóc giả. Loại sợi này có khả năng chịu nhiệt tốt, thay thế hoàn toàn sợi tơ nilon tổng hợp để làm tóc giả hiện nay.
“Tóc giả được làm từ tóc thật số lượng sẽ rất hạn chế do thời gian tóc mọc dài rất lâu, còn tóc được làm từ sợi tơ nilon tổng hợp sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất nhưng đi kèm với đó là những tác hại về ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình đó em đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao không dùng sợi tơ tự nhiên được tạo ra từ các loài thực vật? Nhưng trên thị trường hiện nay tơ sợi tự nhiên chủ yếu được lấy từ sợi bông, tơ tằm, sợi lanh, sợi gai. Tuy nhiên, tơ sợi này không dùng để làm tóc giả được vì dễ bị co và xù”, Quỳnh kể.
Tình cờ kết nối với ý tưởng sợi từ cây lưỡi hổ, Quỳnh nhận thấy lá cây lưỡi hổ có thể tách thành những sợi tơ tự nhiên không co, không xù. Do đó thích hợp sử dụng để làm tóc giả.
Để tìm ra cách lấy sợi từ lá lưỡi hổ, Quỳnh sử dụng phòng thực hành thí nghiệm Trường THPT Mường Nhé làm “trụ sở”. Việc tiến hành thí nghiệm của em hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất độc hại nên không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như không gây ô nhiễm môi trường.
Tơ sợi tự nhiên từ lá cây lưỡi hổ có thể dùng làm tóc giả, có độ bền cao, màu sắc đa dạng, khả năng chịu nhiệt tốt nên có thể dễ dàng thay đổi kiểu dáng. Em giới thiệu tới các bạn học sinh trong trường dùng thử.
“Do nhu cầu sử dụng bộ tóc giả cả đầu không nhiều, hơn nữa các bạn trẻ hiện nay rất thích tóc highlight và nội quy trong các trường học nghiêm cấm việc nhuộm tóc sáng màu nên em đã chia sợi tơ thành những phần nhỏ để làm thành các lọn tóc cho bạn gái làm đẹp”, Quỳnh kể.
Tóc giả chịu nhiệt cao, bền như tóc thật
“Sau khi nhuộm màu cho các sợi tơ, nhóm dùng keo 502 gắn vào miếng dán tóc để được một bộ tóc hoàn chỉnh. Có thể làm tóc mái, đuôi tóc để buộc, lọn tóc highlight… Để tạo hình cho bộ tóc cũng như thí nghiệm khả năng chịu nhiệt của sản phẩm tóc giả, em tiến hành tạo hình cho sản phẩm tóc giả với 2 thiết bị làm đẹp là máy ép tóc và máy uốn tóc thường sử dụng đối với tóc thật”, Trần Thị Quỳnh chia sẻ.
Tạo hình mái tóc với máy ép thẳng, để tóc khô tự nhiên, điều chỉnh máy ép ở các điều kiện nhiệt độ khác nhau tăng dần từ 160 độ C đến 220 độ C. Kết quả, mái tóc thẳng đẹp và không có hiện tượng cháy khét.
Khi tạo hình mái tóc với máy uốn xoăn, tóc để khô tự nhiên, điều chỉnh máy uốn ở các điệu kiện nhiệt độ khác nhau tăng dần từ 170 độ C đến 200 độ C. Kết quả, mái tóc xoăn tự nhiên và không có hiện tượng cháy khét.
Sản phẩm tóc giả từ tơ sợi lá cây lưỡi hổ có khả năng chịu nhiệt cao tương tự như tóc thật. Khi đó muốn thay đổi kiểu dáng tóc chúng ta có thể sử dụng các thiết bị làm đẹp như bình thường vẫn dùng với tóc thật mà không lo tóc giả cháy hỏng.
Theo Quỳnh, ngoài việc làm tóc giả, ta có thể dùng các sợi tơ để làm một số đồ vật khác như làm chổi cọ trang điểm, tết thành sợi dây thừng, sợi đan giỏ, sợi đan lưới, sợi đan võng, làm thảm lau chân, chổi quét bụi, đan vòng tay và làm một số đồ handmade khác tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng.
“Nếu được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn, em nghĩ đề tài hoàn toàn có tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Sản phẩm có chi phí giá thành thấp, từ đó cung ứng nguyên liệu sinh học cho ngành thời trang, may mặc, làm đẹp… và đặc biệt sợi tơ từ lá cây lưỡi hổ rất mảnh và bền chắc, có thể sử dụng để làm chỉ nha khoa, chỉ khâu tự tiêu trong y học khi được xử lý vô trùng thích hợp”, Quỳnh nói.
Đánh giá về đề tài, TS Trần Viết Thông, chuyên gia nghiên cứu dệt may nói, lưỡi hổ là loài cây bản địa rất dễ sinh sôi, là nguồn nguyên liệu không cần chăm sóc hoặc nếu mở rộng quy mô có thể nhân giống và thu hoạch một cách dễ dàng. Sợi từ lưỡi hổ cũng được chứng minh là rất tốt, độ bền cao.
Ứng dụng vào lĩnh vực làm đồ thủ công, làm đẹp như tóc giả… thì khá an toàn, giá thành rẻ. Đây có thể coi là sáng tạo của sinh viên, tuy vậy để triển khai rộng thì các yếu tố thị trường, nguyên liệu, dây chuyền sản xuất sợi… cần được tính toán kỹ.