Bằng tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, bà Vũ Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ đã truyền lửa đam mê môn Ngữ văn cho nhiều thế hệ học sinh. Thành quả các em đạt được là động lực để bà tiếp tục đổi mới phương pháp, “thổi hồn” vào mỗi giờ bài giảng.
Nữ nhà giáo tâm huyết
Từng là giáo viên dạy môn Ngữ văn và hiện là cán bộ quản lý nhưng bà Vũ Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ (Lai Châu) vẫn tích cực đứng lớp giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.
Chia sẻ về phương pháp giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn, bà Thu cho biết: “Ngữ văn nói riêng và tất cả môn học nói chung, để học sinh yêu thích và đam mê, tôi nghĩ mỗi giáo viên phải yêu nghề, nhiệt huyết và hết lòng vì học sinh. Mỗi tiết học sáng tạo, khơi gợi hứng thú sẽ giúp các em thay đổi cách nhìn nhận và yêu thích môn học”.
Tình yêu nghề của nhà giáo Vũ Thị Thu được nuôi dưỡng từ những câu tục ngữ, ca dao, bài thơ, bài văn mà người mẹ của bà - cựu học sinh giỏi môn Ngữ văn truyền lại. Bên cạnh đó, có bác làm giáo viên cũng trở thành nguồn cảm hứng khiến bà gắn bó với nghề sư phạm. Sau này, tình yêu nghề ấy lớn hơn nữa khi những thế hệ học trò được bà “đưa đò” trưởng thành, đỗ đạt, thành tài.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, năm 2002, bà Thu lên công tác tại Lai Châu và nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới Dào San (huyện Phong Thổ). “Lúc đó, Dào San là trung tâm của 8 xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, bắt đầu có lớp nhô cấp THCS. Tôi là một trong số ít giáo viên THCS đầu tiên tại đây. Đến năm 2006, tôi chuyển về Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khổng Lào. Dù ở đâu, tôi cũng nỗ lực để truyền đạt kiến thức và tiếp lửa tình yêu Ngữ văn cho các thế hệ học trò”, bà Thu kể.
Chuyển về Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ từ năm 2009, bà Thu sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên cương vị Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, bà cùng đồng nghiệp chú trọng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra - đánh giá, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh.
Năm 2014, bà Vũ Thị Thu đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, bà có 4 sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp, được sở GD&ĐT công nhận, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Nhờ những đóng góp tích cực, năm 2024, nhà giáo Vũ Thị Thu được tín nhiệm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ.
Ông Phạm Thành Vũ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ cho biết: “Trong công tác quản lý, bà Thu dám nghĩ, dám làm, gương mẫu đi đầu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng đó, bà xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phù hợp thực tiễn nhà trường. Nhờ đó, suốt 9 năm lãnh đạo tập thể tổ Khoa học xã hội, bà Thu đã giúp tổ liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến”.
Còn với cô Đỗ Thị Phương Thúy - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Phong Thổ, bà Thu không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi cương vị mà còn truyền nhiệt huyết nghề nghiệp đến các thầy, cô giáo nhà trường; được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tin tưởng.
Với tấm lòng yêu nghề, trách nhiệm trong công việc, nhiều năm liền bà Vũ Thị Thu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác thi đua. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với bà là sự kính trọng của học sinh, niềm tin yêu của đồng nghiệp. Đây cũng là nguồn động viên để bà tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Đổi mới phương pháp, truyền lửa đam mê
Mỗi tiết Ngữ văn của bà Thu luôn đặc biệt bởi sự tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh hứng thú. Từ một câu chuyện, vấn đề nghị luận xã hội, bà khéo léo dẫn dắt học sinh đến với bài học, giúp các em tiếp cận kiến thức tự nhiên và chủ động.
“Trong giảng dạy, tôi mạnh dạn áp dụng các phương pháp và kỹ thuật mới, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tối đa năng lực tiếp nhận tri thức của các em. Tôi tích cực hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn”, bà Thu chia sẻ.
Đối với công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, bà tận tâm, tận tình với học sinh, xây dựng kế hoạch giảng dạy và nội dung ôn tập rõ ràng, bám sát cấu trúc đề thi. Bà phân loại học sinh để có phương pháp phù hợp, đạt chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, bà thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao hiệu quả giảng dạy và ôn thi.
Với sự nỗ lực của nhà giáo Vũ Thị Thu và các đồng nghiệp, kết quả môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của trường luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Năm học 2022 - 2023, môn Ngữ văn đứng đầu toàn tỉnh với phổ điểm 7,78.
Theo bà Thu, môn Ngữ văn trong Chương trình GDPT 2018 lấy kỹ năng nghe, nói, đọc, viết làm trục chính xuyên suốt, đáp ứng định hướng phát triển năng lực theo hướng mở. Đề thi cũng không còn bó hẹp trong sách giáo khoa mà lấy ngữ liệu từ cuộc sống thực tiễn.
Sự đổi mới chương trình khiến lối truyền đạt một chiều ở môn Ngữ văn dần bị thay thế. Việc học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà chuyển thành quá trình học sinh chủ động tiếp cận vấn đề và sáng tạo vận dụng.
“Năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Do đó, tôi chú trọng hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức nền, kỹ năng làm bài và đặc trưng thể loại; kết hợp tri thức và vốn sống để làm bài tốt nhất trong kỳ thi sắp tới”, bà Thu cho biết.
“Trong mỗi tiết học, cô Thu thường lồng ghép thêm những thước phim, câu chuyện giúp chúng em dễ hiểu và tiếp thu nội dung bài học. Nhờ phương pháp đổi mới, chúng em rèn luyện được kỹ năng, tự tin bày tỏ quan điểm và cảm nhận về tác phẩm văn học hay các vấn đề nghị luận xã hội”, Vàng Thị Tâm - học sinh lớp 12A1 chia sẻ.