Nữ hoàng chiến binh địu con trên chiến trường

GD&TĐ - Năm 1857, Ấn Độ nổi dậy chống lại thực dân Anh. Dẫn đầu đội quân chiến đấu mạnh mẽ nhất là một phụ nữ trẻ, lưng địu con nhỏ - Nữ hoàng Lakshmibai.

Tượng Nữ hoàng Lakshmibai địu con, cưỡi ngựa, cầm kiếm đặt ở Solapur, Ấn Độ. Ảnh: Atlasobscura.com
Tượng Nữ hoàng Lakshmibai địu con, cưỡi ngựa, cầm kiếm đặt ở Solapur, Ấn Độ. Ảnh: Atlasobscura.com

Dù trong tình huống ngặt nghèo đến mức nào, nữ chiến binh này cũng nêu cao tinh thần “chết vinh hơn sống nhục”, phút cuối đời còn thà tự thiêu chứ không để quân địch cướp thi thể.

Ái phi thích luyện binh

Rani Lakshmibai sinh năm 1828 tại Benares (Varanasi ngày nay), trong gia tộc Bà la môn Marathi Karhade, có tên khai sinh là Manikarnika Tambe. Cha của Lakshmibai là quan trong triều Hoàng đế Peshwa Baji Rao II (1775 - 1851), người cai quản Đế chế Maratha. Vì mẹ mất sớm, nên Lakshmibai được cha đưa vào cung, cho ăn học cùng với các vương tôn, công tử của Peshwa.

Từ nhỏ, Lakshmibai đã tỏ ra thích thú võ hơn văn, sớm thành thạo bắn súng, cưỡi ngựa và đấu kiếm. Trong khi các tiểu thư quý tộc cùng tuổi luôn ngồi kiệu khi cần di chuyển, Lakshmibai tự cưỡi ngựa.

Trong xã hội Ấn Độ gia trưởng đương thời, Lakshmibai nổi tiếng là “tiểu thư phá cách”, có tính độc lập cao, tư duy mới mẻ và tinh thần can đảm hơn người. Ngoài ra, Lakshmibai còn có 2 thanh mai trúc mã mà sau này sẽ trở thành 2 thủ lĩnh quân nổi dậy lừng danh, Nana Sahib và Tantia Tope.

Năm 1842, dù mới 14 tuổi, Lakshmibai kết hôn với Quốc vương Gangadhar Rao Newalkar (1814 - 1853), vua của Jhansi, một trong các nước chư hầu của Maratha. Newalkar đã có hoàng hậu, nên Lakshmibai chỉ giữ vai trò thiếp.

Tuy nhiên, thay vì chăm chỉ “nâng khăn, sửa túi” cho chồng, nàng tích cực rèn luyện kỹ năng cưỡi ngựa và võ thuật. Chưa hết, Lakshmibai còn đích thân tuyển một đội quân chỉ toàn phụ nữ, nhiệt tình huấn luyện họ mỗi ngày.

“Ở Ấn Độ thời này, phụ nữ luyện võ không phải chuyện quá lạ. Hậu cung của các hoàng đế thường được bảo vệ bởi nữ binh có vũ trang. Nhiều phụ nữ thành thạo võ thuật cũng tham gia chiến đấu trên chiến trường. Tuy nhiên, một ái phi tự mình đứng ra huấn luyện nữ binh thì chỉ có duy nhất Lakshmibai”, nhà sử học Allen Copsey (Mỹ) cho biết.

Năm 1851, Lakshmibai sinh con đầu lòng nhưng đứa trẻ này lại sớm qua đời vì bệnh tật. Quốc vương Newalkar, vì chưa có đứa con nào, đã quyết định nhận Anand Rao, con của anh họ làm con nuôi và đổi tên thành Damodar Rao.

Trong ngày nhận nuôi Rao, ông lập di chỉ dưới sự chứng kiến của một quan chức Anh (Triều đình Jhansi thực hiện chính sách thân Anh) viết rõ Rao là con nuôi giữa mình và Lakshmibai. Ông cũng sắc phong Rao làm Thái tử và ra lệnh cho Triều đình Jhansi “đối xử như người thừa kế ngai vàng”.

Từ thuở thiếu niên, Lakshmibai đã là tiểu thư có cá tính mạnh mẽ. Ảnh: Firstpost.com

Từ thuở thiếu niên, Lakshmibai đã là tiểu thư có cá tính mạnh mẽ.

Ảnh: Firstpost.com

Nữ hoàng nổi dậy

Năm 1853, Quốc vương Newalkar băng hà. Theo di chỉ, Rao phải được lên ngôi còn Lakshmibai trở thành hoàng thái hậu. Không ngờ, Công ty Đông Ấn Anh (BEIC) - tổ chức dưới quyền của Toàn quyền Lord Dalhousie (1812 - 1860), đại diện cho thực dân Anh ở Ấn Độ, lại lật lọng, bác bỏ quyền lên ngôi của Rao và đuổi Nữ hoàng ra khỏi cung điện.

Ngay lần đầu tiên nghe được quyết định của BEIC, Lakshmibai đã bày tỏ thái độ phản đối, liên tục nhắc lại di chỉ của Tiên đế và yêu cầu người Anh tuân thủ nguyên tắc của Triều đình Jhansi. BEIC không để tâm. Tháng 3/1854, họ đưa cho Nữ hoàng giấy tờ xác nhận lĩnh 60 nghìn ruppe/năm và yêu cầu rời khỏi Cung điện Jhansi.

Vì yếu thế, Lakshmibai buộc phải bỏ Jhansi, chuyển tới Lâu đài Rani Mahal. Lúc này, Nữ hoàng mới 26 tuổi. Theo quy định của Ấn giáo, Lakshmibai phải bẻ vòng tay và chịu bị cạo đầu vì là góa phụ không con. Tuy nhiên, Nữ hoàng đã không thực hiện bất cứ điều nào mà luôn miệng tuyên bố “Ta sẽ không từ bỏ Jhansi”.

Suốt thời gian ở Rani Mahal, Lakshmibai điên cuồng tập tạ, đấu vật và vượt tháp. Sáng nào, Nữ hoàng cũng hoàn thành tất cả các bài luyện võ rồi mới dùng bữa. Đầu năm 1857, binh biến nổ ra trên khắp miền Bắc của Ấn Độ, bắt đầu từ Meerut và hướng tới Jhansi.

Lakshmibai vẫn duy trì thái độ thân Anh, lịch sự xin quan chức Anh đang nắm giữ Cung điện Jhansi là Đại úy Alexander Skene cắt cử cho một đội quân bảo vệ Rani Mahal và nhận được sự đồng ý.

Trái với biểu hiện thân Anh bề ngoài, chính tại Rani Mahal, Lakshmibai âm thầm thực hiện Nghi lễ Haldi Kumkum, sẵn sàng tinh thần giành lại Cung điện Jhansi. Tháng 6, quân nổi dậy người Ấn Độ vây chặt Jhansi và bắt đầu công thành.

Họ kêu gọi quân Anh hạ vũ khí đầu hàng, hứa không giết chóc nhưng, ngay khi chiếm được thành, họ quay ra thảm sát 40 - 60 sĩ quan Anh. Theo nhật ký của bác sĩ quân y Anh có mặt trong vụ thảm sát - Thomas Lowe, Lakshmibai đã xuất hiện và đích thân xuống tay, để máu bắn đầy mặt mà không buồn lau đi.

Chỉ 4 ngày sau vụ thảm sát, quân nổi dậy vơ vét sạch sẽ tài vật của Jhansi và rút. Lakshmibai đĩnh đạc bước vào cung điện, viết thư gửi cho Anh, đề nghị họ để mình “bảo vệ Jhansi hộ”. Vì nghi ngờ Nữ hoàng tiếp tay cho quân nổi dậy, Anh từ chối.

Tuy còn nhiều tranh cãi, Lakshmibai có khả năng là chủ mưu trong vụ thảm sát sĩ quan Anh ở Cung điện Jhansi. Ảnh: Lifebeyondnumbers.com

Tuy còn nhiều tranh cãi, Lakshmibai có khả năng là chủ mưu trong vụ thảm sát sĩ quan Anh ở Cung điện Jhansi. Ảnh: Lifebeyondnumbers.com

Địu con xông trận

Bất chấp sự phản đối của Anh, Lakshmibai vẫn tiếp quản Jhansi. Từ tháng 8/1857 - 1/1858, dưới sự cai trị của Nữ hoàng, Jhansi khá yên bình. Vì biết Anh sẽ sớm đưa quân đến, cướp lại cung điện cũng như quyền kiểm soát toàn vùng đất, Nữ hoàng không ngừng tuyển mộ và huấn luyện binh.

Chỉ trong vòng chưa đến nửa năm, Nữ hoàng đã có dưới tay 14 nghìn binh (dân số Jhansi chỉ 220 nghìn người), lôi kéo thêm được 15 nghìn binh khác từ khắp nơi trên lục địa Ấn Độ.

Cung điện Jhansi thuộc dạng pháo đài. Trong lúc tuyển binh, Lakshmibai còn cho mở xưởng đúc đại bác, tự cung tự cấp vũ khí. Tháng 3/1858, quân Anh dưới sự chỉ huy của Thống chế Hugh Rose tiến tới Jhansi.

Nhìn thấy trên tường thành đầy nòng súng đại bác, Rose không dám tấn công ngay như đã định, mà kêu gọi Lakshmibai đầu hàng trước. “Chúng tôi chiến đấu vì độc lập dân tộc và không sợ phải đổ xương máu. Chúng tôi thà chết vinh còn hơn sống nhục”, Nữ hoàng đáp lời.

Ngày 24/3, Thống chế Rose hạ lệnh tấn công và vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Sau vài ngày, Jhansi yếu dần vì thiếu hỏa lực (không kịp sửa chữa đại bác bị bắn hỏng), Lakshmibai cầu cứu bạn thời thờ ấu - Tantia Tope, chỉ huy quân nổi loạn có 20 nghìn quân.

Tope lập tức lên đường ứng cứu, nhưng lại bị cản ngang bởi quân Anh, không thể đến được Jhansi. Ngày 2/4, quân của Rose phá vỡ tường phòng thủ của Jhansi và tràn vào. Toàn dân Jhansi chống cự quyết liệt. Lakshmibai địu Rao trên lưng, cưỡi ngựa tả xung hữu đột, giết được không ít lính Anh.

Ngày 3, toàn thành Jhansi vẫn liều chết chống lại quân Anh. Sau khi hội ý với các tướng lĩnh dưới quyền, Lakshmibai quyết định rút chạy, vì không có cơ hội thắng trong Jhansi.

Trên chiến trường, Lakshmibai địu con tả xung hữu đột. Ảnh: Ebnw.net

Trên chiến trường, Lakshmibai địu con tả xung hữu đột. Ảnh: Ebnw.net

Ngay trong đêm, Nữ hoàng vẫn địu Rao trên lưng, thúc ngựa nhảy ra ngoài từ trên tường thành. Bất chấp quân Anh bao vây đông như kiến, Nữ hoàng thành công trốn thoát cùng các chiến binh thiện chiến nhất.

Sau khi hội quân với Tope, Lakshmibai chiếm làng Kalpi, sẵn sàng nghênh tiếp quân Anh truy đuổi. Ngày 22/5, Nữ hoàng đối địch quân Anh và lần nữa bại trận, phải chạy tới Gwalior. Ban đầu, Nữ hoàng định đánh chiếm Pháo đài Gwalior lấy chỗ đóng quân, không ngờ lại được chủ thành là Rao Sahib mở cửa đón.

Dự đoán quân Anh sẽ sớm tấn công, Lakshmibai thuyết phục các thủ lĩnh quân nổi dậy khác chung tay bảo vệ Gwalior nhưng thất bại. Ngày 16/6, Thống chế Rose đuổi tới Pháo đài Gwalior, nhanh chóng công hạ thành chỉ trong vòng 1 ngày.

Ngày 17, Thuyền trưởng Heneage với 5 nghìn binh lính trang bị vũ khí tối tân vây chặt Kotah-ki-Serai, nơi Lakshmibai đang nỗ lực tìm đường chạy. Theo lời kể của một nhân chứng, Nữ hoàng mặc áo giáp truyền thống, chiến đấu dũng mãnh. Ngay cả khi đã mất ngựa và bị thương, Nữ hoàng vẫn không ngừng giết địch và thành công mở đường thoát thân.

Ngày 20, quân Anh chiếm được Gwalior. Trước lúc này, vì bị thương nặng và biết không thể qua khỏi, Lakshmibai đã nhờ một ẩn sĩ hỏa táng sống. Lúc này, Nữ hoàng mới chỉ vừa tròn 30 tuổi.

Trong báo cáo chiến sự gửi về Anh, Thống chế Rose viết “Lakshmibai là nữ chỉ huy nhân ái, thông minh, xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong tất cả các thủ lĩnh quân nổi loạn”. Ông cũng viết đã tìm thấy xương và tro cốt của Nữ hoàng, tổ chức nghi lễ án táng long trọng tại Gwalior.

Rao cũng có mặt trong trận chiến ở Gwalior và sống sót. Thái tử cùng với tàn quân chỉ còn khoảng 60 người, 20 ngựa và 60 lạc đà chạy trốn vào rừng. Suốt 2 năm tiếp theo, họ liên tục bị truy sát, cuối cùng chỉ còn khoảng 10 người. Khi tới Jhalrapatan, nơi tập trung của người Jhansi tị nạn, họ đầu hàng quân Anh.

Theo một vài ghi chép, những năm tháng kế tiếp, Rao sống dưới sự giám hộ của giáo viên tên Munshi Dharmanarayan, chỉ được phép có 7 tùy tùng và lĩnh 10 nghìn ruppe/năm.

Đến tuổi trưởng thành, Thái tử kết hôn, có 2 đời vợ và 1 con trai là Lakshman Rao. Thay vì vương quyền, Thái tử tìm được sự say mê trong nghề nhiếp ảnh. Trước khi qua đời vào năm 1906, thọ 57 tuổi, ông là nhiếp ảnh gia lành nghề.

Theo atlasobscura.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.