Chuyện chưa kể về nữ chiến binh Mông Cổ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phụ nữ Mông Cổ tin rằng, từ thời xa xưa, họ đã luôn là những chiến binh thiện xạ nhất.

Vì Thành Cát Tư Hãn bận chinh chiến, Đại Hoàng hậu Bật Tê thay thế trị quốc. Ảnh: Atlasobscura.comScmp.com
Vì Thành Cát Tư Hãn bận chinh chiến, Đại Hoàng hậu Bật Tê thay thế trị quốc. Ảnh: Atlasobscura.comScmp.com

Tuy nhiên, lịch sử Mông Cổ lại không có tư liệu xác thực sự tồn tại của bất cứ đội nữ binh nào. Suốt nhiều thập kỷ, giới nghiên cứu vẫn không ngừng tranh cãi, có hay không có nữ chiến binh Mông Cổ?

Huyền thoại Hốt Thốc Luân

Hốt Thốc Luân, công chúa chiến binh hùng mạnh nhất Mông Cổ (ảnh phải). Ảnh: Atlasobscura.comScmp.com

Hốt Thốc Luân, công chúa chiến binh hùng mạnh nhất Mông Cổ (ảnh phải). Ảnh: Atlasobscura.comScmp.com

Dân gian Mông Cổ lưu truyền rất nhiều câu chuyện về Hốt Thốc Luân, chắt gái họ của Hốt Tất Liệt (1215 - 1294). Tất cả các câu chuyện này đều chung một nội dung là nói về sự xuất chúng của một nữ chiến binh lừng danh.

Thốc Luân (1260 - 1306) là con gái của Hãn vương Hải Đô (1230 - 1301), người cai trị các vùng Tân Cương, Trung Á và nổi tiếng “ghét Hốt Tất Liệt”. Truyền thuyết phổ biến nhất về nàng là câu chuyện “đấu vật tuyển phu”.

Nó kể rằng, từ thuở còn thơ, Thốc Luân đã rất say mê cưỡi ngựa, bắn cung và đấu vật. Vì còn giỏi hơn cả các anh em trai, nên nàng được cha hết mực cưng chiều, cho tự do rèn luyện kỹ năng cả ngày.

Càng lớn, Thốc Luân càng xinh đẹp nhưng lại không có ý muốn lập gia đình. Hãn vương Hải Đô không thể nuông chiều thêm nên đã ép ái nữ phải lấy chồng.

Không thể cãi lệnh cha, Thốc Luân liền mở võ đài tuyển phu. Ai muốn cưới nàng thì cứ việc nhận lời thách đấu, bước vào võ đài đấu vật với nàng. Nếu thắng, họ được quyền cưới nàng còn nếu thua, họ phải giao nộp 100 con ngựa.

Người Mông Cổ rất thích đấu vật, trai hay gái cũng được tập luyện và liên tục thi thố từ nhỏ. Thế nhưng, không có bất cứ người đàn ông nào vật thắng Thốc Luân. Cuối cùng, nàng đã có đàn ngựa lên đến 1 vạn con, tức là đã thắng cả 100 người.

Sau truyền thuyết “đấu vật tuyển phu” là huyền thoại “vào trận địa của địch lấy đầu kẻ thù dễ dàng như lấy đồ trong túi áo”. Nó kể rằng, Thốc Luân luôn cùng cha lên chiến trường.

Chỉ cần Hãn vương Hải Đô ra lệnh bắt sống hoặc giết bất cứ kẻ nào, nàng lập tức phi ngựa xông pha, sử dụng kỹ năng bắn cung tuyệt đỉnh mà tấn công và mang kẻ này hoặc đầu của y về dâng lên vua cha.

Đời thực ấn tượng

Phụ nữ Mông Cổ thành thạo cưỡi ngựa như kỵ binh. Ảnh: Atlasobscura.com - Alamy.com

Phụ nữ Mông Cổ thành thạo cưỡi ngựa như kỵ binh. Ảnh: Atlasobscura.com - Alamy.com

Không rõ có bao nhiêu phần trong các câu chuyện kể về Thốc Luân là sự thật nhưng, phụ nữ Mông Cổ thời trung đại hoàn toàn có khả năng gánh vác vai trò nữ chiến binh. Mông Cổ là “đất nước trên lưng ngựa”.

Từ thuở lọt lòng, trẻ em đã phải làm quen với việc di chuyển liên tục. Theo suy đoán của các nhà sử học, chỉ 7 tuổi, trẻ em Mông Cổ, bất kể trai hay gái, đã thành thạo cưỡi ngựa như bất cứ kỵ binh nào.

“Chúng thậm chí biết bắn cung, giỏi đua ngựa và còn có thể xung trận nếu cần thiết”, Tiến sĩ Sally Greenland, Đại học Columbia (Mỹ), nói.

Dưới thời Thành Cát Tư Hãn (1206 - 1227), người Mông Cổ tạo nên đế chế rộng nhất thế giới với 12 triệu dặm vuông, trải dài khắp châu Á và lan sang cả châu Âu.

Khoảng 90% nam giới Mông Cổ tham gia quân ngũ, theo chân các Hãn vương đi đánh chiếm đất đai triền miên. Điều này đồng nghĩa với việc, hậu phương chỉ toàn phụ nữ.

Trong cuộc sống thiếu bóng đàn ông, phụ nữ Mông Cổ đảm trách mọi sự, bao gồm cả quốc sự. Lịch sử Mông Cổ ghi nhận tên tuổi và tài năng trị quốc của Đại Hoàng hậu Bật Tê (1161 - 1230), vợ cả của Thành Cát Tư Hãn.

Dù phải thay chồng gánh vác cả giang sơn ở tuổi rất trẻ, Bật Tê vẫn quản lý mọi chuyện đâu ra đấy. Dưới sự chỉ huy của bà, các trại Mông Cổ luôn trật tự, an toàn và sẵn sàng đón các đoàn quân chinh chiến trở về bất cứ lúc nào.

Sau Bật Tê, Mông Cổ còn có Nhiếp chính vương Bột Lạt Cáp Chân (1185 - 1265). Bà là con dâu của Thành Cát Tư Hãn, vợ của Đại Hãn Oa Khoát Đài (1186 - 1241).

Khởi điểm của Cáp Chân trong vương triều Mông Cổ rất thấp, chỉ là “chiến lợi phẩm” mà Thành Cát Tư Hãn cho con trai sau khi thắng trận. Tuy nhiên, vì vợ cả của Oa Khoát Đài không có con nên, sau khi Đại Hãn này băng hà, Cáp Chân đã khôn khéo thao túng cả triều đình, thành công đưa con trai của mình lên ngôi dẫu việc này trái với di chỉ.

Mặc dù không nổi tiếng như Đại Hoàng hậu Bật Tê hay Nhiếp chính vương Cáp Chân, các phụ nữ Mông Cổ khác cũng rất tài năng. Họ giỏi cưỡi ngựa, bắn cung không kém bất cứ nam giới nào.

Cung Mông Cổ được làm từ sừng và gân động vật, vô cùng cứng cáp và nặng, được ví như “súng bắn tỉa thời trung cổ”. Khi kéo căng hết cỡ, một cây cung có thể bắn tên xa 320m. Tất nhiên, để sử dụng cung này, phụ nữ cũng sở hữu “sức mạnh vô địch”.

Nếu đàn ông Mông Cổ phải luyện bắn cung để đi xâm lược thì phụ nữ cần thiện xạ để bảo vệ. Thời trung đại, thảo nguyên Á - Âu đầy rẫy các động vật ăn thịt hoang dã nguy hiểm như chó sói, đại bàng…

Sinh kế chủ chốt của người Mông Cổ là chăn thả gia súc. Phụ nữ thường trang bị cung tên, cưỡi ngựa đi chăn thả theo nhóm. Họ cũng hay mở các cuộc đi săn, vừa xua đuổi động vật gây hại vừa tiện thể kiếm thêm thức ăn.

“Săn bắt cũng không khác gì chiến tranh”, Tiến sĩ Greenland so sánh. Trải qua các cuộc săn, phụ nữ Mông Cổ ngày càng giỏi đa chiến thuật. Họ bình tĩnh và cơ trí, không để con mồi lọt khỏi vòng vây.

Trước thế kỷ XII, khi Thành Cát Tư Hãn chưa thống nhất Mông Cổ, thảo nguyên châu Á là vùng đất của nhiều nhóm du mục. Giữa các nhóm luôn xảy ra tấn công, cướp bóc nên, rất có khả năng, phụ nữ Mông Cổ từng thật sự là nữ chiến binh. Bởi vì, với sức khỏe thể chất và kỹ năng chiến đấu không thua gì đàn ông, họ lẽ nào lại “giặc đến nhà” mà không đánh?

Trong thời Thành Cát Tư Hãn, phụ nữ Mông Cổ có khả năng vẫn là quân đội dự bị. “Khi thiếu quân hoặc vấp phải khó khăn, các tướng lĩnh Mông Cổ có thể đã sử dụng đến đội quân dự bị này”, Tiến sĩ Greenland suy đoán.

“Nữ chiến binh” thời hiện đại

Trong Lễ hội Naadam thường niên, phụ nữ Mông Cổ thi bắn cung với đàn ông. Ảnh: Atlasobscura.com - Alamy.com

Trong Lễ hội Naadam thường niên, phụ nữ Mông Cổ thi bắn cung với đàn ông. Ảnh: Atlasobscura.com - Alamy.com

Theo chuyên gia lịch sử Bettine Birge, Đại học Nam California (Mỹ), phụ nữ Mông Cổ có khả năng từng được thừa kế quân đội và tước hiệu quân sự từ cha, chồng đã khuất.

Vào đầu thế kỷ XIII, A Lạt Hải Biệt Các (1191 - 1230), con gái của Thành Cát Tư Hãn với Bật Tê, có thể đã được thừa hưởng quân đội của vua cha và có hàng nghìn nữ chiến binh dưới trướng. Thập niên 1280, Thốc Luân cũng có thể đã xông trận với 1 vạn ngựa có được nhờ thắng đấu vật tuyển phu.

Ít nhất, thế giới cũng có 2 ghi chép cùng thời viết rằng “Thốc Luân là công chúa chiến binh hùng mạnh nhất”. Ghi chép đầu tiên nằm trong Biên niên sử Ba Tư của sử gia Rashid al-Din (1247 - 1318, Iran) và ghi chép thứ 2 là của nhà thám hiểm Marco Polo (1254 - 1324, Ý).

Al-Din khẳng định, “Thốc Luân thường xuyên có mặt trên chiến trường, tiên phong xông trận lấy đầu chỉ huy địch”, còn Polo thì nhấn mạnh “Thốc Luân đã bắt sống kẻ thù theo lệnh của Hải Đô rất nhiều lần”. Chỉ có điều, cả 2 tác giả trên đều khá “văn chương”, nên thành ra các trang viết của họ bị nghi ngờ “văn học hóa”.

Nhiều nhà sử học cho rằng, Thành Cát Tư Hãn chính là người đặt dấu chấm hết cho vai trò nữ chiến binh của phụ nữ Mông Cổ. Sau khi thống nhất Mông Cổ, ông đã xây dựng lực lượng quân đội chỉ toàn nam giới.

Đại Hãn này cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng từ các nền văn hóa gia trưởng mà mình xâm lược, ngày càng phân định rạch ròi vai trò của mỗi cá nhân theo giới tính.

Hốt Tất Liệt còn bị văn hóa gia trưởng ảnh hưởng nặng hơn. Ông xây dựng Nhà Nguyên (1271 - 1368) bằng chính mô hình cai trị của phong kiến Trung Quốc. Có vẻ như, chính điều này đã khiến Hải Đô - người coi trọng tài năng của con gái hơn tất cả các con trai, bất mãn, liên tục tỏ thái độ đối nghịch và suốt đời xem vương thúc như kẻ thù.

Khác với các Đại Hãn bị tư tưởng gia trưởng thu phục, người dân Mông Cổ duy trì quan niệm bình đẳng giới. Lễ hội Naadam có từ thời Thành Cát Tư Hãn đã luôn là sân chơi thi thố tài năng đấu vật, bắn cung, cưỡi ngựa, săn bắn… cho toàn dân. Từ thuở lên 5 trở đi, nữ giới Mông Cổ được phép tham gia mọi cuộc đua. Nếu chiến thắng, họ cũng được vinh danh và tặng thưởng như nam giới.

Ngày nay, Naadam được tổ chức thường niên từ ngày 11 - 13/7 trên khắp Mông Cổ, tập trung vào 3 trò chơi truyền thống là đua ngựa, đấu vật và bắn cung. Trẻ em từ 7 tuổi trở lên, không phân biệt trai - gái, đều được phép đăng ký thi tài.

Phụ nữ cũng thoải mái tham gia mọi sự kiện, trận đấu, cuộc đua và hướng tới giật giải. Đặc biệt, trong 2 trò bắn cung và đua ngựa, nam - nữ thi đấu chung. Nếu giỏi và nhanh, phụ nữ hoàn toàn có thể hạ gục đối thủ nam, giành chiến thắng.

Trên khắp thảo nguyên Mông Cổ, phụ nữ du mục vẫn duy trì lối sống cũ. Họ thành thạo cưỡi ngựa, điều khiển xe thồ, thu dọn và dựng lều. Từ lâu, sự khoáng đạt của họ đã thu hút du khách thế giới.

Những thập niên gần đây, Mông Cổ còn là “đường đua ngựa băng thảo nguyên”, thu hút đông đảo các tay đua nữ từ toàn cầu đến tham gia cuộc đua ngựa dài ngày (khoảng 10 ngày trên 1.000 km) khắc nghiệt nhất hành tinh.

Theo atlasobscura.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.