Nữ giáo viên 9X "biến hóa" lớp học sắc màu để thu hút học sinh

GD&TĐ - "Mình luôn đặt bản thân vào vị trí của học sinh để cảm nhận xem nếu mình là các em thì mình cần gì và muốn những gì...? Từ đó, dễ dàng gần gũi, chia sẻ với học sinh hơn", cô Nguyễn Dương Quí tâm sự.

Cô Nguyễn Dương Quí luôn yêu thương học trò như con của mình.
Cô Nguyễn Dương Quí luôn yêu thương học trò như con của mình.

Học sinh làm được sao mình không làm được

Hơn 2 tuần qua, cô Nguyễn Dương Quí (giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cùng một số cán bộ, giáo viên đã có mặt trên trường để chuẩn bị cho năm học mới. Các thầy cô cùng nhau dọn dẹp, sắp xếp và trang trí lại lớp học để chuẩn bị đón học sinh ra lớp.

Cô Quí cho hay, sau khi tốt nghiệp ra trường cô lên huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Kon Tum giảng dạy. Như thường lệ, cứ đầu tuần cô lại vượt chặng đường hơn 50 km từ huyện Đăk Tô để vào điểm trường Đăk Ka (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) giảng dạy. Khi đó, đường sá nhuộm toàn màu đất đỏ. Những hôm mưa, đường trơn trượt chiếc xe của cô giáo trẻ trượt bánh liên tục và cơ thể bị trầy xước là điều khó tránh khỏi.

“Khi chuẩn bị vào điểm trường giảng dạy, nhiều người khuyên mình là khổ cực lắm. Tuy nhiên, mình vẫn muốn vào để xem điều kiện sống và học tập của học sinh vùng khó ra sao. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, điều kiện có phần thiếu thốn nhưng chưa bao giờ mình thấy khổ. Bởi có nhiều học sinh phải dậy từ 5 giờ sáng để đến trường học con chữ, bản thân mình còn thuận lợi hơn các em nhiều. Tại sao học sinh làm được mà mình lại không làm được”, cô Quí chia sẻ.

Sau 2 năm gắn bó với Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tu Mơ Rông, cô Quí được luân chuyển ra Trường Tiểu học xã Đăk Hà. Mặc dù ngôi trường này ở khu vực trung tâm huyện nhưng điều kiện của các em cũng không khá hơn là bao. Tại đây cô Quí cũng xung phong giảng dạy tại điểm trường xa nhất là Ngọc Leang. Có những hôm học trò đói, cô Quí trích tiền lương của mình mua đồ ăn, nước uống cho các em.

Cô Quí cho hay, nhiều học sinh nhà xa phải đi bộ từ sáng sớm để kịp giờ đến trường học con chữ. Phụ huynh lại ít quan tâm đến việc học của con mình nên các em thường xuyên nghỉ học. Đặc biệt là những ngày mưa, đường sình lầy, trơn trượt nên học sinh ngại đến lớp. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên đến nhà vận động tuyên truyền. Có những hôm cô Quí vào tận rẫy mì để đưa được học sinh ra lớp.

“Nhiều em nhà khó khăn, đường xa nên ngại đến lớp. Chính vì vậy, có học sinh cả tuần chỉ đi học được 2-3 hôm. Mong muốn các em biết con chữ, nên mỗi khi học sinh vắng mình đến nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến lớp. Những ngày mưa, mình tranh thủ dậy sớm vào tận thôn để đón các em ra trường. Sau vài ngày như vậy, phụ huynh cũng tác động đến con em mình cố gắng đến trường. Thời gian sau đó, khi trên đường vào đón học sinh đã chủ động đi ra. Lúc đó, mình vui và hạnh phúc lắm. Vì mình biết rằng phụ huynh và các em đã ý thức được tầm quan trọng của việc học”, cô Quí tâm sự.

Phát triển năng lực học sinh

Cô Quí trang trí lớp học với đủ màu sắc để học trò thích thú khi đến lớp.
Cô Quí trang trí lớp học với đủ màu sắc để học trò thích thú khi đến lớp.

Cô Quí chia sẻ, các em học sinh ở trường chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Các em quen với tiếng bản địa nên khi đến trường rất nhút nhát, không muốn giao tiếp với giáo viên. Chính vì vậy, thầy cô phải thường xuyên tâm sự, động viên để các em cởi mở và tự tin hơn.

“Để các em hoà đồng, cởi mở hơn mình thường xuyên trò chuyện, động viên để hiểu rõ hoàn cảnh gia đình và tâm tư, tình cảm học sinh. Qua đó, mình biết nhiều em không có động lực học tập. Chính vì vậy mình thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trò chơi để các em vừa học, vừa chơi. Qua đó, phát huy được kỹ năng của bản thân và ghi nhớ kiến thức được nhanh và chắc hơn. Nhờ vậy tỷ lệ chuyên cần cũng được nâng cao”, cô Quí nói.

Sau những đợt nghĩ lễ, Tết lo sợ học sinh quên mặt chữ, cô Quí cắt, dán bảng chữ cái với đủ màu sắc trong lớp học để các em tìm kiếm khi tham gia trò chơi. Bên cạnh đó, trang trí lớp học với những bông hoa, con vật để thu hút học sinh ra lớp.

“Hiện nay mình còn trẻ, chưa có gia đình nên không quá lo lắng về kinh tế. Mình muốn góp chút tiền lương để giúp học sinh no bụng, ấm áp những ngày đông về. Năm học 2021-2022 này mình vẫn tiếp tục dạy lớp 1 với 32 em. Tuy nhiên, mình sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng tới giáo dục đạo đức cho các em nhiều hơn. Bên cạnh đó, lồng ghép phát triển Tiếng Việt. Đồng thời tạo sự liên kết giữa phụ huynh và giáo viên để có thể giúp các em phát triển toàn diện hơn. Từ đó, học sinh phát triển khả năng, năng lực của bản thân. Đặc biệt, mình luôn chuẩn bị tâm thế thoải mái, vui vẻ khi đến lớp để tạo động lực cho học sinh cố gắng hơn trong học tập”, cô Quí tâm sự.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà nhận xét, cô Nguyễn Dương Quí mặc dù là một giáo viên trẻ nhưng luôn tâm huyết với nghề.

Theo cô Vân, cô Quí là một giáo viên năng nổ, luôn sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, cô Quí gần gũi, quan tâm và yêu thương học sinh như con của mình. Mặc dù cô Quí giảng dạy tại điểm trường khó khăn, xa xôi nhưng năm học vừa rồi tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập của học sinh lớp cô Quí rất cao.

"Mình luôn đặt bản thân vào vị trí của học sinh để cảm nhận xem nếu mình là các em thì mình cần gì và muốn những gì...? Từ đó, dễ dàng gần gũi, chia sẻ với học sinh hơn", cô Nguyễn Dương Quí tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.