Hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng theo mô hình "đa cấp"

GD&TĐ - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tích cực hỗ trợ hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên tự bồi dưỡng, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Quá trình này được vận dụng linh hoạt theo mô hình "đa cấp".

TS Lê Thị Ngọc Anh trong một buổi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán mô đun 3-thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
TS Lê Thị Ngọc Anh trong một buổi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán mô đun 3-thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Lập nhóm zalo

Là một trong những cán bộ quản lý cốt cán của huyện Chư Păh (Gia Lai), cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ia Nhin đã hoàn thành tập huấn bồi dưỡng 3 môn – đun: Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục; Quản trị nhân sự và Quản trị tài chính theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình. 

Từ các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cô Thu đã lĩnh hội được nhiều kiến thức mới, được học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của mình.

“Những gì lĩnh hội được từ những tập huấn, bồi dưỡng và từ giảng viên chủ chốt của các trường sư phạm, trong đó có Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), tôi sẽ truyền đạt, tư vấn cho đồng nghiệp của mình, để cùng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước mắt là đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của năm học 2021-2022 này” – cô Thu trao đổi.

Theo cô Thu, mô hình hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) có nhiều lợi ích cho cả giáo viên, cán bộ cốt cán và đại trà, không bị hạn chế thời gian, không gian, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Qua đó, chúng tôi có thể hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Nếu gặp khó khăn có thể trao đổi với giảng viên sư phạm, để cùng nhau tháo gỡ” – cô Thu chia sẻ.

Một lớp học ảo hỗ trợ giáo viên đại trà tỉnh Quảng Trị.
Một lớp học ảo hỗ trợ giáo viên đại trà tỉnh Quảng Trị.

Không chỉ tham gia tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ giáo viên cốt cán, TS Lê Thị Ngọc Anh – giảng viên Trường Sư phạm (ĐH Huế) còn hỗ trợ giáo viên đại trà thông qua nhiều hình thức như: Lập nhóm zalo để giải đáp những thắc mắc của học viên; tham gia làm báo cáo viên trực tiếp trao đổi với giáo viên về các mô – đun bồi dưỡng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hỗ trợ giáo viên đại thông qua lớp học ảo….

“Những buổi thảo luận, trao đổi sôi nổi của các học viên đã trở thành động lực, để chúng tôi ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin tưởng của nhà trường, xứng đáng với sự kỳ vọng của học viên; từ đó cùng thực hiện tốt nhất công tác bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” - TS Lê Thị Ngọc Anh bày tỏ.

Tích cực hỗ trợ trong quá trình tự bồi dương

TS Nguyễn Bá Phu hỗ trợ các học viên trong lớp bồi dưỡng mô - đun 2 - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
TS Nguyễn Bá Phu hỗ trợ các học viên trong lớp bồi dưỡng mô - đun 2 - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Trực tiếp là báo cáo viên của khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 2 về quản trị nhân sự, TS Nguyễn Bá Phu – giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết, một trong những điểm nhấn của khóa bồi dưỡng là có sự kết hợp giữa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến theo công thức 3 - 5 - 7.

Trong đó có 5 ngày học viên tự học online trước khi tập huấn trực tiếp, 3 ngày tập huấn theo phương pháp mặt giáp mặt. Sau đó, học viên có 7 ngày để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập cuối khóa và nộp bài làm trên hệ thống học tập trực tuyến.

Theo TS Nguyễn Bá Phu, điều quan trọng là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên cốt cán cần tự học, tự bồi dưỡng và hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình. “Thông qua các nhóm zalo, diễn đàn học tập, chúng tôi sẽ hỗ trợ học viện trong quá trình tự bồi dưỡng.

Qua đó, giúp họ vừa chắc về kiến thức nền tảng, vừa có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ việc học hỏi giữa các đồng nghiệp với nhau” - TS Nguyễn Bá Phu trao đổi.

Giáo viên chủ động tự bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Chương trình ETEP.
Giáo viên chủ động tự bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Chương trình ETEP.

TS Trần Văn Giang – Thư ký Chương trình ETEP Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết: Báo cáo viên là các giảng viên chủ chốt. Đây là đội ngũ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có kinh nghiệm thực tiễn và đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, biên soạn, xây dựng chương trình phổ thông mới và được giao nhiệm vụ trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) được giao phụ trách bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán của 10 tỉnh, với hơn 100 nghìn giáo viên. Đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt đã được tập huấn kỹ lưỡng, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng cẩn trọng và công phu.

Theo đó, giảng viên chủ chốt sẽ chuẩn bị kịch bản, bài giảng và sẽ tập huấn trực tiếp cho giáo viên cốt cán tại các địa phương, sau đó đội ngũ này sẽ hỗ trợ giáo viên đại trà. Giảng viên chủ chốt sẽ là người thành lập các nhóm hoặc diễn đàn để giữ mối liên hệ với nhau, cùng nhau hỗ trợ trong quá trình tự bồi dương.

“Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng được áp dụng theo mô hình “đa cấp” - TS Trần Văn Giang chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Bằng hình thức này, giảng viên vừa có trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán, vừa hỗ trợ được giáo viên đại trà và mang lại hiệu quả kép.

"Thông qua hoạt động bồi dưỡng, tôi cũng học hỏi và lĩnh hội được nhiều kiến thức và những tình huống thực tiễn từ chính những học viên của mình. Với chúng tôi, đó là những bài học quý giá, giúp chúng tôi có thêm chất liệu thực tế để bổ sung vào tài liệu, giáo trình; từ đó tiếp tục hành trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên ở những địa phương khác".
TS Lê Thị Ngọc Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ