NSƯT Thái Phụ - Thúy Vân có nhau trong mọi hành trình

GD&TĐ - Đến nay, dù đã lên ông, lên bà nhưng đôi vợ chồng nghệ sĩ Thái Phụ - Thúy Vân vẫn luôn có nhau trong mọi hành trình cuộc sống.

Gia đình NSƯT Thái Phụ và Thúy Vân trong buổi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.
Gia đình NSƯT Thái Phụ và Thúy Vân trong buổi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.

Ra Hà Nội nhận danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, đôi vợ chồng nghệ sĩ Thái Phụ - Thúy Vân tỏ lòng biết ơn Đảng và Nhà nước đã có những chính sách kịp thời đối với nghệ sĩ cao tuổi có đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Kép độc tài hoa

Dù cả cuộc đời gắn với nghệ thuật vùng đất phương Nam nhưng NSƯT Thái Phụ lại là người con của quê hương miền Trung đầy nắng và gió - Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Là diễn viên sân khấu khóa 2 Trường Nghệ thuật Sân khấu Cầu Giấy, Hà Nội (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), ngay từ những ngày đầu, ông sớm bộc lộ khả năng diễn xuất qua các vai chính trong các vở diễn như: Tương Tử trong “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, xếp bót trong “Tiếng sấm Tây Nguyên”, Tư Cường trong “Quê hương dậy sóng”, Lê Duy Hiển, Sầm Nghi Đống trong “Nguyễn Huệ”, chi trưởng trong “Đội kịch chim chèo bẻo”…

Dù vào vai nào, ông cũng khắc họa nhân vật một cách độc đáo, cá tính, đặc biệt các vai phản diện.

Gần 20 năm gắn bó với Đoàn Ca kịch Liên khu 5, NSƯT Thái Phụ góp mặt ở hầu khắp các chương trình, vai diễn. Ông còn là thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ xung kích “Tiếng hát át tiếng bom”, cùng các nghệ sĩ, đồng đội vật lộn nơi chiến trường bom rơi, đạn lửa, biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ trên tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Đường Bảy, Nam Lào đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Trong chặng đường hành quân gian khổ, cả gia tài chỉ gói gọn trong ba lô con cóc, rừng thẳm là nhà, tăng, võng là giường, sân khấu biểu diễn là những vạt đất san vội... đã rèn luyện cho chàng nghệ sĩ trẻ Thái Phụ một tinh thần thép của người chiến sĩ.

Dẫu gian khổ là vậy, dẫu đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc cũng chẳng đủ dập tắt tinh thần lạc quan phơi phới và chất nghệ sĩ thi vị trong tâm hồn ông. Chẳng những là diễn viên tràn đầy năng lượng trên sân khấu, Thái Phụ còn là cây viết nhanh nhạy, kịp thời phản ánh những gương sáng trong lao động và chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ.

Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm song ca bài Chòi, độc tấu nói, kịch ngắn… được đồng bào và chiến sĩ yêu thích thời bấy giờ, như: “Ngã ba Đồng Lộc - chiều nay anh hát”, “Chiến công Vĩnh Thủy”, “Chuyện mạ thằng cu Huê”, “Bức điện khẩn”…

Có thể nói, tuổi trẻ của nghệ sĩ Thái Phụ là những năm tháng gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, gắn liền với những chuỗi ngày hành quân, biểu diễn trên khắp các chiến trường.

“Đối với tôi, đó là quãng thời gian đầy gian khó về vật chất, nhưng cũng là những năm tháng hạnh phúc tràn trề; là nơi được dốc hết bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của người “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”, để cống hiến tài năng và tuổi xuân của mình cho đồng chí, đồng bào”, NSƯT Thái Phụ bày tỏ.

Hoàn thành nhiệm vụ người nghệ sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường miền Bắc, Thái Phụ tiếp tục được cử đi “B” phục vụ các chiến trường miền Nam - Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng đến Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đó cũng là lúc ông tình nguyện ở lại Đoàn Ca kịch Bài Chòi Thuận Hải (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận) để xây dựng phong trào văn nghệ cho địa phương.

Tại đoàn Thuận Hải, nghệ sĩ Thái Phụ tiếp tục bộc lộ tài năng của mình qua nhiều vai diễn xuất sắc, để lại niềm yêu mến trong lòng đồng nghiệp và khán giả như vai Đại úy Linh Ngọc trong “Một mạng người”, trùm Fulro trong “Mảnh đất anh nằm”, Lã Quý trong “Đôi mắt biên cương”, đặc biệt là vai ông Năm Sanh trong vở “Bông trắng” đã đem đến cho ông giải Diễn viên xuất sắc (không có cơ cấu Huy chương Vàng, Bạc) tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.

Đặc biệt, NSƯT Thái Phụ đã khắc họa và thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ trong vở ca múa “Giấc mơ gặp Bác”. Vở diễn đã được nhiều giải thưởng và đạt Huy chương Vàng trong Liên hoan văn nghệ “Tiếng hát làng Sen” năm 1994, nhận nhiều lời ngợi khen, đánh giá cao của các cấp lãnh đạo và công chúng khán giả.

Sẵn sàng xông pha, nỗ lực hết mình trong từng vai diễn, chẳng nề hà gian khó, hiểm nguy, dù ở đâu, dù đảm nhiệm bất cứ nhiệm vụ gì, nghệ sĩ Thái Phụ cũng để lại niềm mến mộ, yêu tin. Cũng vì lẽ đó, ông được tin tưởng trao chức vụ Phó Trưởng đoàn Ca kịch Thuận Hải (1980 - 1985), Trưởng đoàn Cải lương Nhạn Trắng - Bình Thuận (1985 - 1994).

Đứng trước nhiều xáo trộn, thay đổi của tình hình giải thể - sáp nhập 3 đoàn văn công chuyên nghiệp của tỉnh Bình Thuận năm 1994. Nghệ sĩ Thái Phụ tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao trọng trách Trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc Bình Thuận.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông kịp thời đề xuất và kiến thiết lại cơ cấu nhân lực của đoàn, triển khai tuyển chọn 2 lớp diễn viên ca và múa trẻ là con em của địa phương để gửi đi đào tạo, bồi dưỡng. Gần một năm sau khi kiến thiết lại đoàn, ông xây dựng và đạo diễn thành công Chương trình nghệ thuật tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.

Chương trình đạt Huy chương Vàng, nhận được nhiều thiện cảm của bạn bè nghệ sĩ trên toàn quốc. Năm 1996, Đoàn Ca múa nhạc Bình Thuận cũng được đánh giá cao trong cuộc Liên hoan Múa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

Chỉ trong vòng 3 năm - sau khi sáp nhập, nghệ sĩ Thái Phụ đã dẫn dắt Đoàn Ca múa nhạc Bình Thuận trở thành một trong những đoàn nghệ thuật vững mạnh, tạo nền móng vững chắc cho đoàn trở thành một nhà hát (Nhà hát Ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận) có tiếng vang. Bên cạnh đó, ông còn được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội (1997 - 2001).

Có thể thấy ở ông - người nghệ sĩ đã kinh qua nhiều nhiệm vụ, vị trí, chức vụ khác nhau, dù là một diễn viên sân khấu hay nhà biên kịch, nhà báo, nhà quản lý, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật…, ở bất cứ cương vị, môi trường nào cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc và khẳng định được tài năng nổi bật của mình.

Ngay cả khi đã về nghỉ chế độ theo quy định Nhà nước, ông vẫn say sưa sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực sáng tác, đạo diễn, giảng dạy… và là người truyền cảm hứng, lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Nghệ sĩ Thái Phụ vai ông Năm Sanh trong vở 'Bông trắng'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thái Phụ vai ông Năm Sanh trong vở 'Bông trắng'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thúy Vân vai Nguyệt Nga trong vở 'Kiều Nguyệt Nga'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thúy Vân vai Nguyệt Nga trong vở 'Kiều Nguyệt Nga'. Ảnh: NVCC.

Đào thương đảm đang

Châm ngôn có câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Có lẽ điều này thật đúng với NSƯT Thái Phụ. Bởi lẽ, để ông có thời gian toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật trên suốt chặng đường dài từ thời trai trẻ đến nay thì hình bóng người bạn đời chung thủy, tận tâm là NSƯT Thúy Vân – một diễn viên ca kịch với nhiều vai diễn để đời - luôn kề vai, sát cánh, giúp đỡ ông trong các công việc từ nhỏ đến lớn, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Bởi vậy, dẫu không khoa trương, mĩ miều nhưng nhìn cái cách ông thầm lặng săn sóc, quan tâm đến bà khi cùng ra Hà Nội nhận danh hiệu cao quý cũng đủ hiểu tình cảm ông dành cho bà còn hơn cả niềm biết ơn, trân trọng.

NSƯT Thúy Vân từng là nữ diễn viên tài - sắc vẹn toàn, cơ duyên đến với nghiệp sân khấu của bà khá sớm. Năm 1964, trong một lần Đoàn Ca kịch Liên khu V về Thanh Hóa biểu diễn và tuyển diễn viên, bà đã trúng tuyển rồi “liều mình” trốn cha mẹ đi theo học tập, biểu diễn khi mới là cô bé 13 tuổi.

Chỉ trong vòng 2 năm sau khi vào đoàn, Thúy Vân đã được giao một số vai diễn chính trong các vở kịch vừa và dài, như: Hạnh trong “Đội kịch chim chèo bẻo”, Bảy Quế trong “Quê hương dậy sóng”, Thoại Khanh trong “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, Ngọc Hân trong Nguyễn Huệ, H’Liêu trong “Tiếng sấm Tây Nguyên”, Đào trong “Bông trắng”…

Hóa thân vào vai diễn nào cô đào thương này cũng khắc họa nhân vật một cách rõ nét, để lại trong lòng khán giả niềm yêu quý, hâm mộ. Trong đó, vai diễn đầu tiên – Hạnh trong “Đội kịch chim chèo bẻo” đã được trao Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970.

Sau khi Đoàn Ca kịch Liên khu V bị bán một phần về tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận), NSƯT Thúy Vân đã theo đoàn vào dải đất Nam Trung Bộ để gây dựng Đoàn Ca kịch Thuận Hải.

Tại đây, bà đã cùng các nghệ sĩ của đoàn dàn dựng và biểu diễn nhiều vở ca kịch phục vụ đồng bào, như: “Bác Ái”, “Đôi mắt biên cương”, “Vách đá nóng bỏng”, “Vua hóa hổ”, “Nàng Sita”, “Vòng tay anh”, “Bông trắng”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”…

Mặc dù thế mạnh của bà là đào thương, nhưng khi vào vai đào độc, đào lẳng bà cũng “nhập vai” khá độc đáo, cá tính. Ví như vai Nhi trong vở “Bác Ái” đã đem lại cho Thúy Vân giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, rồi vai Hòa Phát trong vở “Vách đá nóng bỏng” giành Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Nghệ sĩ Thái Phụ nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thái Phụ nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thúy Vân nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thúy Vân nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: NVCC.

Khi còn hoạt động nghệ thuật, dẫu năng nổ, đam mê, say sưa trong các vai diễn, chương trình nghệ thuật của đoàn là vậy nhưng bà luôn tâm niệm chăm sóc gia đình, chồng con chính là thiên chức, là niềm hạnh phúc của người vợ, người mẹ.

Bởi thế, sau ngày giải thể 3 đoàn văn công chuyên nghiệp năm 1994 cũng là lúc bà quyết định lui về “hậu trường” lo toan nội trợ, chăm sóc chồng con, đặc biệt là trợ giúp cho chồng để ông yên tâm sáng tạo, cống hiến.

Đến nay, dù đã lên ông, lên bà nhưng đôi vợ chồng nghệ sĩ này vẫn luôn có nhau trong mọi hành trình cuộc sống. Bà chính là trợ thủ đắc lực, người bạn đồng hành và là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao giúp ông vượt mọi trắc trở, khó khăn để chu toàn mọi việc công - tư.

Dường như thế hệ ông bà là thế, không nề hà bất cứ việc gì, đất nước và nhân dân cần là sẵn sàng xả thân - đi và biểu diễn hết mình mà không băn khoăn, đòi hỏi bất cứ điều gì… Có lẽ đó cũng là phẩm chất, khí phách, nhiệt huyết của những người nghệ sĩ năm xưa đã làm nên sức mạnh và thương hiệu Đoàn Ca múa Thuận Hải thời bấy giờ.

Cùng nhận tấm danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 do Nhà nước trao tặng lần này khi cả ông và bà đều đã ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” âu cũng là niềm động viên, an ủi tuổi già cho họ khi đã trải qua thăng trầm, biến thiên của chiến tranh sinh tử, của những khó khăn, thiếu thốn của giai đoạn lịch sử cam go của đất nước.

NSƯT Thái Phụ và Thúy Vân hoạt động, sáng tạo như một nhu cầu tự thân; làm việc chỉ để thỏa nỗi đam mê, thỏa cái nghiệp đã vận vào thân chứ chẳng vì vật chất hay danh vị. Ông và bà là “tuýp” người thẳng thắn, chân thành, không ưa bon chen, hơn thua với đời, cũng chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân... Có lẽ, đó cũng là một phần lí do khiến danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đến với ông bà khá muộn mằn so với bè bạn cùng trang lứa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ