Không nhiều người có được tình yêu, sự dẻo dai, sung sức với nghệ thuật như Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt – “giọng ca vàng” của hát cải lương, xẩm, ca trù... của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời.
Dù rời nhiệm sở hơn 10 năm nhưng chưa khi nào thấy bà nghỉ ngơi, đặc biệt qua việc bà sáng lập và dẫn dắt Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa hoạt động suốt 13 năm qua.
Vinh dự được gặp Bác Hồ
Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt. |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Nam Định, cha là nghệ nhân đàn bầu Nguyễn Tiếu, một trong những người sáng lập Đoàn Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), bởi vậy Thúy Đạt đến với âm nhạc truyền thống có nhiều thuận lợi.
Khi ấy người cha đã truyền dạy cho Thúy Đạt và người anh song sinh - nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng và cũng rất nghiêm khắc. Bởi thế, hai anh em đã sớm là những nghệ sĩ nhí “có tên tuổi” ở CLB thiếu nhi Vàng Anh, do nhạc sĩ Trần Viết Bính phụ trách.
Năm 1965, bà đã cùng anh trai và chị em nhà Ái Vân, Ái Xuân biểu diễn cho Bác Hồ xem ở Phủ Chủ tịch. Khoảnh khắc được đứng bên Bác, được Bác thân mật trò chuyện, động viên rồi phát kẹo là vinh hạnh lớn với một cô bé tuổi 12 khi ấy và cũng là động lực để bà nuôi ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Năm 1969, cô gái Thành Nam vào học khóa 3 lớp cải lương Trường Sân khấu Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Tại đây, Thúy Đạt đã được học các bậc tiền bối trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ như các thầy Ba Bằng, Ba Du, Văn Bá, Ba Dậu và các thầy cô giáo ở miền Bắc như: Ngọc Trai, Quỳnh Nga, Minh Phương, Thu Vân, Quang Vinh… dạy dỗ.
Có thể nói lối sống Nam Bộ và chất cải lương đã “ngấm” vào cô nữ sinh đất Bắc như hơi thở, máu thịt để rồi Thúy Đạt trở thành một trong những sinh viên xuất sắc.
Nhận được lời động viên của người chị gái là đạo diễn Nguyễn Hương Liên, một trong những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho ngành truyền hình, bà đã mạnh dạn đến Đài Tiếng nói Việt Nam ứng tuyển. Và với chất giọng đẹp, giàu chất trữ tình, tiết mục thử giọng bài hát “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” của bà đã lọt vào “mắt xanh” của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Triều Dâng và Dân Huyền.
Bà trúng tuyển và làm việc tại tổ cải lương, Đoàn Ca nhạc của Đài khi còn 2 tháng nữa mới tốt nghiệp. Năm 1998, bà chuyển sang công tác biên tập tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền và ghi dấu ấn với thính giả qua các chương trình “Chân dung nghệ sĩ cải lương”, “Giai điệu phương Nam”, “Yêu mãi khúc dân ca”, “Ơn nghĩa sinh thành”…
Một gia đình nghệ thuật
Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt và hai con gái. |
Là chỗ thân thiết với gia đình nghệ sĩ Thúy Đạt, tôi cũng có nhiều dịp được trò chuyện với các con của bà và vô cùng ngưỡng mộ về một gia đình nghệ thuật đặc biệt này.
Tôi đã từng nghe nghệ sĩ, nhạc sĩ Thúy My, con gái út của NSƯT Thúy Đạt (hiện công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) kể về đại gia đình nghệ thuật của mình: “Bố tôi - NSƯT trống chèo Văn Hùng (nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam) là người thầy đầu tiên dạy tôi phối khí cho dàn nhạc dân tộc và cũng là người truyền cảm hứng, động viên để tôi mạnh dạn theo con đường sáng tác khí nhạc cho nhạc cụ dân tộc.
Mẹ tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc dân tộc, từ khi còn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến tận bây giờ mẹ tôi vẫn luôn làm việc không ngừng để sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng. Dường như bà sinh ra là để làm nghệ thuật, cống hiến cho âm nhạc dân tộc”.
Với nghệ sĩ Thúy Đạt, Đài Tiếng nói Việt Nam như “bình dưỡng khí” để cả gia đình được sống trong hơi thở nghệ thuật dồi dào, bất tận. Gia đình bà là một gia đình đặc biệt khi tất cả 4 thành viên đều là nghệ sĩ của Đài. Nếu như con gái út Thúy My theo nghiệp bố thì cô con gái cả theo nghiệp mẹ là biên tập viên Thúy Thúy công tác tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài.
“Đài Tiếng nói Việt Nam là môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, thuần khiết giúp cho các thành viên trong gia đình tôi được sống với nghề một cách chân chính. Tôi quan niệm chỉ khi nào sống không toan tính thì mới toàn tâm toàn ý hoạt động nghệ thuật phục vụ khán, thính giả tốt nhất được”, NSƯT Thúy Đạt chia sẻ.
Nghệ sĩ Thúy Đạt cho biết, gia đình bà sống vui vẻ, đầm ấm, thoải mái như một gia đình cộng đồng. Các thành viên khi trao đổi nghệ thuật có thể đập bàn, đập ghế để ra được một tác phẩm.
Cha mẹ không áp đặt mà luôn tôn trọng ý tưởng, sự sáng tạo của con trong nghệ thuật. Họ cũng thường xuyên kết hợp để cho ra các tác phẩm như trong tập sách “Thơ và nhạc” do Đài Tiếng nói Việt Nam xuất bản nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập, đã in ca khúc “Chuyến đò nhân văn” do Thúy My phổ thơ mẹ. “Không thầy đố mày làm nên”, ca khúc với giai điệu sâu lắng, ca từ da diết đã ngợi ca công lao của những người thầy cô giáo với sự nghiệp “chở đò” đầy nhân văn, nghĩa tình.
Không chỉ sở hữu giọng ca vang, sáng, truyền cảm mà trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghệ sĩ Thúy Đạt còn làm thơ, soạn lời, sáng tác nhạc để cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch trong toàn dân, toàn quân, trong đó nổi bật là bài xẩm “Tình yêu thời nạn dịch Covid” rồi ca khúc “Việt Nam đất nước tôi yêu” theo thể hành khúc với tiết tấu sôi nổi, hào hùng.
Đặc biệt, trong thời gian cách ly toàn xã hội, bà đã cùng hai người con gái cho ra mắt MV “Việt Nam đất nước tôi yêu” với tinh thần: “Đồng lòng quyết chung tay khi gặp cơn nguy biến/ Sánh kề vai trên khắp cả mọi miền/ Việt Nam con cháu Lạc Hồng...”.
Truyền tải giáo lý nhà Phật
Vốn là người theo Phật giáo từ khi mới một tuổi (mẹ của bà “gửi” bà cho nhà chùa Vọng Cung ở Nam Định) với pháp danh Diệu Thông, vậy nên nghệ sĩ Thúy Đạt đã luôn đau đáu với việc thành lập CLB để biểu diễn trong các lễ hội Phật giáo.
Nói về việc thành lập CLB Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa, nghệ sĩ Thúy Đạt cho biết: “Năm 2008, dịp Đại lễ Phật đản VESAK, Thượng tọa Thích Thọ Lạc được giao tổ chức một chương trình nghệ thuật chào mừng ở chùa Bái Đính. Do trước đó thầy đã biết gia đình tôi có ra một CD gồm những bài ca về Phật giáo nên thầy đã mời tham gia chương trình.
Sau lần hợp tác ấy, tôi càng mong muốn được xây dựng một đơn vị nghệ thuật chuyên hát những bài ca về Phật pháp và được Thượng tọa Thích Thọ Lạc hết sức ủng hộ. Ngày 19/2/2009 (âm lịch), CLB chính thức ra đời với số thành viên ban đầu là 17 người”.
CLB hoạt động với tinh thần “Không đòi hỏi, không tính toán” tất cả là tự nguyện đến với Phật, bởi vậy suốt thời gian qua các thành viên đã dày công vun vén cùng nhau xây dựng một “sân chơi” thực sự bổ ích, hướng con người ta đến cái thiện, cái tâm trong sáng. Họ đã biểu diễn ở gần 100 ngôi chùa ở trong nước cũng như ở các nước lân cận.
Họ vẫn hay nói đùa với nhau là đi hát ở nhà chùa “vừa được ăn, được nói, vừa được gói mang về”, tức là được ăn cơm chay ở nhà chùa, được hát, được thụ lộc mang về nữa. CLB đã được biểu diễn ở 3 kỳ Đại lễ VESAK gần đây và tham gia nhiều sự kiện Phật giáo lớn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đông đảo tăng ni, phật tử đánh giá cao.
Để phục vụ việc hoạt động biễu diễn của CLB, nghệ sĩ Thúy Đạt còn sáng tác gần 30 ca khúc, bài thơ và chuyển soạn theo làn điệu dân ca 3 miền. Nói về khả năng sáng tác, nữ nghệ sĩ khiêm tốn cho biết: “Thực lòng tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ sáng tác nhưng do lòng đam mê muốn trải lòng mình với các vấn đề của cuộc sống xã hội và nhất là trong môi trường Phật giáo, tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé để cố gắng góp nhặt lời răn của đức Phật. Đặt ca từ trong một bài hát nào đấy theo lời dân gian, tôi luôn cố gắng chọn lựa sao cho ý văn được trau chuốt và phải thật vần điệu để người nghe dễ hiểu, dễ “ngấm””.
Ngoài ra, nghệ sĩ Thúy Đạt còn tiên phong khôi phục một số làn điệu âm nhạc dân gian có chủ đề liên quan đến Phật giáo. Trên cương vị Chủ nhiệm CLB, bà còn tham gia dàn dựng những chương trình nghệ thuật trong các sự kiện lớn như Đại lễ VESAK, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... Là thành viên tích cực của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, CLB Liên Hoa đã có nhiều hoạt động truyền tải tinh thần Phật giáo đến với đông đảo phật tử, nhân dân và được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao.
Trên trang Facebook của nghệ sĩ Thúy Đạt luôn cập nhật những hoạt động nghệ thuật của bà. Trên vai trò Chủ nhiệm CLB Liên Hoa, bà thường xuyên có những buổi hướng dẫn tập luyện cho các thành viên để chuẩn bị tốt nhất cho các chương trình. Bà quan niệm, hát nơi cửa chùa thì luôn cần sự nghiêm cẩn và yếu tố nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu.
Với những người sinh hoạt trong CLB thì đây không chỉ là nơi vui thú tuổi già, mà còn là nơi gắn kết, hướng con người đến cái tâm trong sáng, hướng thiện. Đánh giá về các hoạt động của nghệ sĩ Thúy Đạt, nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng: “Thúy Đạt đích thị là người sinh để làm nghệ thuật, yêu, phấn đấu cho nghệ thuật bằng tất cả tâm hồn, trí tuệ của mình.
Ở bà “ngọn lửa” nghề luôn bừng cháy, dù tuổi tác mỗi năm có nhiều thêm, sức khỏe có dần hạn chế hơn. Những hoạt động của Thúy Đạt sẽ khích lệ, động viên cho các nghệ sĩ trẻ tiếp bước để gìn giữ, phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc, để âm nhạc dân tộc trường tồn cùng thời gian”.