Năm nay, tròn 30 năm bộ phim Cô gái trên sông (tác giả và đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh) ra đời. Bộ phim đã được trao giải Bông sen bạc trong liên hoan phim (LHP) VN lần thứ 8 năm 1988 tại Đà Nẵng, đồng thời đem về cho diễn viên Minh Châu (vai Nguyệt) giải diễn viên nữ chính xuất sắc nhất.
Hai năm sau, tại LHPVN lần thứ 9 ở Nha Trang, Minh Châu lần nữa được tôn vinh với giải diễn viên chính xuất sắc trong vai Liên, phim Người đàn bà nghịch cát (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn).
Năm 2010, tại LHP truyền hình toàn quốc, Minh Châu tiếp tục giành thêm một giải diễn viên xuất sắc nữa qua vai bà Thường hút-thuốc-lào trong phim được khán giả bầu chọn yêu thích nhất Bí thư tỉnh ủy (đạo diễn Quốc Trọng).
Vừa qua, NSND Minh Châu xuất hiện trong giải Cánh diều 2016 với tư cách thành viên ban giám khảo phim truyện điện ảnh, trong cuộc gặp gỡ này với PNCN, câu chuyện khiến chị hào hứng hơn cả, chính là nhắc lại những kỷ niệm với bộ phim Cô gái trên sông nhân dịp bộ phim vừa bước sang tuổi “tam thập”.
NSND - Diễn viên Minh Châu
* Trong hồi ký của mình, NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh viết: “Tôi đã mời nữ diễn viên Minh Châu vào vai Nguyệt (cô gái làng chơi trong phim ) không chút do dự mặc dù trước đó, cô đã đóng vài vai nhưng chưa để lại ấn tượng gì. Tôi tin ở lựa chọn của mình và quả thực, Minh Châu đã hoàn thành vai diễn này một cách xuất sắc”. Đây là vai diễn đã đem lại cho Minh Châu giải “vàng quốc gia” đầu tiên, hẳn nó đã là một dấu ấn đặc biệt với chị?
- Thật ra, đây là vai đạo diễn Đặng Nhật Minh “đền” cho tôi sau khi tôi bị “hụt” một vai trong một phim trước đó của anh. Bởi anh viết vai cô Nguyệt này như “đo ni đóng giày” cho tôi vậy. Khi đọc kịch bản, tôi đã quá thương nhân vật, một cô nữ sinh Đồng Khánh bị đày tới đường cùng phải làm nghề bán thân trên sông Hương. Trong chiến tranh, cô tình cờ cứu một chiến sĩ hoạt động nội thành bị địch truy bắt và đặt niềm tin vào lời hứa của anh sẽ trở lại giúp cuộc đời cô thay đổi. Nhưng sau ngày đất nước giải phóng, cô tìm gặp anh và không ngờ bị anh quay lưng.
Tuy rất thích nhân vật, song tôi cũng có phần lo, vì một cô gái làng chơi quá xa với mình, phim lại có nhiều cảnh hở hang. Lúc ra hiện trường, đầu óc tôi sợ đủ thứ, sợ xã hội chê cười, sợ chồng giận (chồng tôi là phó đạo diễn phim này). Mặc dù có người đóng thế những cảnh quá… nhạy cảm, song phần lớn tôi vẫn phải đảm nhận.
Tôi vừa làm vừa lo nên “ông phó đạo diễn” nói gì cứ nhắm mắt nghe theo. Mặt khác, cố tránh đóng những cảnh quá bạo, tôi lại bị đạo diễn chính “khó chịu” ra mặt. Sau, tôi nghĩ, mình đóng phim chứ có làm gì sai đâu mà phải sợ, vậy là làm hết sức. Chính vì tâm trạng này mà mỗi khi có dịp xem lại phim, tôi lại thấy thương... mình, lại khóc, còn nguyên cảm xúc như khi đang làm phim vậy.
Diễn viên Minh Châu thời trẻ
* Nghe đâu sau phim này, tình cảm vợ chồng chị bị rạn nứt?
- Khi vừa công chiếu, phim đã gây được tiếng vang lớn, ở rạp “cháy” vé, một hiện tượng khá hiếm hoi đối với phim VN lúc bấy giờ. Tôi nhận được rất nhiều thư khán giả. Nhưng tình cảm giữa vợ chồng tôi thì ngược lại.
Chồng tôi cảm thấy mất mát, nghĩ vợ dễ dãi, nên từ đó cũng tự cho phép mình được sống buông thả. Lúc ấy, tôi nghĩ phụ nữ làm nghệ thuật quá thiệt thòi, buộc mình phải chọn lựa, hoặc làm “nửa vời” để giữ gia đình, hoặc dấn thân thì hạnh phúc sẽ đổ vỡ. Âu cũng là luật bù trừ, khó ai được cả hai.
Như khi tôi đi đóng phim xa hai tháng, cuộc sống trong nhà đảo lộn hết cả. Vợ một mặt cần ăn diện, giao tiếp bên ngoài, mặt khác, lại phải có bổn phận chăm con, bếp núc... Người chồng nào chẳng muốn vợ ở nhà, đảm đang chuyện nội trợ. Song tôi lại nghĩ, ông trời không lấy hết của ai, mất cái này sẽ được cái khác.
* Vậy trong trường hợp của Minh Châu, cái được và cái mất có cân bằng?
- Tôi thấy cân bằng, cái gì cũng có cái giá của nó. Tôi không được một người chồng đúng nghĩa, song tôi được bù đắp bởi những thành tựu mà không phải chỉ bằng giấc mơ, được sự nhìn nhận và tình cảm của công chúng, có những người vì yêu vai diễn của mình mà thành bạn tri âm, tri kỷ... Tôi vốn có tính cách quyết liệt, đã thích làm gì là làm cho bằng được, sẵn sàng chấp nhận hậu quả, không kêu ca gì.
Vẻ đẹp đáng nhớ của diễn viên Minh Châu thời trẻ
* Vừa qua, đạo diễn Đặng Nhật Minh, Minh Châu và Hà Xuyên (đóng vai nữ nhà báo Liên), ba người cộng tác cùng nhau trong phim Cô gái trên sông đã tình cờ hội ngộ, cụng ly mừng Cô gái trên sông tròn 30 năm. Chuyện gì được nhắc đến nhiều trong cuộc gặp gỡ thú vị này của các anh chị?
- Chúng tôi nhắc rất nhiều những kỷ niệm lúc làm phim. Có những chuyện, ngày ấy thấy “ghê gớm” nhưng bây giờ ngồi kể, chỉ thấy đọng lại tình cảm dành cho nhau, thấy đó là một phần đời đáng nhớ nhất của mình.
Chúng tôi bùi ngùi nhớ những người giờ đây không còn nữa, như Kiều Tuấn, chồng tôi, đồng thời là phó đạo diễn phim; như nghệ sĩ Anh Dũng, người đóng vai anh chiến sĩ nội thành... Những người còn lại như chúng tôi, mới ngày nào tuổi xuân phơi phới, nay tháng năm đã chất chồng trên cơ thể, trong câu chuyện bao giờ cũng hỏi thăm bệnh tật, thuốc thang.
Có điều đáng nói là, thời gian càng lâu, tình bạn giữa chúng tôi càng gắn bó. Như tôi với Hà Xuyên, khi đóng phim với nhau thấy quan hệ cũng bình thường, nhưng sau khi phim đóng máy, thì ngày càng thân, dù chúng tôi sống ở “hai đầu đất nước”.
* Minh Châu ngày ấy đã làm được một chuyện chưa có tiền lệ: đoạt hai giải diễn viên chính xuất sắc trong hai LHPVN liền nhau, năm 1988 tại Đà Nẵng với vai Nguyệt trong Cô gái trên sông và năm 1990 tại Nha Trang với vai Liên trong Người đàn bà nghịch cát. “Người đàn bà...” và “Cô gái...” có gì khác biệt?
- Cái khác là nếu Nguyệt trong Cô gái trên sông là đo ni đóng giày cho tôi, thì Liên trong Người đàn bà nghịch cát là vai mà đạo diễn Đỗ Minh Tuấn dành cho người khác. Diễn viên này đọc xong kịch bản thì trả lại vì thấy khó “chơi” quá. Đến sát ngày quay, đạo diễn mới mời tôi.
Hai nhân vật giống nhau ở chỗ họ đều là những phụ nữ có số phận cay đắng, nghiệt ngã. Liên trong Người đàn bà nghịch cát là một người phụ nữ có chồng, nhưng người yêu của cô đi bộ đội về đã đến “đòi” lại. Người chồng vì ghen, đã tìm nhiều cách hành hạ tinh thần vợ, bắt vợ viết “kiểm điểm”, thu âm, ngày đêm đều đặn mở bắt vợ phải nghe đến hóa điên. Tôi đã vắt kiệt sức cho vai diễn này.
Diễn viên Minh Châu và con gái
* Vào năm 2010, xem phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy, nhiều người ngạc nhiên khi thấy Minh Châu xuất hiện trong vai một người đàn bà nông dân (bà Thường) cầm chiếc điếu cày rít thuốc lào một cách thuần thục. Chị không ngại khi đóng những vai làm mất đi hình ảnh “người đàn bà đẹp điện ảnh” vốn là “biệt danh” của Minh Châu?
- Tôi quan niệm, nghề diễn viên là nghề không có sự lựa chọn, không phân biệt phim loại gì, điện ảnh hay truyền hình, miễn sao bao gồm được ba yếu tố: kịch bản hay, nhân vật tốt, đạo diễn giỏi. Loại vai gì tôi cũng diễn hết mình, làm hết trách nhiệm của người chuyển tải ý đồ đạo diễn. Nếu diễn không tốt, khán giả sẽ phản ứng ngay.
Trong phim Bánh đúc có xương (đạo diễn Đặng Thái Huyền), tôi đóng vai bà Thiện, một người đàn bà có bề ngoài xấu xí, đồng bóng, nhưng khán giả vẫn nhớ nhiều. Với tôi, một khi đã nhận vai là phải có trách nhiệm, đi đúng giờ, đọc kịch bản kỹ, đòi đạo diễn phải làm việc riêng một buổi với mình để đắp thêm da thịt cho nhân vật. Chẳng đạo diễn nào từ chối tôi việc đó cả.
Diễn viên Minh Châu trong vai bà Thường, phim Bí thư tỉnh ủy
* Thời Minh Châu vào nghề, thù lao đóng phim không cao, nhưng từ lâu nay, chị được cho là diễn viên điện ảnh có cuộc sống “phong lưu” hơn nhiều so với đồng nghiệp cùng thế hệ. Chị có thể chia sẻ đôi chút về điều này được không?
- Lúc “trục trặc” với chồng, tôi dắt con ra đi với hai bàn tay trắng, không nhà, không tiền… phải nương nhờ người thân, bạn bè một thời gian. Hoàn cảnh lúc ấy đã đẩy tôi tới chân tường, nếu không nghĩ ra gì để làm thêm thì chết. Đóng phim như “dạo chơi”, không sống được bằng nghề, nghệ sĩ chân chính đều rất nghèo.
Tôi nhìn thấy gương những nghệ sĩ đi trước, không làm gì thêm, về cuối đời, cuộc sống khó khăn. Đầu tiên, gom góp được chút tiền, tôi mua một căn nhà xập xệ 8m2, sửa sang lại để hai mẹ con ở. Được một thời gian, tôi bán căn nhà này mua nhà khác rộng hơn, được dôi ra chút ít tiền nuôi con. Cứ mỗi lần bán nhà cũ mua nhà mới lại có thêm một số tiền dư, nên tôi đã phải chuyển chỗ ở không biết bao nhiêu lần.
Đến khi điện ảnh bước vào thời kỳ làm toàn phim “mì ăn liền”, tôi có đóng vài phim nhưng thấy đó không phải là chỗ của mình nên quyết định nghỉ đóng phim, dành thời gian cho công việc kinh doanh nhà đất. Nghĩ lại thấy mình liều, bước vào công việc này không có chút kinh nghiệm nào hết, may mắn là gặp cơn sốt đất, có được nhiều cơ hội tốt, làm ăn dễ dàng.
Tôi tự hào đã lo được cho con học hành đến nơi đến chốn. Con gái tôi đã tốt nghiệp ngành kiểm toán, đã từng học hành, làm việc và định cư tại Mỹ, bây giờ muốn gần mẹ nên vừa trở về VN tìm kiếm cơ hội làm ăn. Bản thân tôi có cuộc sống đàng hoàng, không phải vất vả lo toan về kinh tế nữa, có thể nói là đang “hưởng thụ” cuộc sống, chỉ làm những gì mình thích, như đi du lịch, làm từ thiện, thấy phim nào được thì nhận.
Trong phim Dòng sông vàng
* Người đẹp như Minh Châu hẳn chưa phải đau khổ vì… thất tình?
- Có chứ. Người mình không yêu thì cứ xông đến, nhưng người mình yêu lại không để ý gì đến mình. “Theo tình, tình đuổi, đuổi tình, tình theo” là vậy. Tôi là một người đầy lòng tự ái, dẫu yêu đến cháy lòng, vẫn phải chờ người ta đến với mình, không “bạo” được như tuổi trẻ bây giờ.
Tôi thường tìm quên trong những hoạt động thể thao như tập gym, aerobic, tennis hoặc đi bơi. Bây giờ đến tuổi này, niềm vui là có những người bạn gái chung quanh để chia sẻ. Con tim không còn dành cho đàn ông nữa. Mình nghĩ vậy, nhưng cuộc sống luôn thay đổi và có nhiều bất ngờ, chẳng nói trước được điều gì.
Với diễn viên Anh Dũng trong phim Cô gái trên sông
* Là người đi trước, chị có lời khuyên gì cho lớp trẻ?
- Khi chọn nghề diễn thì phải đam mê và nghiêm túc. Không nghiêm túc sẽ không đạt được gì. Bất cứ giai đoạn nào, điện ảnh cũng cần người tài năng, đồng thời cũng cần có môi trường thuận lợi để những tài năng đó phát triển. Tôi từng đi dạy một số lớp, thấy đồng tiền có thể làm hỏng bản chất của nghệ thuật. Người ta mua điểm, có những người không đủ tư cách làm nghệ sĩ, vậy mà vẫn trở thành nghệ sĩ. Ngày xưa, chúng tôi vào lớp, thầy giáo giảng bài đầu tiên là tư cách nghệ sĩ, phải biết tôn trọng mình và tôn trọng khán giả.