Nốt trầm nghề đan lát mây tre

GD&TĐ - Cả làng Yến Nê (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) còn 5 hộ còn theo nghề đan lát, mà cũng chỉ là việc làm thêm lúc nông nhàn. Bám nghề chủ yếu vẫn là những người lớn tuổi bởi lớp trẻ ngày nay không mấy mặn mà với việc còng lưng ngồi đan lát. Quanh làng, những bụi tre xanh rì tốt um tùm bởi không mấy khi có người đốn hạ…

Mấy chục năm nay, thế ngồi đan vót của ông Liêm vẫn không thay đổi. Ảnh: T.G
Mấy chục năm nay, thế ngồi đan vót của ông Liêm vẫn không thay đổi. Ảnh: T.G

“Vợ đát, con đan, chồng lận, nức”

Bà Nguyễn Thị Chung (75 tuổi) vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt chọn những sợi tre để đan mủng đựng cam. “Đầu tiên là khâu lựa chọn tre, phải là những cây tre đủ độ già, thân to, thẳng, ít mắt. Cây tre sau khi đốn về thì cưa ra thành những khúc dài bằng nhau. Tiếp đó là chẻ tre thành sợi nan, vót cho láng đem phơi khô rồi đan thành mành. Thường thì đan xong hàng loạt rồi mới lận và nứt. Đoạn lận và nứt vành là khó nhất, làm sao để cho sản phẩm phải có độ tròn, không méo, dưới đáy phải bằng phẳng chứ không bị võng lên. Chằm nón còn có khuôn chứ lặn vành làm chi có khuôn.

Phải đan được năm, ba chục cái mới lặn một lần chứ công mô mà lặn từng cái một. Để thúng, mủng, dần, sàng… đẹp, lúc chẻ nan đều tay, nan có độ dày vừa phải, lúc đan phải biết chọn những chiếc nan dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng để đan với nhau thì mới đều và đẹp được” – bà Chung chia sẻ bí quyết “nghề nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Chung - một trong bốn hộ còn lại ở Yến Nê vẫn theo nghề đan lát. Ảnh: T.G
Bà Nguyễn Thị Chung - một trong bốn hộ còn lại ở Yến Nê vẫn theo nghề đan lát. Ảnh: T.G 

Mười tuổi, cô bé Chung đã bắt đầu phụ việc đan lát với gia đình. “Hết mùa làm ruộng, cả nhà quây quần ngồi đan, mỗi người một việc”, bà Chung nhớ lại và kể: “Hồi xưa nhà tui đan đủ thứ, từ thúng mủng, dần sàng, rổ… Làm xong có thương lái đến tận nhà lấy hàng đi nhập cho các chợ quanh Đà Nẵng. Nhiều khi hàng làm ra không kịp đơn đặt. Giờ thì chỉ còn làm trẹt đựng trái cây chứ rổ, rá, thúng mủng chịu rồi vì có đan ra cũng không ai mua. Mà trẹt trái cây người ta không dùng đồ nhựa được vì sợ hư hỏng chứ không bọn tui cũng “hết cửa” làm nghề”.

Trung bình mỗi tháng, 2 ông bà làm cầm chừng khoảng 100 cái, để sỉ cho thương lái với giá 18.000 đồng/cái, coi như lấy công làm lời.

Mai một nghề đan thuyền thúng

Gia đình ông Phan Liêm (tổ 22, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) gần như là chủ cơ sở đan thuyền thúng duy nhất vẫn còn bám trụ với nghề đan thuyền thúng cho ngư dân đi biển. Xưa kia, các làng chài ven biển hầu như nhà nào cũng đan thuyền thúng, nhưng rồi cơn lốc đô thị hóa tràn qua, những ai có thể tiếp cận với nghề khác đều lần lượt rời bỏ cây rựa, long tre nên nhân lực của nghề đan cứ thế vơi dần rồi chỉ còn 3 cha con ông Liêm nắm níu với nghề.

Dù chỉ có mấy công đoạn, từ chọn rồi cưa tre, chẻ tre, vót nan, đan thúng, uốn vành, phơi thúng, quét phân bò, quét dầu rái… nhưng để có một chiếc thuyền thúng hoàn chỉnh, đảm bảo yếu tố kỹ thuật là không hề đơn giản. Tre được chọn khoảng 1,5 tuổi, nếu tre quá già thì khi quét lớp chống thấm nước bên ngoài sẽ khó có độ kết dính. Khó nhất trong các công đoạn, có lẽ là khâu uốn và nức vành.

Ông Liêm cho biết: Mỗi chiếc thuyền thúng có sức chứa khoảng 8 - 10 người, tất cả đều được làm thủ công nên khi uốn tre và nức vành, người thợ phải tính toán sao cho không quá to nhưng cũng không quá nhỏ. Để uốn thủ công một vành thuyền thúng cũng “vẹo hết cả xương sống”, nếu thợ không có sức khỏe thì không thể đảm đương nổi.

Ngày xưa, mỗi ngày trại thúng của ông Liêm xuất xưởng đều đặn 1 chiếc cho bạn hàng khắp nơi, từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Chừ thì 3 cha con tui làm cầm chừng mỗi tuần 2 - 3 chiếc mà có khi còn không bán được” – anh Phan Anh, một trong hai người con nối nghiệp của ông Liêm chia sẻ.

Mỗi năm, cha con nhà ông Liêm nhận khoảng chục hợp đồng làm thuyền thúng du lịch xuất đi các nước như Anh, Úc, Philippines, Nhật Bản, Tây Ban Nha… “Thêm cả đơn đặt hàng từ các resort, khu du lịch trong nước nữa nên cũng đủ để duy trì các nhu cầu tối thiểu trong gia đình” – anh Anh chia sẻ. “Thuyen thung by Liem” phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch có kích cỡ khoảng 2,3m. Theo anh Phan Anh, dòng thuyền thúng này thường có hai loại là thuyền chèo bằng mái và thuyền có gắn máy. Thuyền dùng mái chèo giá khoảng hơn 5 triệu/thuyền và thuyền gắn máy có giá khoảng 7 triệu, với sức chứa khoảng 10 người.

Tui cứ nghĩ nghề biển còn thì nghề đan thuyền thúng vẫn cứ còn đất sống. Như nhà tui ba đời làm nghề ni rồi, biển vào mùa động, nghề đan giúp cho gia đình khỏi đứt bữa. Nhưng giờ lớp trẻ không mấy ai còn mặn mà với nghề nữa, như mấy đứa con tui, cầm đến cây dao cây rựa còn khó, nói chi đến việc truyền nghề…, anh Anh thở dài rồi bỏ lửng câu nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ