Người Cơ Tu làm du lịch

GD&TĐ - Nụ cười trong trẻo của các chàng trai, cô gái, cái bắt tay đon đả, trìu mến của người Cơ Tu ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đón khách từ đầu làng. Đến xem điệu múa “Tung tung da dá”, chúng tôi có cảm giác bị mê hoặc, quyến luyến muốn ở lại thêm chẳng muốn về.

Người Cơ Tu làm du lịch

Làm du lịch cộng đồng

Trên con đường đến làng người Cơ Tu vượt qua nhiều dãy núi cao, chúng tôi được bật mí rằng: Người Cơ Tu sẽ rất vui nếu bạn có thể chào bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Chúng tôi bắt đầu học những từ thông dụng nhất.

Ai cũng phải nắm rõ các quy định đến làng, như: Không tự ý đi lại trong làng, không vào nhà dân, không chụp ảnh nếu chưa được phép của người dân. Không cho trẻ em tiền hoặc bất cứ vật gì cho các cá nhân trong cộng đồng…

Chị Cha Hiết Vân (29 tuổi) - thuyết minh viên Điểm du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang nói, chính từ những điều mà du khách cùng người làng hứa với nhau này, đồng bào nơi đây tin rằng bản làng vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ cùng những con người đôn hậu nơi đây mà không bị thay đổi bởi sự phát triển du lịch.

Bất ngờ, khi vừa xuống xe chúng tôi được không ít người già chạy đến ôm lấy, rối rít thăm hỏi “Krơ ka” (Bạn có khỏe không) như đón người thân ở xa mới về.

Ấn tượng với chúng tôi chính là khi những thiếu nữ, chàng trai người Cơ Tu vũ điệu “Tung tung da dá” trước khuôn viên nhà Gươl trong ánh nắng chói chang. Người Cơ Tu với đôi chân trần, đôi tay hòa nhịp tiếng cồng chiêng kèm với những điệu múa uyển chuyển. Đó là những nét văn hóa độc đáo mà họ muốn gửi đến du khách. Theo già làng Zuông Noonh, điệu múa “Tung tung da dá” gắn bó với cộng đồng bao đời nay và xuất hiện trong tất cả sinh hoạt đời sống, lễ nghi của đồng bào Cơ Tu. Không có một người Cơ Tu nào xa lạ với vũ điệu “Tung tung da dá” vì nó đã tồn tại và thấm sâu vào tiềm thức của đồng bào.

Tìm lại “kho báu”

Từ cách đây 6 năm (2012), khi các cán bộ của Tổ chức Cứu trợ phát triển Nhật Bản - FIDR (thực hiện dự án sử dụng ngân sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA), bắt tay vào việc tìm cách khôi phục nghề dệt thổ cẩm cườm của người Cờ Tu, họ nhận ra ở xã Tà Bhing chỉ còn 8 phụ nữ biết làm thổ cẩm. Vậy nhưng, tới nay, nơi đây đã có một hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, với 40 thợ dệt đã hình thành.

Song làm thế nào để sản phẩm thổ cẩm được dệt bởi bàn tay người phụ nữ Cơ Tu trở thành những món quà có giá trị văn hoá đối với khách du lịch nước ngoài, được nhiều người biết đến? Năm 2015, một hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang được thành lập ở xã Tà Bhing, với sự tham gia của những nhóm cư dân tình nguyện ở các thôn làng.

Với sự hỗ trợ đào tạo kỹ thuật của các chuyên gia dự án, những thủ lĩnh buôn làng đã vận động gia đình mình cùng làm du lịch với hợp tác xã, bằng khả năng và mong muốn của mình. Mỗi thôn chịu trách nhiệm một đặc sản để biến cả địa bàn xã thành một tour du lịch khép kín. Thôn Pà Rồng trình diễn những công việc mô tả sinh hoạt truyền thống của người Cơ Tu như đặt bẫy, vót chông, đan dụng cụ đi rừng, giã gạo… Thôn Zơ Ra dệt thổ cẩm. Thôn Pà Xua lập đội múa. Thôn Pà Ia cung cấp cho du khách những bữa ăn truyền thống, đậm đà hương vị núi rừng. Và điều hành các hoạt động du lịch ở Tà Bhing là chàng trai Cơ Tu 31 tuổi, Briu Thương - chủ nhiệm hợp tác xã.

Nói về người Cơ Tu làm du lịch, ông Nguyễn Văn Phi - Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang cho rằng: Du lịch cộng đồng dựa vào văn hoá bản địa ở nhiều nơi đã phát triển dịch vụ này. Song với người Cơ Tu ở Tà Bhing làm du lịch cộng đồng không giống bất cứ địa phương nào. Tất cả người dân, các buôn làng trong xã đều tham gia vào hoạt động du lịch. Tuy vậy, không hề có bất cứ sự cạnh tranh nào.

Làm du lịch cộng đồng đang giúp cuộc sống người Cơ Tu nơi dãy núi Trường Sơn đổi thay từng ngày. Năm 2017, Hợp tác xã du lịch Tà Bhing đạt doanh thu 956 triệu đồng từ du lịch. 70% được chia cho người dân ở các làng tham gia cung cấp dịch vụ. Số tiền đó có thể không nhiều so với các điểm du lịch nổi tiếng. Song là một khoản thu nhập đáng kể của những người dân ở Tà Bhing. Và điều quan trọng hơn người Cơ Tu làm du lịch cộng đồng là họ đang tìm lại “kho báu” của mình. Từ nghề đan lát, món ăn đặc trưng, điệu múa của đồng bào đến nghề dệt thổ cẩm cườm đặc sắc bị mai một nay đang dần được hồi sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.