Nóng trong tuần: Tăng cường hợp tác giáo dục với Nhật Bản; khảo sát 10 năm NQ 29

GD&TĐ - Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thăm, làm việc tại Nhật Bản; tiếp tục khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 29,... là hoạt động giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Moriyama Masahito.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Moriyama Masahito.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm, làm việc tại Nhật Bản

Từ ngày 10/10 đến ngày 13/10, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Hoạt động trong ngày đầu tiên của đoàn tại Nhật Bản là tới thăm Trường ĐH Tokyo Gakugei và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại Trường ĐH Tokyo Gakugei, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã tới thăm cơ sở vật chất, phòng học, phòng thư viện tại trường; đồng thời có cuộc trao đổi với Ban Giám hiệu và cán bộ chuyên môn Trường ĐH Tokyo Gakugei.

Chia sẻ về quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo sâu rộng đang diễn ra tại Việt Nam với vai trò quan trọng của các trường ĐH sư phạm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn Trường ĐH Tokyo Gakugei chia sẻ thông tin với Việt Nam về mô hình giáo dục thực hành, kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên và các chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn, trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục có những hỗ trợ, phối hợp để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó quan tâm tới việc mở rộng hợp tác đào tạo giáo viên bậc phổ thông; trao đổi sinh viên, giảng viên bậc ĐH; kết nối hợp tác giữa các trường phổ thông của hai nước để học hỏi kinh nghiệm, mô hình trong đổi mới giáo dục…

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 11/10, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT). Đánh giá cao sự phát triển của giáo dục và đào tạo Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác cũng như mong muốn được học tập nhiều hơn từ giáo dục và đào tạo Nhật Bản.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Tập đoàn Mizuno Nhật Bản đã trao bản ghi nhớ hợp tác về việc thực hiện chương trình hợp tác nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục thể chất tại các trường tiểu học tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác tới thăm Trường Tiểu học Nadeshiko. Tại đây, Bộ trưởng đã tới thăm mô hình lớp học kiểu Nhật, thăm các phòng học bộ môn, thư viện và trò chuyện với học sinh, giáo viên nhà trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chứng kiến lễ trao văn bản hợp tác của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Giao thông vận tải với đối tác Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chứng kiến lễ trao văn bản hợp tác của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Giao thông vận tải với đối tác Nhật Bản.

Ngày 12/10, Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với Phó Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ngài Ataeda Miki.

Bên cạnh những hỗ trợ đã được thực hiện từ nhiều năm qua, tại cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch JICA, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng để cập tới một “việc mới” với mong mỏi JICA sẽ hỗ trợ cho Việt Nam - đó là hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Cụ thể, Bộ trưởng mong muốn JICA sẽ hỗ trợ để các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong các trường phổ thông của Việt Nam được sang trao đổi, học tập tại các trường phổ thông của Nhật Bản.

Cũng trong ngày 12/10, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thăm và trao đổi với ông Takebe Tsutomu, thành viên Hội đồng Trường ĐH Việt Nhật; chứng kiến lễ trao văn bản hợp tác của ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Giao thông vận tải với đối tác Nhật Bản.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu trong chuyến công tác làm việc, khảo sát tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu trong chuyến công tác làm việc, khảo sát tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên.

Tiếp tục chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29

Tuần qua, các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn tiếp tục làm việc, khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 tại các đại phương, trường đại học.

Trong 2 ngày (10, 11, 12/10), Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm Trưởng đoàn đã làm việc, khảo sát tình hình thực tế tại tỉnh Lào Cai và Điện Biên.

Tại đây, đoàn đã tới khảo sát thực tế tại Trường THPT số 1 Bảo Thắng và làm việc với Tỉnh uỷ Lào Cai; khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, làm việc với huyện Điện Biên và làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ sự trân trọng những nỗ lực và đóng góp của tỉnh Lào Cai, Điện Biên trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Thứ trưởng đánh giá, tỉnh Lào Cai đã triển khai Nghị quyết 29 bài bản, khoa học và hiệu quả.

Để việc triển khai Nghị quyết 29 tiếp tục đạt được những kết quả như quan điểm, mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Lào Cai cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quan tâm tới quyền được học tập, đảm bảo công bằng giáo dục; đảm bảo an toàn trường học; tiếp tục đầu tư có chiều sâu về đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, sắp xếp trường lớp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho dạy và học…

Với tỉnh Điện Biên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh thẳng thắn nhìn vào những vấn đề cần khắc phục, như việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp. Quan tâm tới điều kiện làm việc cho đội ngũ giáo viên; tiếp tục công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận và tiếp tục huy động nguồn lực cho đổi mới; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh; đảm bảo an toàn trường học, đảm bảo công bằng và hoà nhập trong giáo dục; chú ý xây dựng trường học hạnh phúc… cũng là những lưu ý của Thứ trưởng Ngô Thị Minh với tỉnh Điện Biên.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 29.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc làm việc với thành phố Hải Phòng về tình hình thực hiện Nghị quyết 29.

Ngày 12/10, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm Trưởng đoàn, nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong buổi sáng, Đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy huyện Kiến Thụy; buổi chiều làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.

Tiếp tục chương trình khảo sát, chiều 13/10, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình. Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại Huyện ủy Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Thứ trưởng lưu ý: Càng đổi mới thì khó khăn, thách thức càng nhiều. Vì vậy, đổi mới phải có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; không quá sốt ruột hoặc quá cầu toàn.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới, đảm bảo hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và cơ sở vật chất hướng tới chuẩn hóa...

Đề cập đến công tác xã hội hóa, Thứ trưởng cho rằng cần nhận thức phù hợp, xã hội hóa không chỉ là hỗ trợ, là từ thiện mà phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từ cơ chế, chính sách, đến huy động mọi nguồn lực xã hội một cách phù hợp; xã hội hóa phải gắn với sự đầu tư của Nhà nước, với tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khi khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Trường Đại học Hồng Đức.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khi khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Trường Đại học Hồng Đức.

Ngày 13/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khảo sát thực tế và làm việc với Trường ĐH Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian 10 năm đổi mới tại nhà trường và nhận định, để có những kết quả này, là một trường ĐH trực thuộc địa phương, Trường ĐH Hồng Đức đã nhanh chóng thích nghi, tháo gỡ khó khăn và từng bước đổi mới.

Thứ trưởng nhận định: Trong bối cảnh cần thiết phải thay đổi để phát triển, lĩnh vực giáo dục ĐH đã có những chuyển biến mang diện mạo mới. Việc nhìn lại kết quả đạt được trong 10 năm qua, chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đánh giá toàn diện, đúng đắn, biết được những hạn chế, điểm nghẽn để có những đề xuất, định hướng đúng đắn trong thời gian, giai đoạn tiếp theo.

Về công tác lãnh đạo, thời gian qua trong các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục ĐH nói riêng phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, nhất là trong bối cảnh tự chủ ĐH. Trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục thì yêu cầu về lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở giáo dục ĐH càng trở nên quan trọng.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Ban hành mới quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 quy định về thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thay thế Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT.

Theo đó, Thông tư 17 quy định số lượng thí sinh của các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội 20 thí sinh. Về ra đề thi, chấm thi; về tiêu chuẩn, điều kiện các thành viên tham gia Hội đồng coi thi Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế,…tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, sở giáo dục và đào tạo trong các khâu tổ chức thi.

Tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; đối với Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.

Quy chế mới tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Bổ sung Giấy chứng nhận trong kỳ thi. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải, điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia Kỳ thi.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của Bộ GDĐT; nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường THPT tham gia tổ chức thi.

Quy chế mới cũng bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết triển khai vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội đối với môn tin học. Linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.

Ngày 9/10 Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực tổ chức. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự và phát động cuộc thi.

Được phát động lần đầu tiên vào năm 2018, cuộc thi là cơ hội để lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và các nhà trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp và thầy cô. Đây cũng là dịp động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ