Nóng trong tuần: Sơ kết thực hiện Luật GD Đại học, chương trình GD thường xuyên

GD&TĐ - Nhiều hoạt động sơ kết, đánh giá lại việc triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của ngành Giáo dục được thực hiện trong tuần qua.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT chủ trì thảo luận tại tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT chủ trì thảo luận tại tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023.

Sơ kết thực hiện Luật Giáo dục ĐH

Ngày 17/12, tại Đại học Duy Tân, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.

Qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Từ các văn kiện, nghị quyết về chủ trương, đường lối của Đảng cho tới văn bản luật, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội cũng như hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh thực hiện tự chủ, có chính sách đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Hành lang pháp lý về tự chủ đại học tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành có liên quan đã khẩn trương, tích cực xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai, ban hành nhiều quy định, chính sách quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương về đẩy mạnh tự chủ đại học, nhất là trên các lĩnh vực tự chủ về chuyên môn, về tổ chức, nhân sự và về tài chính.

Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học cũng đã có nhiều chuyển biến, thay đổi phù hợp với điều kiện tự chủ đại học. Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều quy định khung, tiêu chuẩn làm công cụ quản lý hữu hiệu, giảm thiểu cơ chế “xin - cho” trong quản lý giáo dục đại học.

Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, công tác quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực. Cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học phát huy dân chủ, có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học đã bước đầu có sự đa dạng hoá; hiệu quả sử dụng nguồn lực có nhiều cải thiện và từng bước được nâng cao. Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học dần được điều chỉnh, đổi mới. Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thực hiện tự chủ được quyền quyết định giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ hợp lý cũng như tự quyết định các khoản chi, mức chi phù hợp với mức độ, năng lực thực hiện tự chủ theo quy định.

Nhờ huy động được nguồn kinh phí dồi dào hơn, cơ sở giáo dục đại học tự chủ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và cải thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên, từ đó giúp nhà trường thu hút, tuyển dụng được những người có năng lực, trình độ về công tác.

Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Tỉ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị tăng đáng kể; số lượng công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Một số cơ sở giáo dục đại học có sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, học thuật, góp phần từng bước khẳng định vị thế và uy tín của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023. Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở giáo dục đại học, quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, quy định về hoạt động đào tạo, quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, quy định về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 có 2 mục tiêu là phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa Luật, xây dựng luật mới.

Đây cũng là sự đóng góp trí tuệ, chia sẻ khó khăn từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay nhưng phải cùng nhau làm rõ những gì còn vướng mắc trong Luật, trong các văn bản hướng dẫn hay là ở khâu tổ chức thực hiện, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện…

z61389382667421d42b98fabe723bc696e66bcef662b69.jpg
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT với sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên phòng chuyên môn về giáo dục thường xuyên của 63 Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong hai năm triển khai chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các Sở GD&DT đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên; đã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cơ bản đảm bảo chất lượng, theo đúng lộ trình.

Các Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản và triển khai kịp thời các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT giúp hệ thống cơ sở giáo giáo dục thường xuyên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Theo đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực.

Các Sở GD&ĐT thực hiện hiệu quả công tác tham mưu bố trí mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học viên; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Căn cứ Chương trình, khung kế hoạch thời gian và hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Trung tâm lên kế hoạch và tổ chức dạy học. Các Trung tâm tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo và tự học của học viên.

Các tổ, nhóm chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, giúp giáo viên bắt nhịp với việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tất cả các sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các Trung tâm tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trung tâm; đồng thời báo cáo Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn, phê duyệt danh mục các sách giáo khoa đáp ứng tiêu chí và phù hợp với địa bàn tỉnh.

Sau 2 năm học thực hiện, kết quả cho thấy, việc triển khai chương trình đã giúp học viên phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, tăng khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời. Chương trình cũng tạo điều kiện để người học hoàn thiện học vấn THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn; đồng thời giúp học viên có nhiều cơ hội lựa chọn các môn học theo năng lực, sở trường.

z61486198759855aa05fcc7eb6550f30267cd9e9fe1119.jpg
Hội thảo với chủ đề “Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những bài học kinh nghiệm”.

Đánh giá triển khai Chương trình GDPT 2018 và xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục

Hai hoạt động đánh giá diễn ra trong tuần qua là hội thảo “Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những bài học kinh nghiệm” do Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GD&ĐT tổ chức; hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT, ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết, việc đánh giá kết quả thực hiện hai Thông tư này là cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ, giáo viên trên cả nước. Qua đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định, đồng thời đưa ra giải pháp thiết thực nhằm nhân rộng các mô hình thực hiện quy tắc ứng xử hiệu quả.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Các ý kiến tập trung vào kinh nghiệm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử và giải pháp khắc phục hạn chế. Đồng thời, chia sẻ phương pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quy tắc ứng xử đối với phát triển nhân cách và lối sống văn hóa tại các cơ sở giáo dục.

z61417746989108321bcc82975de9edc6316402662a5d5.jpg
Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục.

Tại hội thảo “Đánh giá kết quả triển khai Chương trình GDPT 2018 và những bài học kinh nghiệm”, các cựu giáo chức đã thẳng thắn nhìn nhận cả kết quả đạt được và những vấn đề còn hạn chế, tồn tại cần tiếp tục khắc phục khi triển khai Chương trình GDPT 2018; từ đó đề xuất giải pháp.

Một số ý kiến chia sẻ sâu về biên soạn SGK, dạy học tích hợp, chương trình giáo dục thể chất, tài liệu giáo dục địa phương… Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã tiếp thu, cung cấp thêm thông tin, trao đổi lại, làm rõ thêm những vấn đề các cựu giáo chức đưa ra.

Phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030

Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030 được phê duyệt cũng là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Đề án phấn đấu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030; phấn đấu có thêm 5 tỉnh/thành phố có cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục tích hợp với chương trình nước ngoài.

Phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Đề án phấn đấu trên 20% chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng top 500 thế giới trở lên; nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%; nâng tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hằng năm lên 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam.

Trên 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; phấn đấu thu hút để có thêm 02 phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo; 2- đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo; 3- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; 4- Nâng cao năng lực đội ngũ và nhận thức về hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.