Học sinh Việt Nam giành giải tại ISEF và APhO 2023
Trong tuần qua, đội tuyển học sinh Việt Nam mang về 2 tin vui từ Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 và Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương 2023.
Cụ thể, tham gia hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 - REGENERON ISEF 2023 đội tuyển Việt Nam có 2 trong số 7 dự án tham gia đoạt giải. Một dự án đoạt giải Ba chính thức của Hội thi và một dự án đoạt giải đặc biệt (Special Awards) do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Dự án đoạt giải Ba chính thức của Hội thi là dự án “Tác dụng dược lý trên thần kinh trung ương của tinh dầu quả và lá màng tang dựa trên mạng dược lý” thuộc lĩnh vực Sinh học Điện toán và Tin sinh học (CBIO) của 2 em Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Bình Giang, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự án nhận giải đặc biệt do tổ chức US Agency for International Development trao tặng là dự án “Mô hình robot bốn chân hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở” của em Lê Minh Đức và em Lê Nguyễn Trung Kiên, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.
8 học sinh Việt Nam tham dự APhO 2023 từ trái qua phải: Nguyễn Minh Tài Lộc; Lê Viết Hoàng Anh; Nguyễn Tuấn Dương; Thân Thế Công; Nguyễn Tuấn Phong; Phan Thế Mạnh; Võ Hoàng Hải; Vũ Ngô Hoàng Dương. |
Chiều 22/5, Đội tuyển Việt Nam tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 về đến sân bay Nội Bài. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đón và chúc mừng đội tuyển.
Ngày 8/8, theo thông tin từ Ban Tổ chức Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2023, cả 8 học sinh của Đội tuyển Việt Nam tham dự đều đoạt giải, gồm 4 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.
4 học sinh đoạt Huy chương Đồng gồm các em: Phan Thế Mạnh (Lớp 12 trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Tuấn Phong (Lớp 12 Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh); Võ Hoàng Hải (Lớp 11 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội); Thân Thế Công (Lớp 11 Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang).
4 học sinh nhận Bằng khen gồm các em: Vũ Ngô Hoàng Dương (Lớp 12 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội); Nguyễn Minh Tài Lộc (Lớp 12 Trường THPT Chuyên Quốc Học, Tỉnh Thừa Thiên Huế); Lê Viết Hoàng Anh (Lớp 12 Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Tuấn Dương (Lớp 12 Trường THPT Chuyên Trần Phú, Thành phố Hải Phòng).
Kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 do Mông Cổ đăng cai tổ chức từ ngày 21-29/5/2023. Theo quy chế của cuộc thi APhO, học sinh làm các bài thi lí thuyết và thực hành; mỗi bài thi trong 300 phút (5 tiếng).
Tham dự APhO năm nay có 26 đội tuyển từ 25 nước và vùng lãnh thổ với 195 thí sinh. Với kết quả 100% thí sinh đoạt giải, đoàn Việt Nam là một trong 7 đoàn có 100% học sinh đạt giải.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cùng các thành viên Đoàn số 1 nắm tình hình chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình. |
Bộ GD&ĐT làm việc tại địa phương về chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, lần đầu tiên đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm việc tại địa phương về công tác chuẩn bị thi.
Cụ thể, ngày 26/5, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cùng các thành viên Đoàn công tác số 1 đã làm việc với tỉnh Ninh Bình. Tại đây, Thứ trưởng và Đoàn đã đến thăm nắm cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị kỳ thi tại Trường THPT Gia Viễn B, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy và làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình.
Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “khâu chuẩn bị chu đáo sẽ thuận lợi cho khâu tổ chức”, Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT Ninh Bình tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Trong đó, công tác tập huấn phải được làm kỹ lưỡng, cụ thể và cá thể hoá đến từng đối tượng tập huấn; tổng hợp những nội dung, vấn đề hay mắc phải, trường hợp cá biệt đã xảy ra để đưa vào tập huấn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nắm tình hình chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Trường THPT Gia Viễn B. |
Lưu ý chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực cho kỳ thi, Thứ trưởng khẳng định tầm quan trọng của khâu lựa chọn con người và cho rằng: Dù Quy chế có chặt chẽ đến đâu, camera theo dõi thế nào, phần mềm tốt ra sao... thì con người, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật là quan trọng nhất. Một sai sót nhỏ của cá nhân có thể ảnh hưởng tới cả kỳ thi.
Đối với vấn đề phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị trong tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng yêu cầu, Sở GD&ĐT chủ động đề xuất phối hợp và đôn đốc kế hoạch của từng ban, ngành, đơn vị. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường công tác dự báo và nhận diện các khâu cần thanh tra, kiểm tra để tránh rủi ro.
“Cố gắng không lơ là, chủ quan, kỹ lưỡng, chu đáo, cụ thể, dự báo trước các tình huống xảy ra, có phương án kịp thời xử lý các tình huống bất thường" - Thứ trưởng lưu ý và tin tưởng, với kinh nghiệm đã chỉ đạo và với tinh thần không chủ quan, tin tưởng Ninh Bình sẽ tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy trình và duy trì chất lượng kỳ thi.
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngày 25/5, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 2487/BGDĐT-QLCL về việc miễn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Theo công văn này, trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2023 có 140 học sinh lớp 12 tham gia dự thi.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT, các đại học, trường đại học có trường THPT chuyên thực hiện miễn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đối với các thí sinh nói trên. Việc này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam. |
Tiếp tục quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Giáo dục
Tuần qua, 2 sự kiện đáng chú ý có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là: Hoạt động của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương thăm, làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội họp phiên toàn thế lần thứ 5.
Phát biểu tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định mối quan hệ phối hợp khăng khít giữa Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam và đặc biệt đánh giá cao vai trò của Hội trong phát triển, đổi mới GD-ĐT nói chung.
Bộ trưởng cho biết: Đây là thời điểm chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Hơn lúc nào hết, việc hô ứng, tham gia của Hội Khuyến học Việt Nam là vô cùng quan trọng, góp phần cùng Bộ GD&ĐT hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong đó, một số việc được Bộ trưởng cho là việc lớn, trọng tâm, trọng điểm, đúng lúc, giúp tạo một lực đẩy lớn hơn mong được Hội quan tâm, như: Đánh giá về đổi mới giáo dục phổ thông; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29; phổ cập giáo dục, vận động đưa trẻ đến trường…
Bộ trưởng cũng mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ từ Hội Khuyến học Việt Nam nhằm lan tỏa các chính sách; đồng thời ghi nhận ý kiến phản hồi, phản biện, những khó khăn vướng mắc từ xã hội khi triển khai chính sách của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp. |
Tại phiên toàn thế lần thứ 5 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ hàng loạt công việc ngành Giáo dục đang và sẽ phải làm như: Đánh giá giai đoạn 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới, thẩm định sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29…
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ ủng hộ ngành Giáo dục; trong đó có một số việc cụ thể như: Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên; dành quỹ đất cho giáo dục để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục.
Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng cho biết: Sau khi vấn đề này được Bộ GD&ĐT đề nghị ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét phương án cụ thể.
Bộ GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến bất cập trong thực hiện Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT đang gấp rút xây dựng Nghị định 116 sửa đổi, đáp ứng yêu cầu về đào tạo giáo viên.
Ngày 28/8, Bộ GD&ĐT đã thông tin về việc sử dụng môn Văn trong tuyển sinh Y khoa ở một số cơ sở giáo dục đại học tư thục. Trong đó cho biết: Quy chế tuyển sinh hiện hành (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022) của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.
Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Yếu tố quan trọng nhất mà tất cả các bên liên quan đều quan tâm, đó chính là chất lượng đào tạo của các trường. Các trường nào có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, có đầu vào tuyển sinh quá thấp… thì sẽ chịu ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của mình, và về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.