Nóng trong tuần: Đề xuất giảm tuổi hưu của giáo viên mầm non

GD&TĐ - Tiếp tục hoạt động giám sát thực hiện CT mới, đề xuất giảm tuổi hưu giáo viên mầm non, tuyển sinh lớp 10… là vấn đề giáo dục được quan tâm tuần qua.

Ảnh minh họa /ITN.
Ảnh minh họa /ITN.

Đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét việc giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác được nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 năm).

Theo Bộ GD&ĐT, giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Do vậy, trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

Giáo viên mầm non phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và về nhà muộn. Trong suốt buổi học, các thầy cô phải múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động... nên sức khỏe thầy cô phải tốt, phản xạ nhanh.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với quy định.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình. TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng: Thực tế cho thấy, tuổi làm việc cao sẽ dẫn đến giáo viên mầm non không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non.

Việc quy định tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm là phù hợp. Quyết định sớm việc này không chỉ động viên giáo viên mầm non thêm yêu nghề mà còn thể hiện tính nhân văn đối với loại hình lao động hết sức đặc thù của đội ngũ này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần hết sức ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ GD&ĐT về đổi mới giáo dục phổ thông

Ngày 24/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ GD&ĐT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát cho biết:

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp, nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được tổ chức thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trình bày cũng chỉ ra những vấn đề cần lưu ý về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và những nội dung đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan bổ sung, giải trình, làm rõ. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đại diện các đơn vị của Bộ đã giải trình, báo cáo làm rõ một số vấn đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ quan điểm liên quan đến đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong đó, đề cập đến đánh giá cần quan tâm đến các tác động toàn diện. Đồng thời, tại thời điểm triển khai giám sát, Chương trình đang trong lộ trình thực hiện, nhiều thứ mới dừng ở mức độ dự đoán, bước đầu đánh giá, phải đến khi triển khai hết một chu trình mới có thể đánh giá được kết quả.

Trả lời câu hỏi của của Trưởng Đoàn giám sát “Chương trình đã ổn chưa, có cần điều chỉnh tiếp không?”, Bộ trưởng nhắc tới “hướng mở, linh hoạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” và thuật ngữ “phát triển chương trình” với khẳng định, việc điều chỉnh có thể thực hiện khi chương trình đang triển khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm “khi đoàn tàu đang chạy, không nên thay quá nhiều bánh xe, máy móc, thiết bị. Để đoàn tàu chạy hết một chặng đường rồi có điều chỉnh, chắc là sẽ phù hợp hơn”.

Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tại buổi làm việc là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ổn định chính sách trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo Bộ trưởng, đến năm 2025, khi kết thúc một chu trình, nếu có thay đổi có tính chất định hướng hoặc thay đổi lớn thì lúc đó sẽ xem xét thấu đáo. “Ổn định về mặt chính sách là hết sức quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Nóng tuyển sinh vào lớp 10

Tuần vừa qua, thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại các địa phương tiếp tục được quan tâm. Trong đó, có hiện tượng giáo viên định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập năm học 2022-2023 chưa cao không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT năm học 2023-2024 khiến dư luận bức xúc.

Trước tình trạng trên, ngày 26/4, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi các đơn vị về việc rà soát, kiểm tra hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi vào lớp 10...

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra hiện tượng nêu trên.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 cho 95 trường THPT tư thục tuyển mới 614 lớp và 26.829 học sinh. Tất cả các trường xét đều xét học bạ của học sinh ở 4 năm học cấp trung học cơ sở để tuyển sinh. Các trường được tuyển học sinh vào lớp 10 là những học sinh cư trú tại Hà Nội, không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) hướng dẫn học sinh thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) hướng dẫn học sinh thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chuẩn bị sẵn sàng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Tuần qua, các Sở GD&ĐT, trường THPT đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thí sinh cũng đã kết thúc việc đăng ký dự thi thử để chuẩn bị đăng ký chính thức từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngày 27/4, cả 63 tỉnh/thành đã triển khai cho thí sinh thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Đến nay có 250.000 thí sinh đã đăng ký thành công.

Bộ GD&ĐT đã sẵn sàng tất cả hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Bộ cũng có bộ phận thường trực 24/24 để hỗ trợ xử lý các tình huống nếu có.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị đăng ký dự thi cần chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc đăng ký dự thi. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra và kiểm tra chéo thông tin thí sinh đăng ký dự thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, các đơn vị lưu ý thông tin về diện ưu tiên, điểm khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và thông tin để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh ĐH-CĐ; tổ chức lưu giữ hồ sơ đăng ký dự thi của các đối tượng dự thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.