Nóng trong tuần: Đánh giá 10 năm thực hiện đổi mới toàn diện GD

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành Giáo dục chia buồn, động viên gia đình cô giáo gặp nạn tại Hà Giang; đánh giá 10 năm thực hiện NQ 29... là thông tin nổi bật tuần qua.

Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: Thế Đại.
Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: Thế Đại.

Đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Ngày 4/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là việc lớn, khó, nên sự tham gia phối hợp, hỗ trợ, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành công của hoạt động tổng kết.

Về phía Bộ GD&ĐT, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là cơ hội nhìn nhận lại các công việc đã triển khai trong 10 năm qua. Hoạt động này cũng nhằm xác định những vấn đề cần tiếp tục thực hiện và những vấn đề mới trong phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam để đề xuất quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dù triển khai công việc này nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ GD&ĐT quyết tâm triển khai và hướng đến chất lượng tốt nhất.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng cần đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng thời lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị cho nội dung chỉ đạo tiếp theo.

Cán bộ Công đoàn Giáo dục Việt Nam thắp hương, kính viếng cô giáo Mai Thị Yến.

Cán bộ Công đoàn Giáo dục Việt Nam thắp hương, kính viếng cô giáo Mai Thị Yến.

Chia buồn, động viên gia đình thầy cô gặp tai nạn

Khoảng 16h ngày 3/5, hai vợ chồng giáo viên ở Hà Giang đi xe máy lên điểm trường dạy học thì bất ngờ bị tai nạn rơi xuống vực sâu khiến người vợ Mai Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non Đường Thượng tử vong.

Hai vợ chồng cô Yến cùng con nhỏ đi xe máy trở lại trường sau kỳ nghỉ 30/4 - 1/5. Nơi xảy ra tai nạn cách điểm trường khoảng 2km.

Thầy Nguyễn Đại Đình Nam (chồng cô Yến) bị thương nặng, được đồng nghiệp và người dân đưa đi cấp cứu kịp thời. Hiện nay thầy Nam đang điều trị tại phòng hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của cô Mai Thị Yến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi thư chia buồn và thăm hỏi đến gia đình nữ giáo viên.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Giang, Công đoàn Giáo dục Hà Giang, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tại địa phương quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ gia đình cô giáo sớm ổn định cuộc sống; động viên, hỗ trợ các đồng nghiệp của cô giáo tại Trường Mầm non Đường Thượng yên tâm công tác.

Bộ trưởng cũng lưu ý tăng cường quan tâm, hỗ trợ đời sống, sinh hoạt cho các thầy giáo, cô giáo công tác ở địa bàn khó khăn.

Trong thư, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đồng thời bày tỏ sự cảm động và ghi nhận trước những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo đang cắm bản, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đã không quản nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn trăm bề để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn với gia đình cô giáo gặp nạn; có những hỗ trợ kịp thời với gia đình, người thân của cô Yến; giúp họ sớm vượt qua nỗi đau.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Trong tuần qua, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thời gian đăng ký từ ngày 4/5 đến 17h ngày 13/5. Sau thời điểm này, thí sinh không được thay đổi các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Tính đến 18h00 ngày 5/5, số liệu thống kê thí sinh đăng ký dự thi trên Hệ thống Quản lý thi là 383.783.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tại một số thời điểm có số lượng thí sinh truy cập đồng thời vào Hệ thống Quản lý thi tăng đột biến. Điều này khiến xảy ra hiện tượng nghẽn mạng khi truy cập vào Hệ thống tại một số địa phương và thí sinh gặp khó khăn khi truy cập.

Bộ phận trực kỹ thuật của Hệ thống đã triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật xử lý nên hệ thống đã hoạt động ổn định bình thường.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ban hành hướng dẫn tuyển sinh ĐH – CĐ

Tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023 - 2024. Trong đó, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh một số mốc thời gian quan trọng.

Từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh có quyền đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống. Trước 17h ngày 6/9, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học đợt 1 trên hệ thống.

Từ ngày 7/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bổ sung.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT hướng dẫn thí sinh thực hiện theo các quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Hướng dẫn thí sinh đăng kí nguyện vọng xét tuyển (NVXT) vào các cơ sở đào tạo (CSĐT) được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Sách giáo khoa năm học 2023 - 2024 đã được bày bán tại các cửa hàng.

Sách giáo khoa năm học 2023 - 2024 đã được bày bán tại các cửa hàng.

Sách giáo khoa năm học 2023 – 2024 đã ‘lên kệ’

Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, đến thời điểm này, SGK phục vụ năm học 2023 – 2024 đã bày bán tại các cửa hàng thuộc hệ thống phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam và các Công ty Sách – TBTH địa phương.

Các đầu SGK bao gồm sách giáo khoa tái bản của các lớp 1,2,3,6,7,10 theo chương trình GDPT 2018 và các lớp 5,9,12 theo chương trình GDPT 2006.

Ngoài ra, sách giáo viên, sách bổ trợ đang được NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục in, nhập kho để cung ứng tới các cửa hàng bán lẻ, trường học phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh.

SGK lớp 4,8,11 theo chương trình GDPT 2018 dự kiến phát hành từ ngày 15/6/2023. Tuy nhiên, hiện mới có một số ít địa phương công bố danh mục lựa chọn SGK lớp 4,8,11 và hầu hết chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thực tế này cũng là khó khăn rất lớn đối với các nhà xuất bản, cả về số lượng, thời điểm và phương thức triển khai công tác in, làm sao vừa đảm bảo yêu cầu của Bộ GD&ĐT về cung ứng SGK phục vụ năm học mới, vừa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác in và phát hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ